Cướp giật điện thoại trên đường phố là chuyện xảy ra thường ngày tại Hà Nội. Để hạn chế tình trạng này, cơ quan công an khuyên người đi đường không nên nghe điện thoại lúc đang chạy xe. Thế nhưng, kẻ cướp không chỉ có chiêu cướp giật này.
Tại khu đô thị mới Linh Đàm vào trung tuần tháng 5 vừa qua, như thường lệ, 7h 30 sáng, ông H - Giám đốc một công ty - rời nhà lên xe ôtô đến trụ sở. Ông vừa đi được khoảng 5 phút thì có một người đàn ông trung niên đi xe gắn máy đến trước cổng nhà của ông. Nghe tiếng chuông, N - con gái ông H - bước ra cổng nhưng cảnh giác trước người lạ nên không mở cửa ngay.
N chưa kịp hỏi gì, người đàn ông kia vồn vã hỏi: "Ba cháu đi rồi à?". N gật đầu. Ông ta xuýt xoa: "Chú hẹn với ba cháu đến nhà lúc 7h30 để theo xe ba cháu đi công việc luôn nhưng do kẹt xe một chút nên đã trễ mất. Thôi để chú điện thoại coi ba cháu có quay lại đón chú được không". Nói xong, gã thò tay vào túi quần, nói đổng: "Chết cha, gấp quá nên quên điện thoại ở nhà. Nhờ cháu điện cho ba giùm để chú nói chuyện một chút".
N tưởng thật quay vào nhà lấy chiếc điện thoại di động của mình rồi bấm số gọi cho ba. Ông H vừa nhấc máy thì N chuyển điện thoại cho người đàn ông kia. Chộp lấy chiếc điện thoại gã rồ ga chạy mất, hành động diễn ra nhanh đến nỗi N chỉ kịp ngẩn ngơ đứng nhìn kẻ cướp tẩu thoát...
Nghe mấy người bạn gọi điện rủ đến quán trên đường Nguyễn Trãi để uống bia, anh Q. đi xe Nouvo đến quán. Khi gửi xe, anh Q. được nhân viên đưa cho giữ một thẻ, còn thẻ tương tự thì mắc vào xe. Tàn cuộc nhậu, anh Q. ra bãi xe tìm mãi nhưng chẳng thấy xe của mình đâu. Bực mình, anh đưa tấm thẻ cho tay nhân viên để yêu cầu tìm giùm. Liếc qua tấm thẻ, tay nhân viên trố mắt: "Thẻ này không phải ở đây anh ơi, anh có nhầm ở quán nào không?".
Anh Q. bực mình và yêu cầu chủ quán ra giải quyết. Sau khi cầm tấm thẻ số 207 được viết bằng sơn màu đỏ, ông chủ quán cũng lắc đầu: "Quán tôi chỉ có thẻ số 200 trở lại và được viết bằng sơn màu xanh, còn của anh...". Vụ việc trở nên phức tạp vì vậy anh Q. phải nhờ đến công an giải quyết. Chiêu gian lận này có phải là kịch bản do tay nhân viên giữ xe này thực hiện hay không hiện đang được điều tra làm rõ.
Cách đây không lâu, anh Nguyễn Văn Tươi, ngụ tại tỉnh Phú Yên đến khu du lịch Đ. ở quận 11 (TPHCM) để vui chơi và có gửi một túi xách ở quầy gửi đồ của khu du lịch này khi đi tắm trong công viên nước. Đến hơn 11h cùng ngày anh Tươi vào lấy túi xách thì phát hiện mất quần Jean, trong đó có 2 điện thoại di động, 400.000 đồng và một số giấy tờ tùy thân. Anh Tươi vội báo cho những người có trách nhiệm ở đây để giải quyết nhưng họ... từ chối. Bởi lẽ, tài sản mà anh Tươi bị mất nằm trong túi xách, trong khi túi xách thì vẫn còn nguyên, ngăn tủ lại không có dấu vết gì bất thường, vì vậy ai chứng minh cho anh Tươi là trong túi xách có chiếc quần Jean và trong chiếc quần có điện thoại, tiền... ngoài anh Tươi?
Anh Tươi bức xúc: "Vậy chẳng lẽ tôi đến công viên nước này lại không mặc quần? ". Một bảo vệ ở đây đáp: "Ai mà biết được!". Họ bảo, phải chi anh Tươi mất luôn cả túi xách thì khu du lịch sẽ bồi thường. Anh Tươi đặt vấn đề nghi ngờ nhân viên giữ đồ có chìa khóa riêng (ngoài chìa khóa giao cho khách hàng) và đã thực hiện vụ trộm tinh vi này.
Tuy nhiên, những người ở khu du lịch đã phủ nhận khả năng này, vì vậy mà anh Tươi phải đến trình báo tại Công an phường 3 (quận 11). Tuy nhiên, cho đến nay thì mọi việc đã rơi vào quá khứ, công an tìm không ra thủ phạm còn khu du lịch này thì từ chối bồi thường.
Thời gian gần đây, đọc trên nhiều trang báo quảng cáo, người tiêu dùng thấy phấn khởi với mẩu quảng cáo hàng điện tử nào là "giảm giá đến 70%", nào "bán hàng không lợi nhuận", nào "tivi LCD giá cực "sốc" màn hình 32 inch giá gốc 9 triệu nay chỉ còn 4 triệu. Nhanh chân lên, chỉ còn 51 cái"...
Nghe quảng cáo đúng là "sốc" này, tôi lần lượt tìm đến một số cửa hàng như C.L, T.L, T.H... để hỏi mua thì nhân viên ở đây mềm mỏng trả lời: "Anh thông cảm, hàng khuyến mãi đó vừa mới hết. Nhưng cửa hàng em còn nhiều mặt hàng khuyến mãi khác, anh cứ xem thử". Tôi hỏi một số khách hàng, họ cho biết cũng được nhân viên trả lời như thế.
Tuy nhiên, có người lẩm bẩm "lừa đảo", nhưng cũng có người không biết chiêu quảng cáo này thì tỏ ra tiếc nuối vì đi đến chậm. Và để không phải phí công sức đến đây, họ đành phải mua một số mặt hàng gia dụng có khuyến mãi khác như mua một máy ép trái cây thì được tặng... 1 cái ly!
Tương tự như quảng cáo hàng điện tử là các mẩu quảng cáo điện thoại di động nghe... mất hồn, đại loại như: "Cửa hàng B.H chuyên bán sỉ, lẻ điện thoại sản xuất tại Phần Lan, Nhật, Singapore, hàng xách tay, mới 100%, bảo hành 6 năm: N72, N73, 8800, 02S... giá từ 1,1 - 1, 4 triệu đồng (trong khi điện thoại Nokia 8800 chính hãng có giá trên 14 triệu đồng), tặng thẻ nhớ 4G. Ưu tiên cho người mua ở các tỉnh".
Thực chất các loại điện thoại trên là hàng do Trung Quốc sản xuất, "ưu điểm" đáng kể nhất có lẽ là tiếng chuông to nghe đinh tai nhức óc, còn nếu bị hư hay rơi nhẹ thì chỉ có cách... đem quăng vào sọt rác.
Hùng Anh