Sắc lệnh áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Triều Tiên được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ngày 16/10 là quyết định nhằm tuân thủ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về trừng phạt Triều Tiên.
Trong sắc lệnh và phần phụ lục dài gần 40 trang này có danh sách 11 công dân và 10 công ty Triều Tiên bị hạn chế vì liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, các vật liệu, công nghệ và sản phẩm bị cấm xuất khẩu tới Triều Tiên được liệt kê chi tiết. Các mặt hàng sang trọng như thảm thêu (trị giá hơn 500 USD) hay đồ sứ (hơn 100 USD) cũng bị chú ý kỹ.
Tổng thống Putin ra lệnh thêm rằng các tàu biển có liên hệ với chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ bị tước đăng ký tại Nga và cấm vào các cảng Nga (trừ trường hợp khẩn cấp). Bình Nhưỡng cũng không được sử dụng bất cứ tài sản nào ở Nga, trừ các cơ sở ngoại giao và lãnh sự.
Điều đặc biệt, sắc lệnh được ban hành giữa lúc phái đoàn Triều Tiên vừa đến St. Petersburg để tham gia khóa họp của Liên minh Nghị viện (IPU) và cuộc tập trận hải quân Mỹ-Hàn diễn ra ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Cuộc tập trận có quy mô lớn với sự xuất hiện của nhiều loại phương tiện tối tân như tàu sân bay USS Ronald Reagan, khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Stethem và USS Mustin, khu trục Sejong Đại đế, máy bay săn ngầm P-3 Orion hẳn khiến Bình Nhưỡng khó chịu.
Cùng thời điểm sắc lệnh của Nga được ký, Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra quyết định áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên, bao gồm cấm các hoạt động nhập khẩu, buôn bán hay vận chuyển xăng của Triều Tiên, cấm giao dịch dầu thô với Bình Nhưỡng.
Hôm 15/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định những nỗ lực ngoại giao sẽ tiếp tục cho đến khi quả bom đầu tiên Mỹ buộc phải thả xuống Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Triều Tiên đã bác bỏ đề xuất của Nga về việc tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với các đối tác Hàn Quốc tại St Petersburg, Nga.
Khi Nga tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên thì tại phiên họp của IPU, đại diện của Bình Nhưỡng đã miêu tả những biện pháp trừng phạt mà Washington nhằm vào Bình Nhưỡng là hành động “khủng bố cấp quốc gia”.
“Những biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên là nhằm chặn đứng hoàn toàn các hoạt động giao dịch thương mại của chúng tôi, bao gồm cả các giao dịch trong những lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân chúng tôi. Đó là chủ nghĩa khủng bố cấp quốc gia”, người đứng đầu phái đoàn của Triều Tiên gay gắt chỉ trích.
Nga lâu nay vẫn được biết đến là một trong số ít nước có mối quan hệ khá thân thiết với Triều Tiên. Nga cho rằng khả năng dùng các biện pháp gây áp lực tài chính lên Bình Nhưỡng đã cạn kiệt, mà tiếp tục hạn chế có thể chẳng khác gì âm mưu bóp chết kinh tế của nước này và gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Tổng thống Putin từng nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra một giải pháp chính trị, thay vì áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Tuy nhiên, mới đây, Nga đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên với vai trò là một quốc gia nằm trong khu vực đang leo thang căng thẳng.
“Quan điểm của Nga liên quan đến việc áp dụng nghị quyết này chủ yếu dựa trên lợi ích của Liên bang Nga bởi một thực tế rằng Nga nằm trong khu vực đang diễn ra các sự việc mà chúng tôi coi là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng do các hành động gây hấn của Triều Tiên”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từng chia sẻ.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng các lĩnh vực nằm trong sắc lệnh 40 trang mà Tổng thống Nga đã ký, đồng ý siết chặt với Triều Tiên, lại là các sản phẩm mà Nga- Triều Tiên đã từng hợp tác.
Và phản ứng mới nhất của Nga liên quan tới kiềm chế năng lực Triều Tiên được cho là cách Moscow lựa chọn phương án giải quyết mạnh tay. Một Triều Tiên bất ổn, khó lường ở ngay trước cửa nhà là viễn cảnh Moscow lo ngại.
Xem thêm >> Điều kiện Triều Tiên áp đặt với Mỹ để đổi lấy việc từ bỏ hạt nhân