Những thành tích của Trường ĐH Công Nghiệp đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, khẳng định thông qua nhiều hình thức khen thưởng, gần đây nhất, ĐH Công nghiệp Hà Nội đã vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày thành lập trường TS Trần Đức Quý, hiệu trưởng nhà trường đã dành cho báo Người đưa tin một cuộc trao đổi về quá trình phần đấu xây dựng của trường trong hơn 100 năm qua.
Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Trần Đức Quý.
Mỗi kỳ tuyển sinh thu hút Con số 5 - 6 vạn thí sinh đăng ký dự thi trong mỗi kỳ thi tuyển sinh là không hề nhỏ. Điều này chứng tỏ ĐH Công nghiệp Hà Nội đã khẳng định được thương hiệu, uy tín của mình trong xã hội. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục có những biện pháp như thế nào để không những giữ vững mà còn phát huy tốt hơn “phong độ” này thưa ông?
Với nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội quyết tâm trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đẳng cấp quốc tế.
Chúng tôi sẽ vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế của trường để xây dựng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội theo hướng ứng dụng, đào tạo đa cấp, đa ngành, chất lượng cao theo hướng mở, hướng tới người học và các bên quan tâm. Trường cũng sẽ hạn chế phát triển theo chiều rộng, tập trung mọi nguồn lực để phát triển theo chiều sâu, phấn đấu đến năm 2014 có 6 - 7 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ, 1 – 2 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ.
Đồng thời, tiếp tục rà soát cơ cấu ngành/nghề, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, khép kín quá trình đào tạo, xây dựng mô hình trường ĐH đa cấp, đa ngành theo hướng ứng dụng: trong trường có công ty, trung tâm và trường đào tạo nghề; phát triển trung tâm Việt – Nhật thành Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ chất lượng cao Việt – Nhật để tận dụng triệt để nguồn lực của 3 dự án do JICA tài trợ và tiếp tục đón đầu sự đầu tư của JICA trong tương lai cho sự phát triển của nhà trường.
PV: Xin ông khái quát một số thành quả nổi bật của ĐH Công nghiệp Hà Nội trong chặng đường 115 năm qua?
Có thể nói, 115 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt từ năm 2005 khi trường CĐ Công nghiệp Hà Nội được Thủ tướng chính phủ cho phép nâng cấp thành trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, các thệ cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên nhà trường đã và đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Ngay từ những khóa tuyển sinh đầu tiên khi trường được nâng cấp thành trường đại học, nhà trường đã được nhân dân tin tưởng lựa chọn học tập. Liên tục nhiều năm, Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường đứng đầu cả nước về số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Mỗi năm có từ 65.000 - 75.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường. Điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng tăng cao so với các năm trước. Tính từ năm 1954 đến nay, trường đã đào tạo cho đất nước trên 200.000 công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thực hành, giáo viên dạy nghề, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của đất nước. HSSV nhà trường được học và thực hành trên các máy móc thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất: Máy CNC, máy hàn tự động; máy hàn điểm, máy dập thủy lực, máy hàn TIG, MIG/MAG, máy cắt Plasma, máy cắt khí tự động, gá ống quay tự động, máy cắt thủy lực, máy búa… Do đó, những HSSV tốt nghiệp luôn có chuyên môn kỹ thuật tốt, tỷ lệ ra trường có việc làm cao, nhiều người còn giữ vị trí chức vụ quan trọng tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn và công trình trọng điểm quốc gia.
Không chỉ vậy, trường còn cung cấp cho thị trường lao động thế giới nhiều lao động kỹ thuật cao. Hiện tại, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang có 7.980 HSSV làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Hàng năm, trường còn tổ chức thi HSG nghề cấp trường; đồng thời tham gia dự thi cấp thành phố, cấp Bộ, cấp toàn quốc và khu vực ASEAN với kết quả cao.
Với những kết quả đó có thể khẳng định chất lượng đào tạo đã làm nên thương hiệu của trường suốt những năm qua. Đây cũng chính là “bí quyết” tạo nên thành công của nhà trường.
ĐH Công nghiệp Hà Nội đã làm thế nào để không “rơi” vào tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất như nhiều trường ĐH khác, đặc biệt là trường đào tạo theo hướng thực hành thưa ông?
Xác định cơ sở vật chất là yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, bằng sự nỗ lực, chủ động khai thác các nguồn vốn, mỗi năm nhà trường đã đầu tư nhiều tỉ đồng, khoảng 35% - 40% nguồn thu và huy động vốn viện trợ, vốn vay của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước để xây dựng mới giảng đường, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, ký túc xá, nhà ăn tập thể.
Cơ sở vật chất khang trang là nền tảng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao của ngành giáo dục.
Từ vài chục phòng học năm 1996, đến 2013 nhà trường đã có 600 phòng học đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt trường còn đầu tư trang bị gần 100 phòng học hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế dành cho sinh viên các lớp chất lượng cao và sinh viên quốc tế.
Là một trường đào tạo theo hướng công nghệ nên trường đã dành 4.780m2 sử dụng làm phòng thí nghiệm, diện tích xưởng thực hành thực tập là 36.360m2 với các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Công trình nhà đa năng 17 tầng với gần 14.000m2 sử dụng, tổng mức đầu tư gần 150 tỉ đồng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2011. Trường đã tập trung đầu tư xây dựng 2 Trung tâm Thông tin Thư viện với diện tích 6.240m2, trang bị 320.000 cuốn sách để phục vụ quá trình học tập nghiên cứu cho cán bộ, giáo viên và HSSV.
Nhà trường cũng đã và đang thực hiện, triển khai rất hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Thông qua các chương trình hợp tác, trường đã tiếp nhận được các trang thiết bị máy móc hiện đại tiên tiến của Nhật Bản, Hàn Quốc... Hơn 60 cán bộ giáo viên của nhà trường được đi đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật và đào tạo chuyển giao công nghệ tại các nước tiên tiến trên thế giới tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore…có đủ khả năng đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề cho các cơ sở đào tạo của Việt Nam.
Yếu điểm của nhiều trường ĐH Việt Nam hiện nay là thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong khi đây là đòi hỏi tất yếu để sản phẩm đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. ĐH Công nghiệp Hà Nội đã khắc phục điểm yếu này như thế nào thưa ông?
ĐH Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng quan hệ hợp tác với trên 400 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thực hiện phối hợp triển khai các chương trình đào tạo và cung ứng nhân lực; chuẩn hóa chương trình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thông qua các chương trình hợp tác,…
Thông qua hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, Nhà trường đã từng bước xây dựng được uy tín về chất lượng đào tạo đối với doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. 80% HSSV chuẩn bị tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp tạo điều kiện cho thực hành, thực tập tay nghề và tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều HSSV của trường đang thực tập và làm việc tại nước ngoài.
Tháng 10/2013, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức kỷ niệm 115 năm ngày truyền thống nhà trường (1898-2013). Dịp này, Trường cũng được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh cao quý của Nhà nước trao tặng. Trước đó, để ghi nhận những thành tích và đóng góp của nhà trường với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung và với ngành công nghiệp nói riêng, Đảng, Nhà nước, Bộ Công nghiệp (Bộ Công thương) và các Bộ, ngành, địa phương đã tặng thưởng cho nhà trường nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2008, 2 Huân chương Độc lập hạng nhất năm 1998, 2003; 1 Huân chương Độc lập hạng ba năm 2006; 12 Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; 1 Huân chương Lao động hạng ba năm 2004; 2 Huân chương Chiến công. Ngoài ra Trường cũng đã được nhận nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM và các Bộ, ngành, Thành phố…. Trong mùa tuyển sinh 2012 và 2013 trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có lượng hồ sơ đăng ký dự thi nhiều nhất cả nước.
|
Xin cảm ơn ông!
Phan Chính (thực hiện)