Ngày càng có nhiều vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng, hay lộ thông tin cá nhân, dữ liệu nhạy cảm trong quá khứ... Khổ chủ chỉ biết đổ lỗi cho công nghệ, trong khi chính mình lại rước trộm về nhà.
Họa vô đơn chí
Sau nhiều tháng không dùng đến tiền lương, anh Sang nghĩ rằng trong tài khoản của mình có khoản tiền kha khá. Đến lúc nhà có việc cần đến tiền, anh Sang mang thẻ ATM ra rút tiền. Hỡi ôi, tài khoản đã bị ai đó lấy mất cả chục triệu đồng. Của đau, con xót, anh Sang nghĩ ngay lỗi do công nghệ của ngân hàng và tìm đủ mọi cách khiếu nại. Trường hợp bị mất nhiều tiền trong tài khoản như anh Sang ngày càng phổ biến, khi mà trào lưu trả tiền qua ngân hàng phổ biến trong nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Kiểu mất tiền trong tài khoản chưa thấm vào đâu so với mất dữ liệu trong điện thoại. Nhiều người không hiểu vì sao, một ngày đẹp trời, thông tin cá nhân, tin nhắn, hình ảnh nhạy cảm của mình đã dấu kín trên đám mây (icloud - smartphone) lại bị lộ diễn trên các trang mạng xã hội, hay rơi vào tay một số kẻ tống tiền. Lo sợ bại lộ thông tin nhạy cảm của bản thân, khổ chủ phải làm theo yêu cầu của những kẻ vô hình trên mạng. Thậm chí, không ít cô gái xinh đẹp trở thành nạn nhân của những vụ án hiếp dâm, cưỡng bức tình dục trong một thời gian dài.
Những rủi ro nêu trên của cá nhân có thể thấy rõ được thiệt hại vật chất và tinh thần. Ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế, sau nhiều ngày điều tra, tìm hiểu vẫn không biết nguyên nhân? Chỉ biết rằng, thông tin nội bộ bị rỏ rỉ ra ngoài và có kẻ nào đó giấu mặt đã lợi dụng vào điều này để thực hiện ý đồ xấu.
PV báo Người Đưa Tin dày công tìm hiểu và tìm ra nguyên nhân tạo ra sự cố nói trên qua con mắt cùa những chuyên gia công nghệ.
Bùng nổ mã độc ăn cắp thông tin
Theo số liệu thống kê trong quý III từ hệ thống giám sát virut của Bkav, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 dòng mã độc ăn cắp thông tin mới xuất hiện trên thế giới, chiếm 35% tổng số dòng mã độc trên điện thoại di động phát hiện hàng ngày. Nói như nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, đây là thời điểm bùng nổ mã độc ăn cắp thông tin trên điện thoại di động. Theo đó, mã độc phát tán nhiều nhất có tên trojan, vượt qua cả mã độc quảng cáo bất hợp pháp và mã độc gửi tin nhắn đến đầu số tính phí.
Nghiên cứu của Bkav cho thấy, các dòng mã độc trojan thường được hacker ghép vào bên trong một một trò chơi phổ biến hoặc ứng dụng tiện ích để phát tán. Người sử dụng rất khó phát hiện, vì trong lúc ứng dụng vẫn hoạt động bình thường, mã độc âm thầm lấy cắp thông tin và gửi ra ngoài.
Nhìn chung, thông tin trojan thu thập bao gồm: Thông tin cá nhân như tin nhắn, danh bạ, cuộc gọi, mật khẩu, tài khoản ngân hàng và nhiều dữ liệu, hình ảnh nhạy cảm của trên điện thoại. Giải thích về loại mã độc ăn cắp thông tin trên di động, các chuyên gia Bkav nhận định: Thông tin cá nhân trong điện thoại có thể mang lại nguồn lợi lớn cho hacker. Bởi vì, qua các thông tin cá nhân này, hacker có thể lấy cắp tiền từ tài khoản ngân hàng, hoặc lừa đảo, gây tổn hại cho khổ chủ.
Ngoài ra, các chuyên gia an ninh mạng Bkav khuyến cáo người sử dụng thay đổi mật khẩu quản trị camera IP. Tốt nhất, nếu không dùng thì hãy tắt tính năng cho phép truy cập camera IP từ mạng internet bên ngoài. Cụ thể, người sử dụng vào trang quản trị, chọn phần cấu hình và tiến hành đổi mật khẩu. Việc người sử dụng dùng mật khẩu mặc định, những tên trộm vô hình có thể dễ dàng truy cập, chiếm được quyền điều khiển thiết bị và theo dõi người dùng.Để tránh rơi vào tay những tên trộm vô hình, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo: Người dùng smartphone cần trọng khi cài bất kỳ một ứng dụng nào trên máy điện thoại. Đặc biệt là các ứng dụng miễn phí, không rõ nguồn gốc chính thống, trôi nổi trên mạng internet.
Thiên Long