Trước ý kiến của các trí thức Thủ đô cho rằng khi viết lại sách giáo khoa nên để các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh nhau qua chất lượng các bộ sách để Nhà nước khỏi tốn 70.000 tỷ đồng, GS Thuyết cho rằng con số 70.000 tỷ là không chính xác, vì tới 65.000 tỷ trong đó dự trù chi cho việc xây mới và cải tạo cơ sở vật chất của các trường, nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị dạy học; vả lại, dự kiến ấy bị bác từ lâu rồi.
GS Nguyễn Minh Thuyết.
Về việc biên soạn nhiều bộ SGK, GS Thuyết cho rằng ưu điểm của cách làm này là chất lượng sách giáo khoa sẽ tốt hơn bởi có sự cạnh tranh của các nhóm tác giả, các nhà xuất bản. Tuy nhiên vấn đề này liên quan đến những quy định của Luật Xuất bản.
GS phân tích: "Luật Xuất bản nước ta quy định tôn chỉ, mục đích của mỗi nhà xuất bản phải phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của cơ quan chủ quản nhà xuất bản. Chẳng hạn, Nhà xuất bản Nông nghiệp có cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà xuất bản này chỉ có nhiệm vụ làm sách phục vụ nông nghiệp. Tương tự, Nhà xuất bản Hội Nhà văn thì có nhiệm vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội Nhà văn v.v...
Chính vì vậy, các nhà xuất bản hiện nay chỉ có đội ngũ biên tập viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của họ. Để làm sách giáo khoa, nhà xuất bản phải có đủ số biên tập viên am hiểu các môn học, các cấp học, và phải thay đổi tôn chỉ, mục đích của mình. Thực hiện những việc này không hề đơn giản".
GS Thuyết cũng cho rằng giả sử có một số nhà xuất bản đáp ứng được yêu cầu này thì vấn đề đặt ra là việc chi tiền cho làm sách rất lớn, chi phí tập huấn giáo viên cũng không ít và đặc biệt là cách chọn sách sẽ không đơn giản.
Nếu giao cho một người (hiệu trưởng hay giám đốc sở) chọn sách thì khi người đó nghỉ, những người thay thế họ lại có quyền lựa chọn bộ sách khác. Giao cho một tập thể giáo viên hay hội đồng sư phạm bỏ phiếu chọn có thể tốt hơn, nhưng sau một thời gian và vì một lý do nào đó, họ cũng có thể chọn bộ khác. Trong cơ chế thị trường, các nhà xuất bản cũng có nhiều cách vận động lắm. Như vậy sách giáo khoa sẽ luôn ở trong tình trạng bị xáo trộn.
Tuy vậy, theo GS Thuyết, việc đổi mới chương trình, SGK và áp dụng nguyên tắc một chương trình, nhiều bộ sách là cần thiết. Ông nhấn mạnh: "Ở nhiều nước, cứ từ 7 đến 10 năm là chương trình, SGK phải thay đổi để phù hợp với sự tiến bộ của khoa học và cuộc sống. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là đổi mới phương pháp dạy học. Điều này còn quan trọng hơn đổi mới SGK. Bởi vì, với cùng một cuốn sách, hiệu quả giảng dạy của các thầy có thể khác hẳn nhau. Thầy giỏi, có phương pháp dạy hay thì sách có non một chút, học sinh cũng phát triển tốt.
Bằng chứng là trước đây, SGK thời Pháp thuộc không dạy yêu nước, chống thực dân nhưng rất nhiều thế hệ học trò vẫn học rất giỏi và hăng hái tham gia đấu tranh giành độc lập cho dân tộc..
"Từ khi đổi mới chương trình, SGK năm 2002 đến nay, chúng ta áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động trong dạy học, nhưng áp dụng không triệt để được vì cơ sở vật chất còn quá khó khăn. Mỗi lớp học có tới 50 - 60 học sinh thì giáo viên làm sao tổ chức hoạt động nhóm, làm sao theo sát từng học sinh được? Bởi vậy suốt từ khi áp dụng chương trình mới đến tận bây giờ, bàn ghế các lớp học vẫn kê như cũ. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta cần cải cách một cách đồng bộ từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực giáo viên...", GS Thuyết nhấn mạnh.
Cũng theo GS Thuyết, hiện nay, một số nhà xuất bản đã dịch SGK các môn toán và khoa học tự nhiên của các nước như Mỹ, Anh, Pháp. Chúng ta có thể xem xét, cân nhắc xem trong trường hợp nào cần viết sách riêng, trường hợp nào thì có thể sử dụng sách của nước ngoài (nếu chúng ta mua được bản quyền của họ). Đó cũng là một cách hay để nâng cao chất lượng giảng dạy và hội nhập quốc tế.
Dương Phạm