Trong lúc Trump còn đang án binh bất động và định hình dần dần chính sách của ông về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang có hai sự lựa chọn: Chờ đợi diễn biến sắp tới từ Mỹ hoặc tham gia vào các hành động khiêu khích chính quyền mới của Trump - nghiên cứu viên cao cấp Tetsuo Kotani từ Viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản nhận định.
Ông cho rằng dù thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn yên ắng nhưng sắp tới Trung Quốc có thể có những động thái khiêu khích liên quan đến Biển Đông nhằm kiểm tra phản ứng của Washington sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới.
Tương tự như các năm 2001 và năm 2009 sau khi cựu Tổng thống George W Bush và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama nhậm chức, Trung Quốc luôn có thói quen "kiểm tra" thái độ từ chính quyền mới của nước Mỹ.
Vào tháng 4/2001, Washington và Bắc Kinh đã có một cuộc tranh cãi sau vụ va chạm trên không trung giữa máy bay trinh sát điện tử EP-3E của Hải quân Mỹ và chiến đấu cơ đánh chặn F-8 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Máy bay Mỹ sau đó buộc phải hạ cánh tại đảo Hải Nam. Toàn bộ phi hành đoàn bị bắt giữ và chỉ được thả khi Tổng thống Bush phải gửi một lá thư xin lỗi đến Bắc Kinh.
Trong khi đó, vào hồi tháng 3/2009, đã có một sự cố ở Biển Đông khi Lầu Năm Góc thông báo rằng 5 tàu Trung Quốc đã tiếp cận nguy hiểm gần tàu thăm dò đại dương USS Impeccable đang hoạt động thường lệ tại lãnh hải quốc tế.
Phía Trung Quốc ngang nhiên cho rằng tàu hải quân Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế và Trung Quốc đã có động thái gây hấn ngay khu vực ngoài khơi đảo Hải Nam.
"Hai sự cố nói trên đều xảy ra vào khoảng từ tháng Ba đến tháng Tư, vì vậy rất có khả năng từ tháng Ba năm sau Trung Quốc có thể tiếp tục các động thái ngang ngược để thăm dò phản ứng từ chính quyền mới của Mỹ ở biển Đông", tờ Nation dẫn lời chuyên gia Kotani nói trong một cuộc phỏng vấn. "Việc chờ đợi một chính sách thực tế của Trump là quá lâu, vì vậy không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ là bên chủ động trước".
Tuy nhiên, học giả Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục những động thái khiêu khích ngang ngược ở Biển Đông, tình hình khu vực chắc chắn sẽ tiếp tục căng thẳng khi đây là điều các nước láng giềng và dư luận quốc tế phản đối kịch liệt.
Đặc biệt hơn chính sách mới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cùng với sự nổi lên của phe "bảo thủ" trong nội bộ chính trị Trung Quốc cũng có thể là yếu tố tác động khó lường.
Philippines là đồng minh lâu năm của Mỹ, nhưng khi trở thành nhà lãnh đạo mới của Manila, ông Duterte đã chuyển sang một cách tiếp cận hòa dịu hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong chuyến thăm tới Trung Quốc gần đây.
"5 tháng trôi qua kể từ khi ông Duterte nhậm chức và sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực đưa ra hồi tháng 7, tình hình Biển Đông đã trở nên yên ả nhưng mọi thứ có thể sẽ nổi sóng ngay từ bây giờ", chuyên gia Kotani nhấn mạnh: "Nếu nhóm lãnh đạo cứng rắn ở Trung Quốc giành được ưu thế và tiếp tục hành động gây hấn để thăm dò Trump, chắc chắn Duterte không thể giữ yên lập trường hòa hảo hiện tại".
Phán quyết PCA đã mang về một thắng lợi cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông, và trên thực tế dù phản đối kịch liệt điều này nhưng Trung Quốc vẫn bị chi phối bởi luật pháp quốc tế cũng như trên khía cạnh ngoại giao.
Ông Kotanni cho rằng chính sách của Trung Quốc hiện tại vẫn bị định hình bởi phán quyết của Tòa Trọng tài. Nếu không Bắc Kinh đã không "nhún mình" chấp nhận kết quả của Bộ quy tắc ứng xử với ASEAN ở Biển Đông, cũng như chào đón nồng nhiệt Tổng thống Philippines Duterte.
"Không cần sử dụng phán quyết của Tòa Trọng tài một cách trực tiếp, Duterte vẫn định hình được hành vi của Trung Quốc", chuyên gia Nhật Bản đánh giá.
Ông cũng lưu ý phán quyết PCA sẽ không dễ bị phai mờ hay mất giá trị theo năm tháng, bởi nó đã được xác định dựa trên Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Phụ lục 7 của phán quyết này quy định rằng Philippines có thể quay trở lại tòa án, hoặc thậm chí là Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), nếu như nước này cảm thấy không hài lòng với việc thực thi của Trung Quốc theo bản án đưa ra, cũng như cho phép Manila tiếp tục sử dụng phán quyết này trong tương lai.
Tại UNGA, Philippines có thể tập trung được rất nhiều giải pháp gây sức ép - mặc dù không có tính ràng buộc về mặt pháp lý - nhưng sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho Trung Quốc về mặt ngoại giao.
Sau khi trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ, Donald Trump đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu ông có tiếp tục chính sách xoay trục châu Á của chính quyền Obama để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng hay không.
Đã có những ý kiến cho rằng Trump sẽ giảm bớt việc mang tầm ảnh hưởng của Mỹ ra nước ngoài để tập trung nguồn lực giải quyết các khó khăn nội tại của nước Mỹ.
Tuy nhiên các cố vấn cao cấp của ông trong một số bài viết gần đây đã gợi mở rằng chính sách mới của Mỹ không chỉ tiếp tục coi trọng châu Á mà còn cứng rắn hơn so với cách làm của chính quyền Obama hiện tại.
Xem thêm >>> Rút khỏi TPP, Mỹ mất điều gì trên Biển Đông?
Quốc Vinh