Kết luận kiểm tra Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ của Bộ Tư pháp cho thấy, một số nội dung quy định tại Thông tư này là không phù hợp.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã có xác nhận vụ việc này và cho biết sẽ tiến hành sửa Thông tư 58 cho phù hợp.
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với ĐB Phạm Văn Hòa (Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội) xung quanh vấn đề này.
-Liên quan đến một số nội dung sai sót của Thông tư 58 kể trên, ông có bình luận gì trước việc cơ quan chức năng ra văn bản quy phạm pháp luật khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng?
ĐB Phạm Văn Hòa: Tôi vừa đi tiếp xúc cử tri về. Đây là một trong những vấn đề được cử tri quan tâm và phản ánh. Họ phàn nàn với chúng tôi việc đổi giấy phép lái xe như vậy là quá rắc rối và khiến họ gặp nhiều phiền hà, tốn thời gian, công sức, nhất là việc phải thi lại lý thuyết. Trong khi đó, giấy phép lái xe chất liệu hiện hành hoàn toàn có thể sử dụng bình thường.
Tôi không biết lý do gì, cơ sở nào mà Bộ GTVT lại ban hành thông tư này. Nhưng qua thực tế phản ánh thì thấy rõ ràng là việc ban hành thông tư là không có cơ sở pháp lý.
Giấy phép lái xe của người dân đang sử dụng là không có thời hạn. Nếu đổi, tôi nghĩ cần căn cứ vào nhu cầu của người dân, không nên bắt buộc. Như thế vừa làm mất thời gian, tốn kém tiền bạc của cơ quan Nhà nước cũng như của người dân.
Cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại ban hành một văn bản không phù hợp và làm khó cho người dân như vậy. Cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT để ra văn bản đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và cần kiểm điểm nghiêm khắc, quy trách nhiệm rõ ràng.
Nếu ra một văn bản sai rồi chỉ sửa đổi, rút kinh nghiệm thì không thể làm gương cho những việc khác.
Trước khi ban hành văn bản phải nghiên cứu kỹ nhu cầu thực tế, có sự tham mưu của các cơ quan chức năng liên quan. Một văn bản đi vào thực tế mà gây bức xúc cho người dân thì rõ ràng là không được.
-Nhiều người cho rằng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai và chỉ xem xét rút kinh nghiệm là chưa được. Trả lời báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết "chưa xem xét trách nhiệm tham mưu với cá nhân, tổ chức". Ông có đồng tình với quan điểm này không?
ĐB Phạm Văn Hòa: Như thế rõ ràng là không được. Tôi cho rằng, bên cạnh việc cơ quan chủ trì soạn thảo phải kiểm điểm nghiêm túc thì Bộ GTVT phải công khai xin lỗi người dân để người dân thông cảm bỏ qua. Vì Bộ Tư pháp đã "tuýt còi" và những sai sót ở một số quy định tại Thông tư 58 đã quá rõ.
Việc công khai xin lỗi cũng là một văn hóa cần thiết. Cơ quan Nhà nước làm sai mà xin lỗi người dân cũng là bình thường.
Không thể lấp lửng rồi bỏ qua chuyện này, tạo hiệu ứng xấu khiến người dân nghi ngờ. Sau này cứ ban hành văn bản nào, người dân cũng sẽ lại dấy lên lo ngại liệu văn bản có "chết yểu" trong thực tế hay không.
Ra văn bản đúng, chuẩn cũng là một cách để người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
-Theo ông, việc quy trách nhiệm cho cá nhân với những vụ việc như thế này có gì khó khăn?
ĐB Phạm Văn Hòa: Tôi thấy không có gì là khó khăn. Trách nhiệm của mỗi người, mỗi bộ phận đã được quy định hết sức rõ ràng. Tìm người ký văn bản, cơ quan tham mưu là thuộc vụ, cục nào thì biết ngay.
Giữa bối cảnh toàn bộ hệ thống chính trị đang đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, phiền hà nhũng nhiễu người dân thì tôi nghĩ sẽ khó có chuyện cấp dưới bao che cho cấp trên trong câu chuyện này.
Nhà nước giao thẩm quyền cho cơ quan này đảm nhận những chức năng, nhiệm vụ thì khi thực thi cần thận trọng nghiên cứu thật kỹ trước khi ra văn bản và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Nếu không xử lý nghiêm sẽ mất uy tín cho Bộ GTVT. Do vậy, càng xử lý nghiêm vụ việc này thì sẽ càng khiến người dân tin tưởng. Việc xử lý đó, tôi thấy không có gì là khó khăn.
-Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu