Những bức tranh lạ
Khi nhắc đến cảnh "nude", nhiều người liên tưởng đó là những hình ảnh của các siêu mẫu khoe mình trên các trang mạng internet, chứ ít ai tưởng tượng được cảnh "nude" lại xuất hiện trên gốm Việt thế kỷ XV.
Các cụ ta ngày xưa ít khi đề cập đến những chuyện ái ân thầm kín, thậm chí định kiến xã hội còn vùi dập những người có tư tưởng hở hang, lộ mình. Những cảnh trai gái đang ân ái, hay khỏa thân chỉ được bắt gặp trong các họa tiết trang trí mang ý nghĩa phồn thực, và thường biểu hiện một cách kín đáo. Nhưng khi nhìn các tranh vẽ trên gốm, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi sự mạnh bạo trong thể hiện và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân gốm thế kỷ XV.
Năm 2000, việc khai quật con tàu đắm trên biển cù lao Chàm - Quảng Nam, các nhà khảo cổ đã thu được hàng nghìn hiện vật gốm cổ của Việt Nam thế kỷ XV. Trong số nhiều hiện vật gốm cổ quý giá, có ba hiện vật độc đáo được tìm thấy trên con tàu đắm này. Đó là một chiếc đĩa vẽ cảnh "làm tình" của đôi trai gái, một chiếc ang vẽ lại cảnh tắm tiên, và một chiếc đĩa vẽ cảnh một cô gái trong tư thế khỏa thân. Việc tìm thấy đồ gốm cổ Việt Nam có cảnh "nude" nóng bỏng, khiến nhiều học giả bất ngờ. Thậm chí đến giờ, chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho những thắc mắc liên quan đến những họa tiết trang trí ấn tượng này.
Bức tranh sex trên đĩa gốm hoa lam thế kỷ XV
Trong bức tranh gốm in trên đĩa (ảnh 1), vẽ hoạt cảnh đôi trai gái trong tư thế "yêu" khiến không ít người ngạc nhiên, thậm chí thẹn đỏ mặt. Một điều thú vị, hình vẽ được trang trí trên đĩa gốm đã kích thích trí tưởng tượng của người xem. Nhiều người liên tưởng đến các tình huống thú vị có thể xảy ra trên thực tế. Hoạt cảnh miêu tả đôi trai gái trong tình cảnh không mảnh vải che thân "giữa thanh thiên bạch nhật" mà thản nhiên làm chuyện chốn phòng the.
Khi đôi trai gái đang mải "yêu", người thứ ba nhìn trộm phía sau, khuôn mặt biểu thị trạng thái "khát khao" khó kìm. Bố cục bức tranh rất hóm hỉnh, nó gợi người xem liên tưởng đến việc "ăn vụng" không kịp "chùi mép", hay là ẩn ý của lời dạy cần phải kín đáo chuyện phòng the?
Anh Khương, một người khách tham quan tại bảo tàng Quảng Nam khi nhìn thấy bức tranh gốm này, đã bật cười rũ rượi, sau đó anh tưởng tượng ra khung cảnh khi đặt thức ăn lên chiếc đĩa này mà thưởng thức thì thú vị lắm, đặc biệt bữa ăn trong đêm tân hôn thì khỏi phải nói... Khi nhìn bức tranh này, chị Thùy không đủ dũng cảm để ngắm nó một cách tỉ mỷ, chị sợ có ánh mắt hình "viên đạn" của ai đó tia về phía mình.
Bức tranh "tắm tiên" trên ang gốm hoa lam thế kỷ XV
Còn bức tranh trên chiếc ang gốm (ảnh 2), miêu tả hoạt cảnh người phụ nữ đang tắm tiên, trong tư thế hoàn toàn nude, ngồi bên cạnh chum nước, một người đàn ông mang y phục đến cho cô gái rất tình tứ, có người thứ ba đứng nhìn trộm ở gốc cây cạnh đó. Bức tranh khiến nhiều người liên tưởng đến cảnh "một ông hai bà" thời xưa, khi ông chồng đang tình tứ với bà vợ trẻ mới cưới, thì bà cả hậm hực đứng nhìn trộm một cách tức tưởi.
Ảnh thiếu nữ khỏa thân trên chiếc đĩa (ảnh 3) mang tính nghệ thuật rất cao, bức tranh vừa tôn vinh được nét đẹp khỏe khoắn của cơ thể, lại thể hiện được vẻ kiêu sa, quý tộc. Khi ngắm bức tranh này, không ít người phải trầm trồ thán phục bởi tài năng và khiếu thẩm mỹ của người thợ gốm năm xưa làm sản phẩm này.
"Cuộc đối thoại với thiên nhiên"?
Sự mạnh bạo thể hiện của người thợ thủ công thế kỷ XV đem lại nhiều bất ngờ thú vị cho nhiều nhà nghiên cứu gốm cổ. Trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, phó giám đốc bảo tàng Lịch sử Việt Nam, người từng nhiều năm nghiên cứu về gốm, ông cho biết: "Ba bức tranh rất độc đáo, đến giờ chưa phát hiện thêm sản phẩm gốm cùng loại. Đây có thể là sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng, hoặc là sản phẩm ngẫu hứng của người thợ. Những bức vẽ về đề tài "nude" này ít xuất hiện trên gốm cổ Việt, tuy nhiên nó không phải là chủ đề mới. Bởi trước đó 2000 năm (thuộc văn hóa Đông Sơn), những hoạt cảnh trai gái giao duyên mang tín ngưỡng phồn thực đã được khắc họa trên thạp đồng Đào Thịnh".
Bức tranh nude trên đĩa gốm hoa lam thế kỷ XV
Tuy nhiên nhiều người cho rằng, nếu thể hiện tín ngưỡng phồn thực, tại sao lại có hình ảnh của kẻ thứ ba xen vào?. Rõ ràng các bức tranh gốm được phát hiện tại con tàu đắm ở cù lao Chàm - Quảng Nam, nó phản ánh hiện thực xã hội rất cao. Mỗi nét mặt nhân vật đều biểu lộ tính tự sự, biểu cảm, chứ không phải những hình mẫu khô khan như đôi trai gái được khắc họa trên thạp đồng Đào Thịnh. Hơn nữa đây là các sản phẩm gốm dân dụng, phục vụ cho đời sống hàng ngày trong khi tín ngưỡng phồn thực chỉ được thể hiện trên các đồ dùng phục vụ lễ, tế.
Một giả định có thể xảy ra, vào thế kỷ XV các thợ gốm Việt đang tìm tòi, sáng tạo, thể hiện đề tài mới nhằm tạo ra nét độc đáo riêng. Bởi trong thế kỷ XV gốm Việt có hai đột phá trong trang trí hoa văn gốm. Đó là việc ứng dụng trang trí vàng kim trên gốm và trang trí họa tiết gốm bằng nhiều hình ảnh thiên nhiên đặc trưng của vùng Đồng bằng bắc bộ (giới khảo cổ gọi là "cuộc đối thoại với thiên nhiên"). Hai thể nghiệm mới này trên thực tế rất thành công, gốm Việt được khách hàng nhiều nước như Nhật Bản và Đông Nam á ưa chuộng.
Trong xu hướng thử nghiệm phong cách mới, rõ ràng việc những người thợ gốm thế kỷ XV tìm đề tài khác lạ, độc đáo như đề tài "nude" không thể loại trừ. Ba mẫu trang trí này có thể là sản phẩm chào hàng của các lò gốm Việt. Tuy nhiên, chính đề tài "nude" trên gốm không có sự lặp lại ở sản phẩm gốm Việt các thế kỷ sau phản ánh thực tế cuộc thử nghiệm đề tài "nude" trong trang trí họa tiết gốm không thành công như mong đợi.
Hiện tại ba hiện vật gốm trên đang được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng Quảng Nam, các bức ảnh về ba hiện vật này được giới thiệu trên cuốn sách "Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam" của Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân. |
Như Hải