Báo cáo của hội thảo cho biết, mỗi năm Việt Nam có hàng trăm triệu chất thải trong chăn nuôi bị lãng phí.
Trong khi đó, chất thải lãng phí này còn gây ô nhiễm môi trường do các trang trại sử dụng nhiều nước làm vệ sinh và làm mát cho lợn nhằm tiết kiệm lao động và giảm mùi hôi, dẫn đến chất thải chăn nuôi bị hòa loãng thành phân lỏng, không thể thu gom và chỉ còn cách xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm cho nguồn nước.
TS. Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi cho biết: nghiên cứu đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), để sản xuất và chế biến 1kg thịt lợn cần khoảng 5.700 lít nước.
Như vậy, ngành chăn nuôi sẽ tạo ra tác động tiêu cực môi trường ghê gớm nếu không có biện pháp quản lý chất thải. Ở Việt Nam, mật độ chăn nuôi lợn cao gấp 3 lần mật độ nuôi trung bình của thế giới.
Do đó, cần nghiên cứu, xem xét việc đưa vào luật Chăn nuôi quy định khoảng cách chăn nuôi; mật độ chăn nuôi và diện tích chăn nuôi phù hợp với số đất nông nghiệp để xử lý hết chất thải chăn nuôi.
“Việc áp thuế bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cũng cần được nghiên cứu, xem xét. Phải coi bảo vệ môi trường là một trong những chi phí đầu vào của sản xuất, có như vậy, ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững” – TS. Chinh cho hay
Theo M.Phạm/monre.gov.vn