Doanh nghiệp tặng xe cho địa phương: Bộ Tài chính lên tiếng

Doanh nghiệp tặng xe cho địa phương: Bộ Tài chính lên tiếng

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 4, 12/04/2017 19:05

Theo bộ Tài chính, việc doanh nghiệp tặng xe cho địa phương phải tuân thủ theo quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Sau Đà Nẵng, Cà Mau, Bộ vừa có thông tin thêm về việc tặng xe tại Nghệ An.

Trả lời PV báo Người Đưa Tin về việc một số doanh nghiệp tặng xe ô tô, xe sang cho các địa phương gây xôn xao dư luận vừa qua, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng cục Quản lý Công sản đã đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này.

Thưa ông, câu chuyện về địa phương được doanh nghiệp tặng ô tô sang như Đà Nẵng, Cà Mau và trước đó là Ninh Bình thời gian vừa qua khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Theo cục Quản lý công sản, việc cho, tặng và nhận này có phù hợp?

Hiện nay, pháp luật của chúng ta cũng đã có quy định cụ thể đối với xe biếu tặng tại quyết định 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các địa phương, ban ngành có quyền nhận những loại quà khác nhau, miễn là không trái luật.

Thực tế quy định về quà cho tặng bao gồm cả tiền, tiền nước ngoài, cổ phiếu, trái phiếu,… Chúng tôi chỉ là đơn vị tham mưu về luật. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc thì sẽ phải hướng dẫn lại các đơn vị, ban ngành thực hiện cho đúng, còn nếu phát hiện ra sai phạm thì phải xử lý.

Thời gian vừa qua, liên quan tới câu chuyện về doanh nghiệp tặng xe, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi từ báo chí. Theo quy định thì địa phương có thể nhận xe hay không, trách nhiệm của cơ quan tổ chức đơn vị ấy ra sao, quản lý thế nào,... chúng tôi cũng đã có giải thích. Theo quy định chung trong quyết định 64, nếu việc tặng, cho gắn với các điều kiện không liên quan đến quyền lợi của bên tặng thì địa phương được phép nhận. Nhận rồi thì sẽ phải sử dụng theo quy định tiêu chuẩn định mức. Nếu giá trị tài sản quá lớn thì sẽ áp theo mục 3, chương 2 để xử lý, có thể bán và nộp tiền về ngân sách.

Luật hiện cũng quy định tất cả các bộ ngành, địa phương, đơn vị tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, căn cứ vào quy định của Thủ tướng để nhận hay không nhận. Việc này cũng không nhất thiết phải báo cáo. Đối với những tài sản đặc biệt lớn hoặc đối tượng cho tặng khá nhạy cảm thì phải báo cáo với cấp cao hơn và có thẩm quyền.

Theo quy định, xe ấy (xe được tặng - PV) sau khi được tiếp nhận thì sẽ là tài sản công, phải được nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý. Loại xe gì, sản xuất năm nào, ở đâu, trị giá ra sao,… có tới mười mấy tiêu chí để quản lý, nếu chỉ nhìn vào thì sẽ không biết được xe nào là xe cho tặng mà tất cả đều được quản lý theo luật quy định về tài sản Nhà nước, cụ thể là quản lý về xe công.

Luật cũng không yêu cầu các địa phương phải báo cáo bộ Tài chính về việc được tặng, cho xe hay tài sản có giá trị.

Xã hội - Doanh nghiệp tặng xe cho địa phương: Bộ Tài chính lên tiếng

Mới đây, Thủ tướng giao 3 bộ làm rõ việc địa phương nhận xe mà doanh nghiệp tặng. Ảnh: Tiền Phong

Doanh nghiệp tặng xe cho Cà Mau và Đà Nẵng mới chỉ là những vụ được báo chí phát hiện ra. Liệu rằng, đây có phải chỉ là bề nổi của tảng băng chìm? Bộ Tài chính mà cụ thể là cục Quản lý công sản có nắm được đã có bao nhiêu địa phương được doanh nghiệp tặng quà thành công?

Riêng trường hợp Cà Mau và Đà Nẵng, sau khi báo chí phản ánh, tôi cũng đã liên hệ trực tiếp với 2 đồng chí Giám đốc sở Tài chính ở hai địa phương này để tìm hiểu kỹ xem có việc đó hay không. Đặc biệt, sau cuộc họp báo chính phủ vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao cho bộ Tài chính xử lý vấn đề của hai địa phương này. Ngay sau đó, bộ Tài chính cũng đã có công văn yêu cầu Đà Nẵng, Cà Mau thực hiện báo cáo về việc tiếp nhận xe sử dụng.

Đến hôm 8/3, chúng tôi cũng có nắm thêm trường hợp của Nghệ An. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện kiểm tra, kết quả đúng sai như thế nào sẽ có thông tin kịp thời cho báo chí.

Như công bố trước đó của bộ Tài chính, hiện chi phí "nuôi" một chiếc xe công mỗi năm là hơn 300 triệu. Nếu như địa phương nào cũng tiếp nhận xe như vậy thì tiền để nuôi xe sẽ phải lấy từ đâu?

Quả thực, hiện nay chi phí để nuôi một chiếc xe công là khá lớn. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, sử dụng xe cũng phải tuân theo tiêu chuẩn định mức. Ví dụ, cả tỉnh Nghệ An có định mức 310 xe ô tô. Nếu chưa đủ thì họ có thể mua sắm thêm cho đủ hoặc có thể nhận quà cho, biếu, tặng, xe điều chuyển từ các địa phương khác. Còn chi phí "nuôi" xe thì vẫn chỉ nằm trong tổng chi ngân sách của họ. Địa phương phải tự cân đối.

Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi cũng sẽ đưa vào dự thảo văn bản, đối với những trường hợp khác, đặc biệt là những ban quản lý dự án nhận xe của ODA, xe nước ngoài viện trợ không hoàn lại thì phải tuân theo quy định. Ban quản lý phải đảm bảo về chi phí vận hành xe thì mới được nhận.

Quan điểm cá nhân ông về việc doanh nghiệp tặng quà cho địa phương?

Cá nhân tôi thì cho rằng, cái gì liên quan đến việc triển khai nhiệm vụ, tóm lại là nợ, người ta cho mình cái gì mà sau này mình mang nợ, có trách nhiệm phải trả nợ, không cứ phải là xe ô tô mà thậm chí cả những thứ quà nhỏ thôi thì cũng không nên nhận. Không nên nhận để rồi phải mang nợ.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Huệ (thực hiện) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.