Chính vì thế, nơi đây là chốn mưu sinh của hàng ngàn người lao động không chỉ ở trong tỉnh Quảng Nam. Nhưng đây là nghề nặng nhọc, lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên cực chẳng đã người ta mới phải làm công nhân chẻ đá.
Anh Võ Văn Lân trên chiếc giàn giáo sơ sài
Nghề của sự vất vả...
Từ 6 giờ rưỡi, khu khai thác đá của mỏ đá Hương Mao (xã Quế Cường) đã nhộn nhịp bởi nhiều âm thanh hỗn tạp của vô số các loại máy móc lớn nhỏ, của tiếng cưa cắt, tiếng đục đập và tiếng í ới của những người gọi nhau trong nắng sớm… Dưới cái nắng hè oi ả, từng đám bụi đá trắng xóa quyện với khói xe và bụi đường từ những con đường vào các công trường đầy bụi đỏ bay mù mịt, càng làm cho không khí ở các xưởng đá thêm ngột ngạt, oi nồng và ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.
Gần một khu lán trại tạm bợ, mấy người đàn ông đang hì hục cùng nhau vần một tảng đá lớn vào lán cùng chẻ nhỏ để tránh cái nắng gay gắt chiếu xoáy trên đầu. Anh Đỗ Ngọc Thao với bàn tay trái tím bầm vì đá cứa rách, máu rịn đỏ qua lớp vải băng sơ sài, mồ hôi nhễ nhại, đang cố chẻ đôi phiến đá granit ốp tường. Anh vừa nói vừa thở phì phò: "Cực chẳng đã mới phải làm nghề này. Suốt ngày bầm dập cả chân tay mới kiếm được mấy chục ngàn đồng. khổ lắm!".
Để có được 12 ngàn đồng cho 2 tấm đá ốp tường kích cỡ 30 x 60 cm, dày 10 cm cần đến cả một quy trình kỹ thuật khá rắc rối và nghiêm ngặt. Để tách đôi phiến đá đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, cẩn trọng. Mạnh tay quá thì vỡ nát phiến đá mà nhẹ tay quá cũng không được. Anh Thao giảng giải: "Trước tiên phải đo kích cỡ, chia hai phần bằng nhau rồi đục một đường viền xung quanh, tìm thớ rồi thì cứ từ từ đục và tách đôi. Nói thì tưởng dễ nhưng không cẩn thận là hỏng hết". Ngồi nghỉ một lúc, anh lại cầm búa lên và tỉ mẩn gõ từng nhát cẩn trọng và chắc nịch vào tảng đá, để biến nó thành một sản phẩm đẹp mắt...
Những đồng tiền đẫm máu và nước mắt...
Chúng tôi tìm vào khu lán trại nhỏ ghép bằng những tấm ván, tấm phên tre hay chỉ bằng những tấm cạc tông cũ kỹ để che nắng. Anh Đào Văn Bình, 26 tuổi, tận miền Thanh Hóa đang ra sức quai chiếc búa nặng 6 kg xuống khối đá lớn chừng vài tấn. Mặc những giọt mồ hôi chảy thành từng dòng trên khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió, anh Bình kể: "Mới 17 tuổi, tôi đã theo người anh lớn đi làm phu chẻ đá ở vùng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), rồi phiêu bạt tới những ngọn núi đá vùng Quảng Bình, giờ dừng lại nơi đây. Những ngày đầu mới vào nghề, ngày nào toàn thân cũng mỏi nhừ, chân tay đau nhức, rát bỏng vì những vết phồng rộp. Làm lâu rồi cũng quen!". Anh cho biết ở các mỏ đá quanh đây, người từ miền Bắc vào, người từ miền trong ra cũng không phải là ít.
Chúng tôi ra các bãi đá đang chan chát những tiếng búa để tận mắt chứng kiến công việc cực nhọc và nguy hiểm của người phu chẻ đá. Anh Võ Văn Lân đang ra sức đục một tảng đá lớn. Nhìn người thanh niên đứng cheo leo trên một giàn giáo được thiết kế sơ sài bằng một vài thân cây gác lại với nhau, chúng tôi không khỏi giật mình vì quá nguy hiểm. Biết đâu khi khối đá tách ra, một vài tảng rơi vào chiếc giàn giáo kia hay lăn về phía người thanh niên ấy, hậu quả sẽ ra sao trong khi anh không có bất cứ phuơng tiện bảo hộ nào dù phía dưới kia là dốc núi sâu.
Anh Đào Văn Bình bên một khối đá lớn
Đợi anh xuống nghỉ tay, chúng tôi mới lân la hỏi chuyện. Anh Lân quê lưng chừng Đèo Le, thuộc xã Quế Lộc. Mới 25 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 10 năm cầm búa đi chẻ đá cho nhiều mỏ đá trong vùng.
Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, anh Lân tâm sự: "Những người thợ chẻ đá như chúng tôi đây phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm như đá lăn, đá lở, búa tụt cán, dăm đá bắn vào mặt mũi, mảnh vỡ của đầu chạm, đầu số bắn vào mắt... Đôi khi leo lên cao mà không có dụng cụ bảo hộ nghĩ cũng lạnh sống lưng. Nhưng đã làm nghề thì phải chấp nhận thôi!". Tai nạn nghề nghiệp đối với nghề đá là chuyện thường ngày ở công trường đá. Nhẹ thì bầm dập chân tay do bị búa đập phải. Nặng thì bị đá rơi nguy hiểm đến tính mạng, cứ sau mỗi trận mưa lại lo thon thót, chỉ sợ đá lở bất cứ lúc nào.
Dưới cái nắng hầm hập phả vào mặt, đầu tóc trắng xóa bụi đá nhưng những người thợ đá vắt hết sức mình cũng chỉ kiếm được từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn đồng/ngày. ôû vùng khai thác đá này, hầu như các chủ khai thác đều trả công cho thợ bằng cách khoán sản phẩm. Một viên đá đúng quy cách kích cỡ được bán với giá 3.500 đồng, trong khi công thợ chỉ được 2.500 đồng. Tính trung bình, người thợ đá nào dày dạn kinh nghiệm kiếm được từ 90 - 120 ngàn đồng/ngày, thợ phụ hoặc mới vào nghề kiếm được từ 40 - 55 ngàn đồng/ngày.
Trong khi chi phí đầu tư cho các loại dụng cụ lên tới hơn 4 triệu đồng mới dùng được, mà hầu hết đều phải đặt làm, còn dụng cụ mua ngoài chợ chỉ dùng được một lúc là bỏ đi. Anh Trần Đức Hải - Thợ chẻ đá lâu năm ở xã Quế Cường - cho biết: "Nếu làm đủ 6 ngày/tuần thì mỗi tháng anh có thể kiếm được từ 3,5 - 4,5 triệu đồng. Nhưng mỗi tháng phải sửa lại dụng cụ một lần, tốn gần triệu bạc, chưa tính đến chi phí ăn uống, thuốc men và vô vàn thứ khác nên tiền công cũng chẳng được là bao".
Anh Đào Văn Ngọc, anh trai của anh Bình, gần 20 năm làm thợ đá mà đến lúc giải nghệ về quê cũng chẳng tích cóp được chút vốn liếng nào. Anh Bình tâm sự: "Mỗi tháng, tôi phải cố gắng chi tiêu tằn tiện lắm để có tiền gửi về quê nuôi mẹ già và đứa con nhỏ. Mỗi khi nhà có công việc tôi lại phải xin chủ tạm ứng rồi làm trả nợ sau chứ ngoài quê chỉ có mấy sào ruộng biết trông nhờ vào đâu".
Hiểu sự nhọc nhằn của cái nghề này nên nhiều chủ cơ sở khai thác đá ở đây thường xuyên động viên anh em, nhiều lúc mua thêm chất tươi, tăng khẩu phần ăn cho mọi người để đảm bảo sức khỏe. Những khi có đơn hàng quá gấp họ cũng không dám nhận, bởi không thể ép những người thợ chẻ đá cực nhọc kia phải vắt kiệt sức mình trong cái nắng nghiệt ngã của miền Trung mùa này.
Cũng đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra tại những mỏ đá này bởi bất cẩn, bởi không có dụng cụ bảo hộ và cũng bởi tâm lý chủ quan của người làm đá và ý thức tự bảo vệ mình còn bị xem thường. Công việc quá cực nhọc nên họ thích mặc những trang phục thoải mái và tiện lợi nhất. Bên cạnh đó, chế độ với người lao động cũng không được đảm bảo bởi không nhiều người có thể theo đuổi được nghề chẻ đá lâu dài. Mỗi khi có tai nạn, hay người thợ bệnh tật, các chủ cơ sở có quan tâm nhưng vẫn chưa được nhiều. Chủ yếu vẫn là người thợ tự lo cho bản thân mình.
Những người thợ đá mà chúng tôi tiếp xúc ở cơ sở khai thác đá Hương Mao đều đã gắn bó với nghề nhiều năm. Họ lam lũ, vất vả với nghề ngoài mục đích mưu sinh còn với mong muốn có một việc làm ổn định lâu dài. Nghề đá thực sự đã đem lại cơm ăn, áo mặc và cả chuyện học hành cho con cái họ.
Nhiều người tâm sự, họ cũng tự hào rằng, các sản phẩm do họ làm ra hầu như có mặt trong các công trình xây dựng lớn, nhỏ khắp mọi miền đất nước, thậm chí là xuất khẩu ra nước ngoài... Và họ mong muốn được là một công nhân thực thụ, được hưởng các quyền lợi chính đáng của người lao động như được khám chữa bệnh, được tập huấn các kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động, được trang bị đồ bảo hộ lao động, được đào tạo nghề...
Bùi Hữu Cường