Bản đồ thế giới, tại lãnh thổ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”, “quần đảo Nam Sa”, “quần đảo Tây Sa” và “TP Tam Sa”.
Sáng 2-8, ông Nguyễn Thái Hoan – chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Đà Nẵng cho biết, vào lúc 23 giờ 45 ngày 1-8, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại sân bay đã phát hiện trong hành lý của bà Xing Shansan (1986, quốc tịch Trung Quốc), từ Bắc Kinh đến Đà Nẵng trên chuyến bay MU7007, có hai tấm bản đồ nói trên. Cả hai đều có kích cỡ 110x150cm. Tấm bản đồ Trung Quốc, trên vùng biển Đông và vùng biển chủ quyền của Việt Nam thể hiện “quần đảo Tây Sa” (tại vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), “quần đảo Nam Sa” (vị trí quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trong “quần đảo Nam Sa” bản đồ này còn ghi địa danh cái gọi là “TP Tam Sa”. Cả hai tờ bản đồ vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn màu đỏ rất nổi bật.
Hộ chiếu bà Xing Shansan, người mang theo 2 bản đồ loại lớn.
Theo ông Trần Minh Dũng – đội trưởng Đội Thủ tục xuất nhập cảnh và giám sát hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, 2 tấm bản đồ mà nữ du khách Xing Shansan mang theo là bản đồ loại lớn lần đầu tiên cơ quan này phát hiện và thu giữ tại Sân bay. Cơ quan Hải quan đang hoàn tất thủ tục xử lý vụ việc.
Bản đồ Việt Nam được in tại một Cty du lịch Trung Quốc, không thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cũng trong ngày 1-8, vào lúc 21 giờ 30 ngày 1-8, trong quá trình soi chiếu, kiểm tra hành lý ông Chen Jian Long (1970, quốc tịch Trung Quốc), nhập cảnh trên chuyến bay CZ3037, Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Đà Nẵng phát hiện có 16 cuốn sách hướng dẫn du lịch Đà Nẵng (Việt Nam) được in bằng tiếng Trung Quốc. Tại trang số 2 của những cuốn sách này dày 16 trang này có in bản đồ Việt Nam nhưng lại không thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước đó, vào ngày 12-5, 98 cuốn sách như thế này cũng đã bị thu giữ từ du khách Xu Fenglin (1980, quốc tịch Trung Quốc) đến Đà Nẵng trên chuyến bay CZ3037 từ Quảng Châu (Trung Quốc).
Theo Công an nhân dân