Một nghiên cứu về đồng tính nam tại Việt Nam được công bố gần đây cho thấy, có tới 34,81% người được hỏi trả lời là gần như bí mật, 32,44% trả lời là hoàn toàn bí mật, 24,96% cho biết lúc thì bí mật, lúc thì công khai. Đối với trường hợp gần như là công khai chỉ có 5,31% và chỉ có 2,49% cho biết là hoàn toàn công khai.
Đặc biệt, hầu hết những người được hỏi suy nghĩ gì khi người thân của mình "có vấn đề về giới tính" đều có cảm xúc: Kinh ngạc, chối bỏ, thất vọng, tức giận hoảng sợ và mất mát. Chính những định kiến, suy nghĩ khuôn mẫu của người thân, cộng đồng đã khiến không ít người đồng tính rơi vào tuyệt vọng.
Lâm Thành Vinh (Lộ Lộ) Quản trị viên - câu lạc bộ Living My Life, một trong những người góp công ghi lại chân thực câu chuyện của người đồng tính
Cuộc ngã giá để cai... đồng tính
Trong câu chuyện về những cảnh đời của không ít bạn trẻ phải chịu nhiều đau khổ, kỳ thị để sống thật với con người mình, chị Tú Anh (Giám đốc Trung tâm Sáng kiến - Sức khỏe - Dân số, CCIHP) chua xót kể cho chúng tôi câu chuyện của một bạn trẻ. Thay vì nhận được sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng, sự sẻ chia thì không ít gia đình lại coi đồng tính là bệnh. Họ tìm mọi cách, kể cả bằng bạo lực, phi giáo dục để "chữa" bằng được cho con cái họ.
Câu chuyện của Tiến (SN 1989) khiến chúng tôi thực sự phải suy nghĩ. Từ lúc 15 tuổi, Tiến phát hiện ra cậu thích thầy giáo. Rồi những năm cuối cấp 3, bố mẹ cậu biết chuyện cậu có tình cảm với một người bạn trai ở miền Nam, ông bố sẵn sàng "phi" chiếc dép vào mặt Tiến để cảnh cáo, đuổi Tiến ra khỏi nhà.
Đến trường, cô giáo và bạn bè nhìn cậu với ánh mắt khác lạ. Mẹ Tiến đã đưa cuốn nhật ký ghi lại những cảm xúc "không bình thường" của cậu cho cô giáo. Và buổi sinh hoạt đầu tuần thứ hai, sau khi đọc hết những hoạt động đoàn đội, tuyên dương các học sinh tiêu biểu rồi đến những vấn đề cần phản ánh, cô giáo đã đọc tên Tiến trước toàn trường và nói là Tiến đang bị lệch lạc giới tính, các học sinh khác cần phải giúp đỡ để Tiến không bị sa đà, cám dỗ.
Cả trường xôn xao bỗng lặng đi, những cái nhìn bỡ ngỡ, bàng hoàng và khinh miệt tập trung vào cậu. Sau này, cậu chia sẻ với mọi người tại trung tâm CCIHP rằng, lúc đó cậu cảm thấy như một vật thể lạ từ trên trời rơi xuống...
Từ thời điểm đó, vào mỗi giờ ra chơi, học sinh các lớp chỉ lũ lượt kéo đến hành lang lớp Tiến để xem "một thằng đồng tính như thế nào" và chỉ trỏ với những từ đi kèm: "Đó là thằng xăng pha nhớt, thằng pê-đê, thằng bệnh hoạn đấy!...".
Từng ngày, từng ngày, một mình cậu phải sống giữa những lời châm chọc, trách móc... Và vì thế, Tiến quyết định ra đi khi trong túi chỉ có 5.000 đồng.
Vỉa hè, công viên là chốn nương thân của Tiến. Rồi bác Tiến (một chủ cờ bạc có tiếng) sai người lôi Tiến về. Việc đầu tiên, bác Tiến đưa gương bắt cậu soi lại mình. Bác mắng chửi cậu rồi sai người lôi Tiến lên căn phòng trên tầng bốn nhốt lại cùng chiếc xích sắt ở chân.
Mỗi ngày, Tiến được một bát cơm với nước mắm và một can nước lọc. Những âm thanh mà cậu được nghe hàng ngày là tiếng chửi của bác và tiếng xích sắt ở chân chạm vào sàn nhà. Tiến được ra khỏi căn phòng đó khi hứa sẽ không bao giờ yêu con trai nữa, sẽ là một đứa "bình thường".
Rồi khi ra khỏi đó, Tiến mới biết lý do bác "tốt" với cậu chỉ là một quân bài tước đi phần thừa kế của mẹ cậu. Bác ghi lại tất cả chi phí cho cậu và quy ra vàng. Để trả món nợ tiền và tình đó, mẹ Tiến phải từ bỏ quyền thừa kế của mình ở ngôi nhà của ông bà ngoại.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Tú Anh (Giám đốc CCIHP) cho rằng, đồng tính là một xu hướng tình dục bình thường giống như các xu hướng tình dục khác. Vì đây không phải là bệnh và cũng không phải do đua đòi nên các kiểu điều trị hay cưỡng ép người đồng tính thay đổi xu hướng tình dục của mình đều không có kết quả. Vì những định kiến xã hội mà người đồng tính phải sống trong "vỏ bọc", không được là chính mình.
Hơn nữa, nhiều người chưa hiểu rõ về người đồng tính, còn suy nghĩ lệch lạc, coi đó là một căn bệnh nên kỳ thị họ. Nhà trường và người thân lẽ ra phải thấu hiểu, chia sẻ và bảo vệ cậu con trai đang lớn bằng tình yêu thương chân thành và sự hiểu biết thay vì những lời lẽ xúc phạm, trêu đùa.
Bởi sự khinh miệt, xúc phạm khiến không ít người đồng tính, đặc biệt là các bạn trẻ chọn cách tự tử như là một giải pháp cho tình trạng bất lực và mặc cảm tội lỗi.
TS. Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)
Không tìm được việc vì... come-out
Trên thực tế có rất nhiều người đồng tính khi come-out (lộ diện) với gia đình đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ cha mẹ. Nhiều người đã bị đánh đập, chửi mắng, miệt thị, cắt hỗ trợ về kinh tế, thậm chí nhiều người bị đưa đi khám, chữa trị, bị nhốt trong phòng, bị bỏ đói...
Không ít trường hợp đã từng bị bố mẹ đưa lên bệnh viện tâm thần để điều trị vì nghi ngờ con có vấn đề về thần kinh...
Gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng, câu chuyện buồn của cặp tình nhân đồng tính nữ có tên là H. và Y. (TP.HCM, cặp đôi xuất hiện trong clip phóng sự ngắn do Trung tâm ICS - Tổ chức về quyền của cộng đồng gay, les thực hiện) đã khiến nhiều người bất bình hoặc rơi lệ thương cảm.
Theo đó, vốn học hành giỏi giang và đang có một công việc rất tốt, nhưng ngay khi vô tình bị lộ là người đồng tính, tất cả những người trong công ty H. đã nhìn cô với một con mắt hoàn toàn khác, đặc biệt là những người trong ban lãnh đạo.
Sự việc không dừng lại ở đó, ít ngày sau khi "quả bom sự thật" phát nổ, H. bị triệu lên phòng quản lý và yêu cầu viết... kiểm điểm, hứa hẹn rằng sẽ trở lại là "con người bình thường". Quá bất bình trước yêu cầu trái khoáy đó cùng với những ánh mắt gièm pha của đồng nghiệp, H. quyết định xin nghỉ việc.
Mặc dù, là người có năng lực và đang đóng vị trí rất quan trọng trong guồng máy của công ty nhưng tất cả những lý do đó không tạo bất cứ rào cản nào trong việc lãnh đạo của cô đặt bút ký vào đơn xin nghỉ việc. Tất cả diễn ra chóng vánh đến đau lòng.
Có lẽ, để thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận khác với những gì họ được dạy, được nghe từ lâu không thể một sớm một chiều. Nhưng những tín hiệu gần đây xung quanh việc lấy ý kiến về dự thảo Luật Hôn nhân đồng tính đang mở ra nhiều hy vọng cho bản thân người đồng tính.
TS.Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cho biết: "Xã hội phát triển làm cho các cá nhân có cơ hội hiểu rõ về mình hơn. Sự phát triển của Internet giúp cộng đồng người đồng tính hiểu về mình hơn và họ có cơ hội kết nối, làm quen với những người đồng tính như mình. Đám cưới chính là một sự cam kết của những người đồng tính. Họ có một cam kết gắn bó với nhau theo tôi đó là một xu hướng tích cực.
Nếu như hai người này không dám chấp nhận sự thật về giới tính của mình, cố theo lẽ tự nhiên đi lấy hai người phụ nữ, sinh con thì sẽ có hai người phụ nữ phải chịu đau khổ"
Đồng tính cũng có dăm bảy đường Những câu chuyện về người đồng tính vẫn đang được bàn luận. Bao nhiêu người đồng tính có thể tự do sống với bản ngã của mình và bao nhiêu người đã mãi mãi ra đi vì sự kỳ thị của người thân và xã hội. Những kẻ giả đồng tính, a dua đua đòi cần phải lên án nhưng với những người đồng tính thực sự thì một sự cảm thông, chia sẻ sẽ giúp cho cuộc sống của họ thêm ý nghĩa hơn. |
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Đỗ Thơm