Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/3 có quy định người dân mua bán bằng giấy tờ viết tay trước 2008 sẽ được giải quyết cấp sổ đỏ.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc thông tin thiết thực về cách làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho đất mua bán bằng giấy viết tay, quy định về hồ sơ xin cấp sổ đỏ, nơi nộp hồ sơ và trình tự giải quyết, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Phấn – Phó cục trưởng cục Đăng ký đất đai (tổng cục Quản lý đất đai – bộ Tài nguyên và Môi trường).
Theo ông Mai Văn Phấn, căn cứ quy định tại Khoản 54 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 82 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) thì trường hợp người dân (hộ gia đình, cá nhân) nhận chuyển nhượng đất từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/01/2008 bằng giấy tờ viết tay, người đang sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.
Người đang sử dụng đất sẽ thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo quy định tại Điều 70 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Về hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận thành phần gồm: Thứ nhất là đơn đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận; thứ 2, người sử dụng đất chuẩn bị các loại giấy tờ họ có kể cả giấy tờ viết tay; thứ 3, nếu có tài sản cũng chuẩn bị giấy tờ về tài sản; thứ tư là các chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và giấy tờ liên quan miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Nơi nộp hồ sơ quy định trường hợp này cấp lần đầu nộp tài UBND cấp xã phường, thị trấn hoặc nộp trực tiếp tại văn phòng đăng ký đất đai.
Nộp xong trình tự giải quyết là UBND cấp xã, phường, thị trấn xác nhận đơn đề nghị cấp giấy, các nội dung ví dụ phù hợp quy hoạch, tranh chấp đất đai, thời điểm sử dụng...
Sau khi cấp xã, phường, thị trấn xác nhận hồ sơ xong, họ niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ ở địa phương cho những đối tượng liên quan có dính dáng đến tranh chấp, khiếu kiện. Sau thời gian kết thúc công khai cấp xã, phường, thị trấn lập biên bản kết thúc công khai.
Không ai khiếu nại, trường hợp đủ điều kiện sẽ chuyển lên văn phòng đăng ký đất đai xét duyệt.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp; chuẩn bị hồ sơ để trình kí, trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao (nếu người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp hồ sơ tại cấp xã).
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận: Đối với trường hợp này là UBND cấp huyện (theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Luật Đất đai).
“Điểm mới chỉ là xử lý mấu chốt việc giấy tờ viết tay không phải thực hiện việc chuyển quyền trước khi làm thủ tục, mà thực hiện luôn thủ tục cấp giấy lần đầu. Vì nhiều trường hợp viết tay giờ không tìm được chủ cũ để thực hiện thủ tục chuyển quyền; hoặc tìm được nhưng đối tượng không hợp tác với đối tượng nhận chuyển quyền, không làm thủ tục chuyển quyền được thì không cấp giấy được”, ông Phấn nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ