> Video độc quyền vụ khủng bố ở Mỹ do CTV báo Người đưa tin chuyển về trưa 16/4
Tôi viết về quê tôi đất Cảng
Viết bài viết này với tư cách một đứa con xa quê, một sinh viên trọ học. Có những điều có thể không thể bao quát hết cả, nhưng đây là những gì tôi đúc rút ra sau 2 năm có lẻ sống ở Thủ đô.
Tôi viết bài này không phải là để so sánh giữa hai miền đất, chỉ là tôi muốn có một cái nhìn "chân thực" hơn, để những người chỉ vừa mới đặt chân lên đất Hải Phòng dăm ba tháng không còn nặng nề về quê hương tôi, cũng như là người Hải Phòng về nơi tôi đang sinh sống.
Bài viết cũng chính là lời phản hồi tới anh Nguyễn Vương và bài viết đăng trên Nguoiduatin.vn ngày 15/04/2013.
Con người
Mỗi khi đi đâu, giới thiệu mình là đứa con đất Cảng, tôi đều nhận được câu nói: "Gái Hải Phòng đanh đá lắm". Tôi chỉ cười, vì đó là những gì "thiên hạ đồn thổi", hơn nữa, tôi cũng nghe nhiều rồi, cũng quen.
Thật ra, có sống ở Hải Phòng mới biết, con người Hải Phòng mộc mạc, chân chất lắm. Có lẽ, là vì hương vị biển đã ngấm sâu vào trong đời sống của họ nên họ thường ăn to nói lớn, tính tình nóng nảy. Bù lại, sống giữa họ, bạn sẽ hiểu thế nào là tình đoàn kết, đùm bọc khi gặp hoạn nạn.
Tôi lên Hà Nội, từng thấy, một bác bị ngã xe mà không ai giúp đỡ. Trong khi đó, ở Hải Phòng, tôi chỉ trượt tay lái đã có ba bốn anh đàn ông chạy ra đỡ giùm tôi cái xe.
Ở Hà Nội, gặp ăn xin không cho là chuyện... bình thường. Còn ở quê tôi, gặp những người hoạn nạn, mấy ai là không giúp một đồng? Chúng tôi cho rằng, đó là cách để sẻ chia. Còn chuyện lòng tin chúng tôi bị lừa dối, thì thôi, âu cũng là chuyện... không có gì. Nếu chúng ta cứ mãi đa nghi thì những mảnh đời éo le thật, bất hạnh thật sẽ chẳng có sự sẻ chia đâu.
> Đọc thêm: Sex Đồ Sơn: 'Thương hiệu' ngầm của du lịch Hải Phòng?
Giao thông
"Đọc những suy nghĩ về văn hóa của bạn mà tôi phát phì cười, bởi bạn cho tôi thấy bạn chính là nhân chứng sống cho tôi thấy được không phải cứ người đọc sách nhiều sẽ là người có văn hóa. Tôi thiết nghĩ, văn hóa là không bao giờ lấy cái tôi cá nhân để áp đặt lên văn hóa cộng đồng được bạn ạ. Vậy nên trước khi viết hay nhận xét về văn hóa thì bạn hãy nên xem lại văn hóa của chính mình". Jang Phan, Hải Phòng. Xem toàn bài. |
Cái buồn cười nhất ở giao thông Hải Phòng là, bạn có thể không đội mũ bảo hiểm nhưng chớ có dại dột không lắp gương và vượt đèn đỏ. Cũng có thể một phần là do công an Hải Phòng làm gắt hơn nên văn hóa giao thông của dân Hải Phòng cũng tốt hơn.
Còn ở Hà Nội, bạn có thể đội mũ và đi không gương, đèn đỏ bạn không vượt nhưng chỉ cần còn tầm 10s là toàn bộ người đằng sau đều bấm còi bim bim bắt người đứng trước phải... đi.
Tốc độ ở Hà Nội thì vô vàn, từ người đi rề rề chầm chậm sát lề đường cho đến những bác tài xế phóng bạt mạng. Nhất là taxi và xe bus thì tôi thường không xác định nổi phong cách lái xe của họ. Đường xá đông đúc, chật chội và thường thấy "bon chen" lấn làn để cố nhích dù chỉ 2-3cm.
Còn ở Hải Phòng, anh bạn tôi khi về đó đã sửng sốt khi toàn thành phố cùng nhau đi tốc độ... 20km/h, cả xe máy và xe đạp, thậm chí là... ôtô. Dải phân cách làm ở Hải Phòng thì đặc biệt mang ý nghĩa "cấm lại gần". Ở Hải Phòng 20 năm, tôi hiếm khi thấy ai lấn sang làn bên kia (dù đó là đoạn đường cho phép). Dân ở đây không vội vã, không cần vượt, chỉ thích đi sát lề đường và đặc biệt thích dàn hàng ngang ra để nói chuyện.
Ăn uống
Người Hải Phòng thích ăn mặn, thích để từng món đồ ăn riêng từng đĩa. Chúng tôi gọi đó là sự "xa hoa trong thực tế". Bởi, người dân ở đây quan niệm rằng, mâm cơm dùng chung những đĩa thức ăn thì mang tính cộng đồng cao hơn. (Thật ra, đây là quan niệm chung của người Việt Nam. Với những đĩa thức ăn chung, không chia suất giống người Mỹ, Nhật. Mọi người có thể tìm hiểu trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam của tác giả Trần Ngọc Thêm).
Ở Hải Phòng, món ăn bình dân thì chắc chắn giá sẽ bình dân. Những món như bánh đa cua, bánh mỳ cay,... ở Hải Phòng đều là những món ăn vỉa hè rẻ và dễ tìm. Còn ở Hà Nội, bạn có thể tìm thấy những cửa hàng bán đồ vỉa hè có... điều hòa và ghế salon(?!!). Tất nhiên, cái giá phải trả cho những món ăn bình dân đó không hề "bình dân" chút nào.
Văn hóa
Ở Hải Phòng ít cửa hàng sách, nhưng bù lại, cửa hàng nào cũng lớn và đa dạng về chủng loại sách. Hơn nữa, với những người ham đọc sách thì họ thường ít lựa chọn mua sách, mà thay vào đó, họ sẽ lên thư viện thành phố. Thư viện thành phố Hải Phòng rất lớn, nằm ngay trục đường chính, khá là thuận tiện. Việc làm thẻ thư viện thì vô cùng dễ. Chỉ cần nộp 1 ít tiền lệ phí và trình thẻ CMTND là bạn đã có thẻ thư viện để ngụp lặn trong kho sách khổng lồ.
Một điều nữa là về văn hóa bán hàng. Người Hải Phòng không vội nhưng nhanh. Họ ghét sự lề mề và hạch hỏi. Với người dân nơi đây, mua bán là một sự tin tưởng nhau. Nếu bạn thắc mắc nhiều, ăn chửi cũng là điều... dễ hiểu.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào văn hóa mua trước. Người mua ở đây thường tìm hiểu khá kỹ về thứ mình muốn mua, đọc hướng dẫn sử dụng ngoài bìa rồi mới hỏi những điều không biết. Một điều thường thấy ở Hà Nội là không cần biết trên bao bì viết gì, mọi điều vui lòng... hỏi người bán.
Hải Phòng là một mảnh đất "không quê cũng chẳng tỉnh". Con người Hải Phòng rất riêng và có những đặc trưng khiến cho nhiều người nghĩ không tốt về họ. Nhưng chúng tôi luôn xuề xòa và cho rằng, "Cứ để họ đến đây và họ sẽ hiểu tôi ra sao".
Phải chăng, đó là lý do khiến những người tỉnh khác về đây sinh sống lâu dài thường yêu mến mảnh đất này. Còn với những người chỉ kịp tạt ghé thăm, sẽ luôn nhớ về vùng đất với những con người chua ngoa?
Độc giả Nguyễn Phương