Căng thẳng leo thang trong nhiều ngày qua đã khiến nhiều bên liên quan thực sự lo ngại về chiến tranh nếu Washington khai hỏa.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho lệnh phóng tên lửa Tomahawk nhằm vào căn cứ của Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và các thành viên của đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đã có một cuộc họp vào hôm 11/4, sau khi Tổng thống cảnh báo Nga trên Twitter về một vụ phóng tên lửa nhằm vào Syria.
Bà Sarah Huckabee Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói với các phóng viên hôm 11/4 rằng chính quyền Washington vẫn chưa ấn định biện pháp đối phó với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, và nói thêm rằng Tổng thống Mỹ trong những ngày gần đây đã có các cuộc hội đàm với một số đồng minh quan trọng.
"Chúng tôi vẫn khẳng định rằng Mỹ đang nắm trong tay một số lựa chọn và tất cả vẫn đang được xem xét", bà Sanders nói khi được hỏi về khả năng hành động quân sự ở Syria.
Điều gì cho tới nay vẫn khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump cho tới nay vẫn chần chừ trước việc tấn công Syria? Tạp chí TIME đã nêu ra một số yếu tố sau đây:
Phản ứng của Anh, Pháp
Nhà Trắng cho biết, ông Trump sẽ phối hợp hành động với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khi Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp hôm 12/4 để thảo luận về phản ứng của Anh đối với vụ tấn công vũ khí hoá học ở Douma.

Thủ tướng Anh Theresa May.
Bà May cho biết bản thân bà còn chút nghi ngờ về việc Chính phủ của Tổng thống Assad đã đứng sau những gì đã xảy ra ở Douma. Trước đó, Syria và Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về cáo buộc này.
"Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm," bà May nói với các phóng viên hôm thứ Tư. "Chúng tôi sẽ phối hợp với các đồng minh thân cận nhất để có thể đảm bảo rằng phải có những người chịu trách nhiệm. Việc tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học không thể cứ thế tiếp diễn".
Chính điều còn “do dự” của bà May là yếu tố khiến ông Trump vẫn chần chừ cho tới giờ phút này.
Tấn công mạnh mẽ hơn
Đây là lần thứ hai trong vòng một năm qua Washington tìm cách phản ứng bằng quân sự đối với Syria. Lần này, ông Trump đang gặp phải áp lực mạnh mẽ hơn đồng thời rủi ro cũng lớn hơn so với cuộc tấn công hồi tháng 4/2017, vốn chỉ giới hạn ở một căn cứ Syria và không để thiệt hại lâu dài.
Bà Bouthaina Shaaban - cố vấn chính trị và truyền thông của Tổng thống Assad nói với truyền hình Al-Mayadeen TV vào hôm 11/4 rằng Syria và đồng minh sẽ chiếm ưu thế trong cuộc xung đột sắp tới. “Họ sẽ không thể giành chiến thắng dù làm bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ là người chiến thắng”, bà Shaaban nói.
Andrew Bell, Giáo sư tại Đại học Indiana, cho biết viễn cảnh về sự tham gia trực tiếp của Pháp và có thể thêm các đồng minh khác như Anh hay Saudi Arabia sẽ tạo ra tính hợp pháp lớn hơn cho một hoạt động quân sự quy mô lớn, nếu không Washington sẽ có nguy cơ bị chỉ trích là vi phạm luật pháp quốc tế về an ninh quốc tế và xung đột vũ trang.
Một liên minh lớn hơn giúp Mỹ hiện thực hóa được kế hoạch của mình.
“Chuẩn bị”
Ông Trump đã đưa ra quan điểm của mình vào hôm 11/4, trong đó khẳng định rằng quan hệ với Nga chưa bao giờ tồi tệ hơn và cảnh báo Moscow về loạt tấn công sắp tới. "Nga thề sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào nhằm vào Syria. Nga hãy sẵn sàng, bởi vì những quả tên lửa sắp tới sẽ rất đẹp, mới mẻ và thông minh”, ông Trump viết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Ông Mattis xuất hiện cùng với Giám đốc CIA Mike Pompeo tại Nhà Trắng hôm 11/4 khẳng định ông sẵn sàng cung cấp các phương án quân sự nếu thích hợp. Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng.
Dẫu vậy, một cuộc tấn công nhằm vào Nga ở Syria – dù không chủ ý, cũng có thể dẫn đến một trò chơi nguy hiểm, kéo Mỹ đi xa hơn trong một cuộc xung đột mà Tổng thống Trump đang muốn tránh né. Chưa kể việc Nga đã tăng cường khả năng phòng không của Syria, triển khai lá chắn “rồng lửa” S-400 tới quốc gia Trung Đông này.
Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức, nhận định hôm qua 12/4: “Phải có một chính sách thống nhất về Syria, đó là điều quan trọng. Không có chính sách thực sự của Mỹ đối với Syria. Chính quyền Assad và Nga đang hoàn toàn tự do trong các hoạt động quân sự”.
Lo ngại Nga trả đũa
Giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng gần đạt tới đỉnh điểm, lực lượng Chính phủ Syria đã rời bỏ một số sân bay và các vị trí quân sự then chốt, Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho hay. Nga cũng được cho là đã di chuyển tàu chiến của mình rời khỏi căn cứ Tartus trước lo ngại Washington tấn công.
"Nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ ở Syria là rất cao", Elena Suponina, chuyên gia phân tích Trung Đông của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, nhận định. "Nếu ông Trump tiến hành bước đi này và khiến công dân Nga bị hại thì phản ứng của phía Moscow sẽ rất khắc nghiệt”.
Do đó, theo chuyên gia, sự lo ngại của chính quyền Trump đối với đòn trả đũa của Nga khi Washington tấn công Syria sẽ khiến Mỹ phải xem xét và tính toán hành động của mình thật kỹ lưỡng.