Tại phương Đông, sùng bái nữ thần từng chiếm địa vị chủ đạo trong tôn giáo của nhân loại. Trung Quốc không phải ngoại lệ. Sùng bái nữ thần hình thành ở quốc gia này từ rất sớm, thậm chí còn kéo dài cho tới xã hội phụ quyền sau này.
Sau khi loài người chuyển sang xã hội phụ quyền, khi những người đàn ông với năng lực và trí lực mạnh mẽ hơn dần thay thế những người phụ nữ, trở thành nhân vật chủ chốt trong xã hội thì tôn giáo của loài người cũng có những thay đổi theo.
Rất nhanh sau đó, những nhân vật thần thoại là nam giới thay thế những nhân vật thần thoại mang giới tính nữ. Tuy nhiên, theo quy luật của tự nhiên, tôn giáo sùng bái nữ thần không bị biến mất hoàn toàn, ngược lại nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội. Trong lịch sử thần thoại Trung Quốc, cho tới nay vẫn còn lưu lại rất nhiều hình tượng nữ thần, tiểu biểu nhất chính là câu chuyện Nữ Oa vá trời.
Ảnh hưởng của hình tượng nữ thần trong đời sống xã hội Trung Quốc và phương Đông nói chung hoàn toàn không thua kém hình tượng của các nam thần.
Trong quan niệm của người Trung Quốc, người ta coi thế giới được cấu tạo bởi hai phần âm và dương. Vì vậy, tất cả mọi sự vật đều được phân thành hai nửa, hoặc thuộc âm tính hoặc thuộc dương tính. Trong xã hội phụ quyền, khi người đàn ông trở thành người làm chủ xã hội, họ trở thành phần dương, còn nữ giới trở thành đại diện cho phần âm. Vì vậy, sự sùng bái các nữ thần còn được gọi là sùng bái âm thần.
Trong thế giới tự nhiên, nếu như mặt trời được coi là đại diện của phần dương, người ta gọi là thái dương, thì mặt trăng là đại diện tiêu biểu của phần âm, gọi là thái âm. Vì thế, mặt trăng trở thành vật tô tem của những tôn giáo sùng bái âm thần. Do đó, tôn giáo sùng bái âm thần ở Trung Quốc còn được gọi là tôn giáo thờ mặt trăng (Sùng nguyệt giáo).
Tất cả những điều này có liên quan gì tới Điêu Thuyền và số phận của mỹ nhân này? Có thể đoán định rằng, Điêu Thuyền là một thành viên của tôn giáo thờ âm thần ở Trung Quốc, và là một thành viên có địa vị rất cao trong tôn giáo này. Một minh chứng rất rõ ràng là câu chuyện Điêu Thuyền rất thích và sùng bái ánh trăng được lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian. Hằng Nga là một nữ thần chủ quản mặt trăng trong các câu truyện dân gian của Trung Quốc. Do vậy, Hằng Nga cũng trở thành đại biểu được tôn thờ cho những tôn giáo sùng bái mặt trăng. Ai cũng biết, con thú cưng của Hằng Nga chính là thỏ ngọc.
Thỏ ngọc chính là sinh vật gần gũi nhất với nữ thần này, do vậy nó được coi như hình ảnh tượng trưng cho những nhân vật quan trọng, có địa vị cao trong tôn giáo sùng bái mặt trăng, chẳng hạn như những người tế lễ. Chữ “Thỏ” trong tiếng Hán được viết chính là chữ “Thố”. Do vậy, La Quán Trung đã dùng chữ Thố ghép với chữ Xích để đặt tên cho con thần mã xuất hiện trong tác phẩm của mình nhằm ám chỉ thân phận của Điêu Thuyền. Như vậy, có thể khẳng định rằng, ngựa Xích Thố chính là nhằm chỉ Điêu Thuyền.
Từ đó, có thể khẳng định chắn chắn rằng, kể từ sau sự kiện ở lầu Bạch Môn, Điêu Thuyền cùng với Xích Thố đã đi theo Quan Vũ. Điều quan trọng hơn chính là Điêu Thuyền kỳ thực được chính Quan Vũ hướng dẫn gia nhập tôn giáo sùng bái mặt trăng, đồng thời giao cho chức vụ trong tôn giáo này.
Trong dân gian từng lưu truyền câu chuyện rằng, Quan Vũ sắp xếp cho Điêu Thuyền về quê, xuất gia làm ni cô chính là vì nhắc tới chuyện này. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Quan Vũ đưa Điêu Thuyền gia nhập tôn giáo này chính là vì bản thân Quan Vũ là nam giới, mặc dù địa vị cao nhưng không thể tiến tới ngôi vị quyền lực nhất trong tôn giáo sùng bái nữ thần này.
Vì vậy, một khi đưa Điêu Thuyền gia nhập tôn giáo này, đồng thời giúp Điêu Thuyền trở thành quan tế lễ thì Quan Vũ có thể khống chế toàn bộ tôn giáo này thông qua “giáo chủ” bù nhìn là Điêu Thuyền.
Tuy nhiên, nếu sự thực là như vậy thì vì sao La Quán Trung không kể tiếp câu chuyện về cuộc đời Điêu Thuyền mà lại phải dùng chú ngựa Xích Thố như một ẩn dụ? Tác giả “Tam Quốc diễn nghĩa” thực sự muốn che giấu điều gì? Để giải thích được điều này là một câu chuyện rất dài.
Đầu tiên, nói về những sự việc xảy ra sau khi Điêu Thuyền theo Quan Vũ về đất Thục. Sau khi Lưu Bị chiếm được đất Tây Thục, Quan Vũ chủ động yêu cầu Lưu Bị và Khổng Minh cho mình trấn giữ Kinh Châu. Là dũng tướng số một dưới trướng của Lưu Bị, lại là chỗ thân tình, một yêu cầu như vậy, Lưu Bị không có cách nào từ chối. Quan Vũ cũng có những tính toán riêng.
Ở Kinh Châu, Quan Vũ sẽ trở thành tướng chỉ huy có quyền lực nhất, nhờ vậy sẽ có điều kiện để tổ chức và phát triển tôn giáo của mình. Đổi lại, địa vị của Quan Vũ và Điêu Thuyền trong giáo phái sẽ ngày càng cao hơn.
Thời gian sau đó, nhờ vào vị trí địa lý và điều kiện giao thông cũng như sản vật cực kỳ thuận lợi của Kinh Châu, tôn giáo của Quan Vũ và Điêu Thuyền ngày càng phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, khi tiền bạc và thế lực của giáo đoàn ngày một gia tăng thì cũng bắt đầu sự xuất hiện sự phân liệt trong nội bộ giáo đoàn. Lúc bấy giờ, Điêu Thuyền cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu vì địa vị bù nhìn của mình, dần dần lợi dụng những người trong giáo phái ủng hộ mình để củng cố thế lực, nhằm thoát ra khỏi sự khống chế của Quan Vũ. Khi cảm thấy đã đủ lông đủ cánh, Điêu Thuyền chính thức công khai đối đầu với Quan Vũ.
Một người tự phụ như Quan Vũ, đương nhiên, ban đầu sẽ không bao giờ để ý tới một phụ nữ chân yếu tay mềm như Điêu Thuyền. Trong con mắt của Quan Vũ, Điêu Thuyền chỉ giống như một con rối tùy ý mình có thể sắp đặt.
Tuy nhiên, sự coi thường của Quan Vũ đã giúp cho thế lực của Điêu Thuyền ngày một lớn mạnh hơn. Đợi tới khi Quan Vũ phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Do vậy, một cuộc chiến ngấm ngầm và ác liệt đã diễn ra giữa hai bên. Tuy nhiên, khi cả hai phe đang mải mê trong cuộc chiến đấu tranh giành quyền lực thì một mối họa đang từ từ xuất hiện.
Sự phát triển quá thịnh vượng của Kinh Châu một mặt tạo điều kiện cho giáo đoàn phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, nó cũng biến thành mục tiêu béo bở của những thế lực bên ngoài. Khi tin tức về cuộc đấu tranh nội bộ ở Kinh Châu được truyền về Đông Ngô, phía Đông Ngô biết rằng đây là cơ hội tốt nhất để chiếm Kinh Châu. Trong khi đó, Tào Tháo cũng bắt đầu dòm ngó mảnh đất béo bở này.
Lúc này, Quan Vũ vẫn không hề ý thức hết sự nguy hiểm của tình hình Kinh Châu, mạo hiểm chủ động dẫn quân tấn công Tào Tháo. Nhờ vậy, Đông Ngô đã tranh thủ thời cơ chiếm được mảnh đất Kinh Châu đang rối loạn vì những tranh chấp nội bộ, giết chết cả Quan Vũ lẫn Điêu Thuyền.
Tuy nhiên, dù cho Quan Vũ và Điêu Thuyền chết đi thì giáo phái này vẫn không bị tiêu diệt mà dần chuyển từ hoạt động công khai thành hoạt động ngầm. Sau này, khi họ Tư Mã thống nhất đất nước, hậu duệ của Bàng Đức tiến vào Kinh Châu, ra lệnh giết sạch dòng tộc Quan Vũ cùng những người liên quan thì giáo đoàn mới bị tan rã và phân tán vào trong dân gian. Cũng từ đó, những ghi chép về giáo phái này trong chính sử hoàn toàn biến mất.
Trong những giai đoạn lịch sử về sau, tôn giáo này lúc hưng, lúc suy và dù vẫn có một ảnh hưởng nhất định, song xu hướng chung là tiêu biến dần. Trong quá trình phát triển sau đó, tôn giáo này cũng dần biến thành một tập đoàn thế lực, những giáo lý sùng bái nữ thần ban đầu cũng bị bỏ dần.
Cuối cùng, nó trở thành một tổ chức lấy hình tượng Quan Vũ làm đối tượng sùng bái. Tín ngưỡng sùng bái nữ thần bị vứt bỏ hoàn toàn, thậm chí bị kỳ thị và cấm đoán. Chính vì vậy, hệ phái của Điêu Thuyền bị bức hại trong suốt hơn 1.000 năm đã biến mất hoàn toàn trong sử sách Trung Quốc.
La Quán Trung là một trong số ít những người còn sống sót của hệ phái này. Vừa muốn đem sự thực công khai để người đời biết vừa muốn bảo toàn tính mạng của mình trước sự truy sát của những người tôn thờ Quan Vũ, La Quán Trung buộc phải sử dụng hình tượng ẩn dụ là con ngựa Xích Thố để kể về số phận của Điêu Thuyền.
Nếu sử dụng chữ Thố để biểu trưng cho thân phận của Điêu Thuyền thì tác giả họ La cũng làm như vậy đối với Quan Vũ. Trong lịch sử, Quan Vũ có tước hiệu là Hán Thọ Đình Hầu. Trong đó, phần nửa trên của chữ “Thọ” ghép với chữ “Nguyệt”, đại biểu cho Điêu Thuyền sẽ tạo thành chữ “Thanh” (màu xanh).
Chữ Thanh này chính là đại diện cho Quan Vũ. Bởi lẽ nó hoàn toàn đối lập với chữ Hồng trong tên của Điêu Thuyền là Nhậm Hồng Xương. Đây chính là lý do vì sao, trong miêu tả hình ảnh của Quan Vũ, người ta luôn cho nhân vật này mặc bộ quần áo màu xanh.
Sợ rằng, như vậy vẫn chưa đủ để người đời đoán ra câu chuyện mà mình muốn chuyển tải, La Quán Trung còn sáng tạo ra thanh “Thanh Long Yển Nguyệt đao”, thứ vũ khí nổi tiếng của Quan Vũ. Thanh Long đại diện cho Quan Vũ, còn Nguyệt đương nhiên là đại diện cho Điêu Thuyền.
Ngoài ra, việc La Quán Trung cho Quan Vũ sử dụng đao cũng là một sự cố ý. Nhiều người từng cho rằng, vào thời đại nhà Hán, trong quân đội, người ta không dùng loại vũ khí đao cán dài như trong miêu tả của “Tam Quốc diễn nghĩa”. Tuy nhiên, đó không phải là một sự nhầm lẫn của La Quán Trung mà là một sự cố ý. Đó là chỗ sơ hở, lộ liễu mà La Quán Trung muốn người đời sau thông qua đó để khám phá câu chuyện ẩn tàng của mình.
> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa
Cổ Tỉnh
* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.