Sợi dây kết nối tình người
Làng Chùa giờ đã ngoài 700 năm tuổi nhưng nó lại mang một dáng dấp trẻ trung, tươi tắn, lãng mạn như một chàng trai vừa chớm độ đôi mươi. Gặp những người dân đầu tiên của làng, chúng tôi có cảm giác bỡ ngỡ bởi vẻ ngoài tần tảo, hiện rõ những vất vả lo toan trong cuộc sống thường nhật. Quả thật, nếu trước đây không nghe danh làng Chùa yêu thơ, chúng tôi khó tưởng tưởng được những người nông dân lam lũ lại là những thi sĩ nức tiếng xa gần.
Khi biết chúng tôi là khách phương xa đến tìm hiểu văn hóa của làng, muốn được kiểm chứng thực hư tài năng thi ca của những bác nông dân chân chất nơi đây, mọi người trong làng không hề ngần ngại. Họ tự hào và rất nhiệt tình khi giới thiệu về "đặc sản" số 1 của quê hương mình.
Ngay từ cổng làng, một anh nông dân tên Linh, chân vẫn nhem nhuốc bùn đất hăng hái giới thiệu với chúng tôi về tài làm thơ của làng mình. Theo anh Linh: "Ở làng Chùa, không ai là không biết làm thơ. Người kém cũng có thể làm vài câu, còn người giỏi thì không kể xiết. Thậm chí có thể in thành tập thơ cho riêng mình".
Đa số người dân làng Chùa đều có chung niềm tự hào như anh Linh. Họ chia sẻ về tình yêu của mình đối với thơ và tự hào về làng mình ai cũng là thi sĩ. Theo đa số người dân, người làng Chùa yêu thơ từ nhỏ và lớn lên trong những bài thơ do chính cha mẹ và láng giềng sáng tác. Và tình yêu ấy không bao giờ cạn trong mỗi người dân khiến làng Chùa nức tiếng trong cả nước.
Nói chuyện với chúng tôi, người làng Chùa tự hào rằng, mảnh đất làng mình đã từng đón nhiều nhà thơ lớn của dân tộc. Những tên tuổi của văn đàn như Phạm Tiến Duật, Đinh Thị Như Thúy, Quang Hải, Nguyễn Giúp, Lương Tử Đức, Trần Quang Quý, Trần Văn Giá... đã đến đây và đàm luận về thơ với người dân làng Chùa. Nhưng để nói về thơ, và người yêu thơ cháy bỏng nhất của làng Chùa phải nhắc đến ông Nguyễn Gia Tế (83 tuổi), người được cả làng mệnh danh là "trạng thơ làng Chùa".
Quang cảnh trao giải thơ làng Chùa trong hội thơ.
Trong tiết thu se lạnh, ông Tế niềm nở đón tiếp chúng tôi. Theo ông Tế, đến hẹn lại lên, cứ vào rằm tháng Giêng, làng Chùa tổ chức hội thơ. Mỗi dịp như vậy, khách thập phương kéo về làng Chùa như trẩy hội. Họ muốn được hòa mình vào không gian tràn ngập tình yêu thơ của người dân nơi đây. Trong dịp hội làng, dân làng Chùa mặc những trang phục lộng lẫy chào đón khách thơ. Đặc biệt, họ luôn chuẩn bị sẵn những bài thơ do chính mình sáng tác để dành tặng cho khách thập phương.
Cũng theo trạng thơ làng Chùa, người đến đây vào dịp hội thơ, đa số là những người yêu thơ. Họ không chỉ mong được nghe người làng Chùa đọc thơ mà còn muốn đem đến đây những bài thơ của mình để chia sẻ với người dân. Có những người đã vượt qua quãng đường hơn 1500km để được hòa mình vào không khí vui tươi của những ngày thơ nơi đây. Thậm chí nhiều năm, làng còn vinh dự được đón những Việt kiều từ Úc, Séc, Mỹ về thăm. Tất cả đều bất ngờ khi đọc những bài thơ mộc mạc của người làng Chùa. Nhiều người đã khóc vì tìm thấy trong đó tình cảm chân thành như tiếng lòng của quê hương đất nước.
Ông Tế còn nhớ, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật nghe danh làng Chùa đã về đây đọc thơ và chia sẻ cảm xúc về những bài thơ của mình sáng tác cho dân làng nghe. Nhắc đến đây, giọng ông Tế trầm hẳn. Ông nghẹn ngào kể về kỷ niệm sâu sắc với người cũ: "Đêm đó, dân chúng tôi đốt đuốc thâu đêm, sân đình sáng bừng, từ già đến trẻ ai nấy im phăng phắc.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong trang phục bình dị, ông đọc thơ và bình thơ. Hôm đó, làng Chùa không ngủ. Mọi người thức để nghe chính nhà thơ đọc những bài thơ nổi tiếng của mình. Từ đó, người làng Chùa đã xem nhà thơ Phạm Tiến Duật như một người con của làng và bản thân nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dành cho làng một tình cảm đặc biệt. Tác giả của "Xe không kính" đã nhận xét, "chưa từng thấy người dân làng nào yêu thơ đến thế và xin các cụ bô lão trong làng nhận mình là công dân danh dự của làng".
Dùng thơ làm vũ khí chống tệ nạn xã hội
Nói về thơ làng mình, ông Tế khẳng định, dân làng Chùa làm thơ "yêu cái cong mà kỵ cái thẳng". Nghe ông nói vậy, chúng tôi không khỏi giật mình. Để trấn an chúng tôi, ông họa bằng hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Bạch Cư Dị: "Người già nghe chẳng sao đâu/Tóc xanh nghe dễ bạc đầu như chơi".
Theo ông Tế, đây chính là tuyên ngôn nghệ thuật mà thơ làng Chùa hướng tới. Khi nghe đến đây, chúng tôi thực sự bất ngờ. Bởi cứ nghĩ rằng, thơ làng Chùa đơn giản, mộc mạc, là sản phẩm tinh thần thuần túy của những người nông dân vốn quen với đồng ruộng. Hóa ra, người làng Chùa không chỉ yêu thơ mà còn muốn vươn tới giá trị nghệ thuật mang tính bác học.
Trong dòng chảy thơ bất tận của ngôi làng thi sĩ này, chúng tôi sưu tầm được rất nhiều bài thơ với nhiều thể loại và chủ đề khác nhau. Từ những đề tài lớn mang tính chất thời đại cho đến những nhỏ nhặt đời thường. Đọc thơ của những người dân làng Chùa, điều dễ cảm nhận nhất đó là tình yêu quê hương đât nước, tình làng nghĩa xóm, khát khao về một cuộc sống thuận hòa.
Nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi là những bài thơ châm biếm phản ánh những tiêu cực của xã hội. Ở đó, người làng Chùa đã lên án những thói hư tật xấu như cờ bạc, ma túy, mại dâm, trộm cắp với những vần điệu hóm hỉnh, dễ nhớ, dễ thuộc.
Trong hồi ức của trạng thơ làng Chùa, từ những năm 80 của thế kỷ trước, cái đói, cái nghèo vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây. Nhưng người làng Chùa vẫn yêu thơ đến kỳ lạ. Cứ thứ 5 hàng tuần, làng lại tổ chức đêm thơ. Trong mỗi đêm thơ, những sự kiện thường nhật như: Chuyện hàng xóm mất gà, vợ chồng cãi nhau, mẹ mắng con... đều trở thành đề tài nóng bỏng để sáng tác và đọc cho nhau nghe.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Tế ngâm một bài thơ do ông sáng tác để phê bình vợ chồng hàng xóm đánh nhau. "Khuyên vợ thì khuyên bằng lời/ Can chồng chọn lẽ chọn lời mà can.../ Hay gì túm tóc xé nhau/ Trước là phạm pháp rồi sau nát nhà...". Cứ thế ông đọc cho chúng tôi nghe đến 10 bài thờ do ông sáng tác. Chính nhờ những bài thơ mang ý nghĩa phê phán, góp ý tế nhị của hàng xóm láng giềng nên những vấn đề nhỏ nhặt của cuộc sống trong ngôi làng này đều được giải quyết một cách êm ấm.
Không biết có phải nhờ thơ hay không mà người làng Chùa bây giờ không ai vướng vào tệ nạn xã hội nào. Ông Tế khẳng định: "Làng tôi có đến hơn 1000 khẩu nhưng không ai vướng vào các tệ nạn xã hội. Trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày mọi người luôn xưng hô nhã nhặn thanh lịch, ôn hòa. Trong thôn xóm, mọi người yêu thương đùm bọc bảo ban nhau làm ăn, sống vui vẻ, lãng mạn để quên đi cái mệt nhọc của công việc đồng áng".
Trinh Phúc - Dương Thu