Nhiều nhà phân tích phương Tây đánh giá chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ trước đến nay luôn thể hiện một sự "không khoan nhượng", đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Tuy nhiên trong bối cảnh có rất nhiều thay đổi về quyền lực trong quan hệ quốc tế hiện nay, như sự nổi lên của nhà lãnh đạo đầy cứng rắn ở Philippines; chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump - Bắc Kinh có thể sẽ thay đổi lập trường của mình trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.
Eric Hyer, giáo sư chính trị và là chuyên gia về các vấn đề châu Á tại Đại học Brigham Young cho rằng rất có thể dư luận sẽ được nhìn thấy một Trung Quốc mềm mỏng và dễ thỏa hiệp hơn trong thời gian tới - đối lập hoàn toàn với sự hung hăng thường thấy trước đây.
Dẫn chứng đầu tiên cho điều này đó là việc các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã lần đầu tiên cho phép ngư dân Philippines đánh bắt trở lại gần khu vực bãi cạn Scarborough - nơi mà nước này đã chiếm quyền kiểm soát từ năm 2012.
Một số phân tích gần đây cho thấy Bắc Kinh trên thực tế đã bắt đầu có sự thỏa hiệp trong các tranh chấp lãnh thổ để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Trung Quốc lại muốn làm dịu lại tình hình ở Biển Đông trong thời điểm hiện tại?
Điều gì khiến Trung Quốc thay đổi?
Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng trái phép một số đảo và đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988 và bắt đầu các hoạt động cải tạo, quân sự hóa gấp rút trên các lãnh thổ Biển Đông trong vài năm trở lại đây.
Bế tắc trong việc kiểm soát bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã thường xuyên đưa các tàu áp sát khu vực này để xua đuổi ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống của họ.
Giới quan sát lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp tục có các hành động cải tạo ở Scarborough, nơi chỉ cách căn cứ hải quân Subic 123 dặm về phía tây. Việc thiết lập căn cứ quân sự trên bãi cạn Scarborough sẽ mở rộng tầm nguy hiểm của Trung Quốc gần với Manila.
Nhưng sau đó cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế vào năm 2013. Phán quyết đưa ra ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã phân định Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Áp lực từ dư luận quốc tế đã khiến cho Trung Quốc không thể tiếp tục các hành động ngang ngược ở khu vực này.
Trong khi đó, phản ứng từ Washington về vấn đề Biển Đông đã được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 7/2010.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết: "Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ... tuy nhiên Mỹ đề nghị các hoạt động trên Biển Đông cũng như việc phân xử các tranh chấp cần dựa trên quy tắc, luật pháp quốc tế". Báo cáo của chính phủ Mỹ cũng bác bỏ yêu sách lãnh thổ "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc.
Chính sách của Mỹ ở Biển Đông sau đó đã được tăng cường thông qua việc hỗ trợ cho các đối tác và đồng minh của nước này ở Đông Nam Á vốn đang phải chịu những sức ép rất lớn từ Bắc Kinh.
Trong năm 2014, Manila đã ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường với Washington, trong đó hai bên đã bàn về sự quay lại của quân đội Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Philippines.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử cách đây ít ngày được coi là một yếu tố mới khiến Trung Quốc xem xét lại lập trường của mình.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng Trump sẽ không thách thức Trung Quốc về vấn đề hàng hải bởi ông quan tâm nhiều hơn đến hoạt động kinh tế, thương mại với cường quốc châu Á này.
Tuy nhiên, tở Washington Post nhận định, nếu tin vào dự cảm nói trên, đó sẽ là một sai lầm rất lớn cho Trung Quốc.
Cựu giám đốc CIA James Woolsey - người giờ đây là cố vấn cấp cao an ninh quốc gia cho ông Trump cho biết, Tổng thống tân cử dù sẽ thận trọng hơn trong việc đưa Mỹ mở rộng ảnh hưởng vào các khu vực trên thế giới, tuy nhiên Washington sẽ vẫn là "người giữ cán cân quyền lực ở Châu Á và có khả năng vẫn quyết tâm bảo vệ các đồng minh của mình chống lại sự lừa dối Trung Quốc".
Tìm kiếm bạn mới, thân thiện với láng giềng?
Giáo sư Eric Hyer cho rằng, với tình hình có nhiều thay đổi trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang muốn cân bằng lại chính mình để tìm một hướng đi hợp lý.
Mỹ bắt đầu chiến lược xoay trục châu Á vào năm 2012 thông qua việc tăng cường các liên minh quân sự và xây dựng quan hệ đối tác tại khu vực này.
Sau 4 năm, với việc "trục Mỹ" ngày một lớn mạnh khi liên kết được với rất nhiều nước đối đầu với yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh hiểu rằng đây là một mối đe dọa thực sự.
Điều này dẫn đến việc cường quốc châu Á phải tìm cách chuyển hướng từ gây hấn sang các giải pháp linh hoạt ngoại giao, trong đó có việc sẵn sàng đàm phán về các lãnh thổ tranh chấp.
Nếu hành vi trước đây của Bắc Kinh là một sự hung hãn, thì giờ đây Trung Quốc lựa chọn phương thức thỏa hiệp giống như một bước đi hiệu quả nhất để phục vụ cho các lợi ích chiến lược lớn hơn trong thời điểm hiện tại.
Ngay từ khi phán quyết PCA được đưa ra, Trung Quốc đã bị dồn vào bước đường cùng bởi sức ép từ Mỹ cùng các đồng minh châu Á và đặc biệt là từ dư luận quốc tế. Tuy nhiên với việc cứng rắn phản đối trước đó, Bắc Kinh đã tự đưa mình vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Nếu lấn tới, Trung Quốc sẽ vấp phải những phản ứng dữ dội, nhưng nếu lùi bước lại, cường quốc châu Á sẽ phải cảm thấy mất mặt.
May mắn đối với Trung Quốc, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại có những căng thẳng với Mỹ và tìm đến một sự gần gũi hơn với Bắc Kinh. Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Philippines đã có cuộc gặp đầu tiên để thảo luận về mối quan hệ hai nước. Bắc Kinh đã ngay lập tức giảm bớt đi những tranh chấp ở bãi cạn Scarborough như một cách để chiều lòng Manila.
Với việc hiểu được rằng, trong lúc phán quyết của tòa án quốc tế còn chưa bớt nóng, việc gây thêm xung đột ở Biển Đông là điều dại dột, Trung Quốc đã thể hiện một lập trường hòa dịu hơn khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "mối quan hệ Bắc Kinh-Manila đã chuyển sang một trang mới. Hai nước sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua tham vấn và tập trung vào hợp tác".
Bước đi của Bắc Kinh nói trên cũng được áp dụng với Malaysia - quốc gia láng giềng khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng giống như Philippines, Malaysia có quan hệ hợp tác hết sức khăng khít với Washington. Nước này đã nhiều lần cho tàu sân bay Mỹ cập cảng cũng như cho phép và cho phép máy bay trinh sát P-8 Poseidon sử dụng các căn cứ để tuần tra Biển Đông. Malaysia cũng có một thỏa thuận quốc phòng với Singapore, Úc, New Zealand và Vương quốc Anh.
Vào tháng 6/2016, Kuala Lumpur đã bày tỏ sự thất vọng của mình với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN vào thời điểm đó.
Khi quan hệ Mỹ với Malaysia xích mích bởi cáo buộc tham nhũng mới đây của Bộ Tư pháp Mỹ, Bắc Kinh đã tranh thủ nắm lấy cơ hội để cải thiện quan hệ song phương riêng của mình. Trong thời gian Thủ tướng Malaysia Najib Razak thăm Bắc Kinh, Trung Quốc đã đề nghị bán cho Malaysia các tàu tuần tra nhanh trên biển và tiến tới các hợp tác một cách toàn diện hơn.
Có thể thấy rằng ít nhất trong thời điểm hiện tại Trung Quốc đã lựa chọn cho mình một hướng đi giúp cho Biển Đông "sóng yên biển lặng". Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông sẽ được cắt giảm xuống mức tối đa.
Với một chính sách châu Á còn chưa rõ ràng từ chính quyền Tổng thống tân cử Donald Trump - động thái gần gũi với các quốc gia Đông Nam Á vốn có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp có thể là chiến lược "lùi một bước tiến ba bước" nhằm phục vụ cho những mưu đồ sau này của Trung Quốc.
Quốc Vinh