Dịch tay chân miệng trong thế

Dịch tay chân miệng trong thế "dầu sôi lửa bỏng"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
TP.HCM đạt kỷ lục về lượng bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng và nhiều trường hợp trong số này đã tử vong. Số ca tay chân miệng (TCM) đến thời điểm hiện tại đã vượt mức cùng kỳ năm 2008 năm được coi là có đỉnh dịch tay chân miệng cao nhất từ trước tới nay.

Bệnh TCM tại TP. HCM những ngày này vẫn tiếp tục... leo thang khi đang ở trong thời kỳ thấp điểm của dịch. Mặc dù TP.HCM đã chỉ đạo phun thuốc khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao và tuyên truyền tại các trường học, gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, số lượng mắc bệnh vẫn ào ào tăng. Trong tháng 4, số ca mắc là 640 ca và trong tháng 5, số ca mắc đã đột biến tăng lên 1.433 ca, tăng 337% so với năm trước. Điều đáng báo động, chỉ riêng trong tháng 5 đã có 7 trường hợp mắc TCM bị tử vong, nâng tổng số ca tử vong kể từ đầu năm đến nay lên đến 13 người.

Chưa bao giờ trẻ mắc tay chân miệng nhiều và nặng như hiện nay

Tại buổi họp giao ban các quận, huyện tại Sở Y tế TP HCM sáng nay, bà Lê Hồng Nga, Phó Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, cho biết, tình hình bệnh đang có diễn biến phức tạp nhất trong hơn 5 năm trở lại đây.

So với năm đỉnh dịch 2007 khiến 16 trường hợp tử vong, thì nay mới 5 tháng đầu năm TP HCM đã có đến 12 bé tử vong. Chỉ trong tháng 5 đã có tới 1.433 ca, tăng gần 380% so với cùng kỳ năm trước. Hiện điểm nóng của bệnh là quận 8, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, lượng trẻ nhập viện rất cao. Trung bình mỗi ngày có từ 100 đến 120 bé nằm viện. Nhiều bé bị biến chứng nặng phải cấp cứu.

Khẳng định bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm do chủng virus mới xuất hiện, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng – “Nếu muốn dập được dịch tay chân miệng thì không thể phòng chống theo kiểu bao cấp là chờ có dung dịch sát khuẩn rồi đem phát miễn phí cho dân, không đủ thuốc thì ngồi…đợi. Chúng ta phải chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và tự đi mua dung dịch sát khuẩn về dùng, coi đó như bất cứ loại nước lau nhà hay rửa chén trong gia đình của họ. Có như thế công tác chống dịch mới đạt hiệu quả được”.

Virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng đường tiếp xúc (từ tay đến miệng). Do chưa có văcxin phòng ngừa, cách ngăn mắc bệnh duy nhất vẫn là giữ vệ sinh cơ thể, giữ vệ sinh môi trường. Các vật dụng mà trẻ và người lớn thường tiếp xúc như tay nắm cửa, cửa tủ lạnh, sàn nhà, chén ly, đồ chơi, bình nước, bình sữa... phải được thường xuyên rửa bằng chất diệt khuẩn. Việc rửa tay thường xuyên cũng là cần thiết.

Nam Khánh