Ngôn ngữ "cối xay"
Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 50km, người dân Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) luôn tự hào với nét trầm mặc thanh bình mà không phải miền quê nào cũng còn lưu giữ lại được...
Ông Nguyễn Văn Đoán.
Đến Đa Chất chúng tôi càng háo hức hơn với thứ tiếng nói lạ mà từ lâu đã là một món đặc sản của riêng vùng đất này. Hỏi thăm ông Nguyễn Văn Minh (SN 1956), bí thư chi bộ của thôn, chúng tôi được ông cho biết: "Ở làng có một thứ ngôn ngữ khác biệt với ngôn ngữ mà họ vẫn thường sử dụng hàng ngày. Thứ ngôn ngữ này cho đến bây giờ cả làng chỉ còn rất ít người biết sử dụng và hiểu được. Nếu người ngoài muốn nghe, đọc, hiểu thì phải được người bản địa phiên dịch".
Nói dứt lời, ông Minh chỉ cho chúng tôi đến gặp người đàn ông của kho ngôn ngữ lạ. Đó là ông Nguyễn Văn Đoán (SN 1939). Ông Đoán chào phóng viên bằng một nụ cười hồn hậu. Ông tự hào vì mình là người duy nhất còn đủ minh mẫn để nói trôi chảy thứ ngôn ngữ mà ông cho là đã có từ thời Âu Lạc ấy.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Đoán chia sẻ: Trước đây, tôi hay tìm đến nhà ông Hiệp (ông Lê Đình Hiệp, SN 1922 - PV) và ông Lê Văn Vượng, hai người bạn già từ thuở làng còn thịnh nghề đóng cối xay để được nói với nhau những thứ ngôn ngữ cu?a riêng mình. Một thời, ngôn ngữ ấy đã trở thành thứ tiếng nói thông dụng của người trong làng. Từ già đến trẻ, không phân biệt trai gái, người làm nghề hay không làm nghề, bất cứ ai cũng có thể nghe và hiểu người đối diện nói gì.
Bây giờ hai ông bạn già ấy cũng có phần kém minh mẫn hơn xưa nên nói chuyện với nhau cũng khó khăn lắm. Còn một mình tôi mà nói chuyện với những người không biết đến thứ ngôn ngữ này thì lại càng khó vì vừa nói lại vừa phải làm thông ngôn dịch nghĩa của từ. Nói theo kiểu giới thiệu thì câu từ bị ngắt quãng, khó hiểu, không có mạch nào cả.
Ông Đoán cho biết, làng Đa Chất vốn xưa có nghề đóng cối xay truyền từ đời này qua đời khác. Con cháu trong làng lớn lên đã biết đóng ra những chiếc cối xay phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho bà con ở khắp mọi miền tổ quốc. Vì đặc thù của nghề đóng cối xay mà người dân có những từ ngữ chỉ dùng trong hoạt động làng nghề. Dần dà, theo thói quen và thời gian, những ngôn ngữ ấy ngày càng được mã hóa nhiều hơn.
Sau này, chẳng ai bảo ai, cứ lớn lên là lũ trẻ hiểu được thứ ngôn ngữ ấy. Không có một sách vở nào ghi chép lại và có lẽ cũng chẳng có ai nghĩ đến việc ghi chép lại thứ ngôn ngữ này. Người dân ở khắp mọi nơi đến làng có thể ngạc nhiên nhưng với những thế hệ của ông Đoán, cái thứ tiếng ấy đi vào như cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Chầm chậm nâng chén trà nóng trên tay, ông Đoán dõi mắt nhìn ra phía cửa như nhìn về một miền ký ức xa xăm: "Tôi nhớ nhất ngày xưa, cái thời chúng tôi còn bươn chải khắp nơi với nghề đóng cối xay. Khi đó, đi đóng cối xay thường đi thành nhóm 2 - 3 người. Mỗi nhà chủ thuê đóng cối, chúng tôi thường phải ở lại khoảng 2 - 3 ngày mới ra những sản phẩm có chất lượng chuẩn, bền và đẹp. Cũng có khi gặp khách thuê đóng cối xay bán buôn, chúng tôi lưu lại cả tháng trời.
Trong thời gian ở với gia chủ, chúng tôi thường nói chuyện riêng với nhau bằng thứ ngôn ngữ làng truyền. Nhiều khi có bức xúc với gia chủ vì những việc không thuận lợi, cánh thợ Đa Chất cứ thoải mái nói với nhau mà không sợ bị chủ phàn nàn, ghét bỏ. Đó cũng là một cách để bỏ bớt áp lực công việc".
Độc đáo kho ngôn từ lạ
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe thứ ngôn ngữ lạ, ông Đoán đồng ý ngay. Ông nói cho chúng tôi nghe một tràng những câu, từ khá khó hiểu. Rồi ông cười sảng khoái: "Đấy, các cháu thấy chưa. Tôi mà nói như thế thì các cháu làm sao có thể hiểu được là đang nói gì. Thậm chí, đôi khi bực tức có thể tự trách than người đối diện với mình một vài câu mà không sợ họ mất lòng. Đấy là cái đặc biệt của ngôn ngữ độc quyền làng tôi đấy".
Nói xong, ông Đoán từ từ giải thích cho chúng tôi "nghĩa của từ" như người Việt Nam ta học tiếng Tây vậy. Ông bảo, muốn giao tiếp trôi chảy thì phải chịu khó nói nhiều, nói đi nói lại thành quen chứ bản thân người Đa Chất cũng không có sách vở nào ghi chép lại thứ ngôn ngữ ấy đâu. Ông cũng lấy ví dụ luôn như: "Thẩu" là ngủ, con cá gọi là "tới", mớ rau gọi là "giáp nhất", cái bát gọi là "gành", đũa gọi là "chèo", "thít" nghĩa là ăn, "thít mận" là uống nước, "thít ủng" là ăn cơm, "thít nhào" là ăn thịt, "xấn" là chỉ những hành động, việc làm nhanh. Khi muốn nói đợi một lúc nữa hoặc chậm một lúc nữa người làng Đa Chất dùng từ "nhát", từ "đào" để chỉ hành động đi chợ, "đồi ỏn" là chỉ những người thuộc hàng con cháu của mình...
Trong sinh hoạt hàng ngày của người Đa Chất hầu hết đều có tiếng lạ để thay cho tiếng phổ thông. Trời gọi là "xì thiên", nắng gọi là "trảng", máy móc là "sưỡng", nói là "tõi", những cái gì ít, nhỏ, bé thì gọi chung là "ỏn", "cháp" có nghĩa là bán, "cong" có nghĩa là đắt, "choáng" có nghĩa là đẹp, rất đẹp.
Theo ông Đoán, ngôn ngữ lạ của làng Đa Chất còn có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày để nói giảm, nói tránh một điều gì đó mà bản thân người nói cảm thấy ngại khi phải nói ra. Đang nói chuyện vui vẻ với chúng tôi, ông Đoán bất chợt nhìn chúng tôi và hỏi: "Đỏn ỏi thít nhé?". Chúng tôi còn đang ngây ngây vì chưa hiểu ông nói gì, ông đã quay sang vợ là bà Nguyễn Thị Tuyến và nói: "Đỏn ỏi thít nhát. Nhát bà đi đào ủng để hối thít nhé".
Nói xong, và khi bà Tuyến đã quay đi ra cửa rồi mà thấy chúng tôi vẫn còn ngây mặt chưa hiểu chuyện gì, ông Đoán cười phá lên: "Đấy, tôi đã nói từ đầu mà, nếu không dịch thì khó lòng người ngoài hiểu chúng tôi nói gì. Mặc dù chúng tôi nói chen lẫn cả những từ thông dụng. Tôi vừa hỏi các cháu ăn cơm ở đây nhé. Và thông báo với bà nhà tôi là đi ra chợ mua gà về làm cơm các cháu ăn".
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Ly, trưởng thôn Đa Chất cho biết: "Rõ ràng nếu so sánh ngôn ngữ phổ thông với ngôn ngữ của riêng làng tôi thì có nhiều điều rất đáng ngạc nhiên". Bà Ly ví dụ, người dân Đa Chất chúng tôi từ lâu vẫn truyền khẩu dùng từ "chóp bu" để chỉ những người cao tuổi nhất trong làng hoặc là người đứng đầu của dòng họ hoặc của một nhóm hội nào đó.
Bây giờ tôi thấy ngôn ngữ phổ thông cũng dùng từ này để chỉ một người đứng đầu trong một tổ chức. Hoặc như những từ "xấn xổ" cũng từ làng tôi mà ra chứ đâu. Nó chỉ hành động bạo lực của một người nào đó. Nếu mà kể thì tôi có thể kể đến tối cũng không hết được những từ ngữ "đóng thế" từ phổ thông mà chúng tôi sử dụng. Hầu như từ nào, ở hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng có thể có cách nói của riêng mình".
Ngôn ngữ Đa Chất sinh ra để giữ bí mật của làng Để tìm hiểu rõ hơn về ngôn ngữ làng Đa Chất, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Đức Nghiệu chuyên nghiên cứu, giảng dạy về Lí luận ngôn ngữ học - Dạy tiếng - Việt ngữ học (Từ vựng - ngữ nghĩa, Từ điển học, Lịch sử từ vựng). PGS. Nghiệu khẳng định: "Ngôn ngữ làng Đa Chất là một dạng biệt ngữ cộng đồng. Biệt ngữ cộng đồng thường tập hợp những từ ngữ được sử dụng với ý nghĩa riêng nhằm giữ bí mật trong một nhóm xã hội. Nhóm xã hội đó có thể phân theo nghề nghiệp, địa phương… Giới chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ coi đây là một loại "biệt ngữ" nghề nghiệp. Nói cách khác đây là tiếng nói của những người làm nghề đóng cối xay của sau đó được truyền cho cả những người trong làng không đi làm nghề này. |
Dương Thu - Phạm Hạnh