Sáng nay, nhiều ý kiến thẳng thắn của các đại biểu tham dự hội nghị Đồng hành cùng doanh nghiệp. Một trong những phát biểu nhận được rất nhiều tràng vỗ tay không ngớt của các đại biểu tham dự Hội nghị là của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tổng công ty Hợp lực.
Mở đầu bài phát biểu, ông Đệ nhấn mạnh những cái được, khen đã nghe quá nhiều và ông sẽ nói sự thật. Ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu: “Hôm nay, Chính phủ cần chúng ta nói sự thật. Chúng ta muốn thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35 phải tăng cường công chức, viên chức, cán bộ. Hiện nay ở các địa phương, theo các doanh nghiệp chúng tôi thấy thừa đến 50% cán bộ. Họ chơi quá nhiều chứ không phải phục vụ. Chúng ta phải chọn người tài như tinh thần của Thủ tướng.
Nghị quyết 93 của Chính phủ có hiệu lực nhưng tôi kiến nghị, trong thực tế, chúng ta không nên cho phép xây dựng bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công. Đây có thể sẽ là nguồn cơn hậu quả trong tương lai cho tham nhũng, thất thoát nguồn lực của Nhà nước. Và nếu mỗi tỉnh có một bệnh viện tư trong bệnh viện công thì sẽ bóp chết hàng chục bệnh viện tư khác. Thay mặt hiệp hội Bệnh viện tư nhân, tôi đề nghị Chính phủ sửa đổi và nên có chính sách khuyến khích nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này để chia sẻ quá tải đối với Nhà nước.
Nghị quyết TƯ 5 vừa thành công, tôi thống nhất với quan điểm trong lúc Nhà nước còn khó khăn, cái gì doanh nghiệp đầu tư được thì Nhà nước đừng làm nữa. Nhà nước làm thì thất thoát càng cao và lợi ích nhóm càng lớn.
Bộ Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam nên ngồi lại bàn bạc với nhau cần có chính sách thống nhất về quy trình khám chữa bệnh.
Tôi đề nghị trong việc khám chữa bệnh cho người nghèo, trước đây bệnh viện tư khám cho người nghèo rất suôn sẻ. Tuy nhiên, khi Nhà nước có chính sách cho người nghèo hưởng tiền đi lại, tiền ăn tự nhiên lại có chính sách đưa đối tượng này về cho bệnh viện công. Bệnh viện công đang quá tải lại nảy sinh Thông tư nói việc này chỉ bệnh viện công mới làm được, viện dẫn đây là nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi nhiệm vụ chính trị cũng làm được, chia sẻ với Nhà nước tại sao lại không làm được.
Luật BHXH sửa đổi rất bất cập. Chúng tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét và thay đổi. Theo quy định, năm 2021 mới thông tuyến tỉnh. Trước đây, bệnh viện tư không có bệnh nhân thì bệnh viện công bảo chúng tôi yếu không có năng lực. Nhưng bây giờ thông tuyến huyện, bệnh nhân lại đến bệnh viện tư nhiều. Giá thanh toán tăng lên thì lại đẩy bệnh viện tư lên bệnh viện hạng 2 để tránh thông tuyến. Việc thông tuyến nên bình đẳng, luật nên sửa. Đừng thuận để cho công, khó cho tư.
Nghị quyết 35, tôi rất mong muốn phát huy hơn nữa. Đặc biệt là phải phát huy hơn nữa Nghị quyết 04 Bộ Chính trị. Chúng tôi không phải là đảng viên nhưng rất mừng. Tuy nhiên, công lực và hiệu quả đang không được như ý. Tôi lấy ví dụ ở Hải Phòng, chính quyền động viên một doanh nghiệp bỏ ra 50 tỷ đồng đầu tư bến xe, khi xây xong hoạt động không hiệu quả do thành phố thay đổi chủ trương các hãng xe vào bến khác.
Chúng tôi cùng tổ công tác của phòng Thương mại đến Hải Phòng. Chúng tôi điện thoại, nhắn tin cho Bí thư, Chủ tịch Hải Phòng. Tôi nằm đó 3 ngày, cuối cùng về không. Như thế, việc phục vụ là phục vụ chỗ nào? Chúng tôi đề nghị đưa Nghị quyết 04 về Hải Phòng để làm thí điểm”.
Đỗ Thơm