Nhộn nhịp phiên chợ làng
Hơn 6h sáng, những chuyến xe thồ chở các mặt hàng nhu yếu phẩm cho đồng bào đã đến, trên con đường làng, dòng người đến chọn mua rau, thịt tấp nập, ồn ào và náo nhiệt. Chị Phan Thị Hiền, một người chuyên chở các mặt hàng chợ búa đến với đồng bào kể: "Sáng nào mình cũng chạy xe máy lên tận các xóm làng của đồng bào để bán các mặt hàng rau, thịt. Đồ nghề mà mình mang theo là một chiếc cân, hai giỏ sắt đựng hàng được kẹp hai bên hông xe máy để bán. Lúc có tiền thì đồng bào trả tiền, lúc không có thì mình sẵn sàng đổi ngang với bắp, chuối và cả những chiếc ve chai.
Cứ mỗi buổi sáng, đồng bào vùng cao lại vây kín chiếc xe chở các mặt hàng nhu yếu phẩm
Chiếc xe máy cà tàng của chị buôn Phan Thị Hiền chở đến hôm nay là những con cá nục nhỏ, cùng vài kg thịt heo. Vừa mới dựng xe trước cổng làng của đồng bào Cơtu ở xã Sông Kôn (thuộc huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam), chị đã lục đục mở vội hàng thịt để trả giá. Tiếng chân người đến càng lúc càng đông, tiếng nói cười, tiếng ngả giá đôi bên mỗi lúc một nhiều, tiếng leng keng của những chiếc ve chai được đồng bào mang đến để đổi hàng, nghe rất vui tai và nhộn nhịp.
Chị Ir - một phụ nữ Cơtu ở xã Sông Kôn, cho biết: "Trước đây khi chưa có đoàn xe thồ chở thịt cá, đồng bào chỉ ăn những thức ăn từ thiên nhiên, sông suối. Bây giờ, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi nhiều, nhu cầu càng được nâng cao nên việc có những chiếc chợ di động như thế này cũng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân". Theo chị Ir, có nhiều khi đồng bào không đủ tiền mặt để mua thức ăn, các con buôn cũng sẵn sàng đổi ngang với các mặt hàng khác như: chuối, thơm, mít, hoặc cho ký nợ, khiến đồng bào ai cũng vui mừng.
Cách xa điểm “chợ di động” của chị Hiền là điểm dừng chân của cô Đỗ Thị Thúy Liên (trú Trung Mang, xã Ba, huyện Đông Giang). Một chuyến theo hành trình đi bán hàng cho đồng bào của cô Liên cũng khá có trình tự. Bắt đầu từ hơn 6h sáng, cô lục đục chuẩn bị hàng rồi đi dọc theo tuyến tỉnh lộ ĐT604 từ Trung Mang lên tận các xã Ating, Jơ Ngây và Sông Kôn để bán dần, bán xén các hàng rau, thịt và thậm chí cả chè, sirô. Vừa dừng chân tại con đường làng, nghe tiếng xe quen thuộc của cô Liên, hàng chục đứa trẻ dắt díu nhau theo chân mẹ đến xem, chật cả một góc đường. Thi thoảng, nghe những lời thúc giục mẹ để đòi mua hàng của những đứa trẻ, khiến chúng tôi chạnh lòng thương cảm.
Cô Liên cho biết, mỗi ngày cô chỉ đi một chuyến dọc theo tuyến tỉnh lộ rồi về chuẩn bị công việc gia đình và phân bổ các mặt hàng để ngày mai lại tiếp tục cho chuyến đi của mình. Mỗi lần cô xuất hiện là cả hàng chục người dân vây kín để mua hàng. Người lớn thì mua cá, thịt, rau, còn trẻ em thì theo mẹ đòi cho bằng được nào là chè, sirô hay bánh rôm (tức bánh ram). Mỗi lần có chuyến xe chở hàng đến, bản làng vùng cao bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng nói cười, trả giá, y hệt như một phiên chợ di động giữa đại ngàn Trường Sơn.
Nỗi niềm người đi bán
"Làm cái nghề ni cũng khổ, nhiều lúc không bán được đồng mô do ngày càng có nhiều người đi vào nghề. Hơn nữa, cuộc sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện mua bán đôi bên. Nói thật, nếu như mình cô thì ngày cũng kiếm chút lời được gần 100 ngàn đồng. Nhưng giờ người làm nghề này nhiều quá, có lúc bán không hết hàng nên chuyện thất thu là chuyện thường tình", cô Đỗ Thị Thúy Liên chia sẻ.
Cô Liên cho biết, cô theo làm nghề đi bán chợ di động cho đồng bào đã hơn 10 năm nay rồi nhưng cuộc sống thì vẫn cứ khó khăn, không thay đổi được gì. Vợ chồng cô đã ly thân suốt gần 10 năm nay nên mình cô phải làm lụng quanh năm suốt tháng để nuôi cả 4 đứa con ăn học nên người. "Nhiều lúc chán nghề nhưng vì nghĩ đến cuộc sống của đồng bào, cũng như miếng cơm, manh áo cho gia đình nên mình lại tiếp tục gắn bó, chấp nhận làm người chuyên chở các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu chung của đồng bào", cô Liên cho biết thêm.
Cùng hoàn cảnh với cô Liên, cô Nguyễn Thị Ánh (trú xã Ba, Đông Giang) cũng có nỗi niềm riêng không tả hết được. Hơn 15 năm nay, kể từ khi người chồng quá cố qua đời, mình cô phải làm lụng, bươn chải để nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Cô nói trong nước mắt: "Không làm thì chúng nó lấy gì mà ăn, học tập. Nếu như chúng nó học khá thôi thì tui sẵn lòng cho nghỉ, nhưng đằng này đứa nào cũng đều học giỏi nên tui không nỡ lòng nào bắt ép chúng nó bỏ học được. Phận làm mẹ như tui có khổ đến mấy cũng phải cố gắng làm lụng để nuôi chúng nó nên người".
Hằng ngày, sau bữa cơm sáng gia đình đạm bạc, cô Ánh đi dọc theo tuyến tỉnh lộ để đi bán các mặt hàng nhu yếu phẩm đến với đồng bào. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với tấm lòng của người mẹ luôn chăm lo đến các con học tập, cùng với những nỗ lực vượt khó của các con nên năm nào gia đình cô cũng được Hội Khuyến học của tỉnh, huyện tuyên dương, khen thưởng. "Cuộc sống khó khăn nên buộc mình phải làm lụng đủ kiểu. Nhưng với cái nghề đi thồ này, vừa giúp mình có thêm thu nhập để trang trải, cũng vừa giúp đồng bào có điều kiện phục vụ nhu cầu cuộc sống", cô Ánh cho biết thêm.
Con đường để đi bán hàng đến các bản làng vùng cao của họ cũng khá gian nan, vất vả. Theo ông Võ Quý, một người chuyên nhập kho hàng từ TP.Đà Nẵng kể, thông thường mỗi chuyến đi bắt đầu từ lúc 2h sáng chạy về TP.Đà Nẵng để nhập hàng. Sau đó, chạy ngược lại từ TP.Đà Nẵng lên huyện miền núi Đông Giang với đoạn đường dài gần 100 km băng đường rừng hiểm trở. "Cách đây hơn 5 năm, vợ chồng tôi bị tai nạn suýt chết khi đi chở hàng cá lên vùng cao. Nhưng sau vụ đó, 2 vợ chồng lại tiếp tục với nghề, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thôi!", ông Quý nói.
Nguy hiểm về tính mạng đối với những người làm nghề đem bán chợ di động lên vùng cao là không thể tránh khỏi bởi đường rừng hiểm trở, thậm chí nguy cơ do bệnh tim mạch. Dẫu vậy, nhưng với họ, đã theo nghề là phải yêu nghề, và phải hy sinh cho nghề mà mình đã chọn lựa. Bởi đó là cuộc sống và tương lai cho chính con em của họ. Gần 10 năm trước, ông Bùi Đức Đ. (trú xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) đã đột tử khi vừa chở hàng lên vùng cao để bán do bị chứng nhồi máu cơ tim, để lại nỗi đau không chỉ cho riêng gia đình ông mà cả cho người dân vùng cao Đông Giang mỗi khi nhắc đến.
Vương Hoàng