Theo SCMP, vào trung tuần tháng Ba, Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud, đã tới thăm Trung Quốc. Hai bên đã ký kết 14 thỏa thuận hợp tác, trong bối cảnh nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đang thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngay sau đó, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cũng đã dừng chân tại Bắc Kinh, nơi hai nước đã có nhiều hứa hẹn hợp tác trong tương lai gần.
Liên tiếp những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Đông tới Trung Quốc cho thấy, mức độ ảnh hưởng to lớn của Bắc Kinh tại khu vực này.
Theo SCMP, Saudi Arabia hiện là nguồn cung cấp năng lượng chính cho Trung Quốc. Còn “cỗ máy sáng tạo” Israel hỗ trợ đắc lực cho Bắc Kinh trong việc phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Israel là "quân bài" chủ chốt trong chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh. “Quốc gia khởi nghiệp” cũng là thành viên quan trọng trong Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Nhìn chung, cả Saudi Arabia, Israel đều là chìa khóa then chốt giúp Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế.
Xem thêm >>> Không thể 'xóa sổ' Obamacare, TT Trump sẽ đi nước cờ gì?
Song, cả hai quốc gia này đều là “vệ tinh” trong quỹ đạo của Mỹ. Trên phương diện an ninh chiến lược, Saudi Arabia phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí Mỹ, sự hiện diện quân sự của Washington ở vịnh Ba Tư đã củng cố quyền lực của “vương quốc giàu mỏ” tại khu vực này. Còn Israel, với vai trò thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Mỹ thường xuyên ngăn chặn các nghị quyết chống lại "quốc gia khởi nghiệp".
“Tuy nhiên, cả hai quốc gia đồng minh Trung Đông đang thất vọng về Mỹ. Họ có ấn tượng không tốt rằng, Washington dường như không thực sự hiểu về mối quan tâm của họ đối với các mối đe dọa hạt nhân từ Iran”, nhà nghiên cứu cao cấp của viện Nghiên cứu quốc gia đại học Tel Aviv, Oded Eran, bình luận.
Bên cạnh đó, chuyên gia này chỉ rõ sự phức tạp trong mối quan hệ giữa 2 quốc gia Trung Đông và Bắc Kinh. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn của Iran, mối đe dọa của Israel và Saudi Arabia. Gần đây, Mỹ cũng cáo buộc Bắc Kinh cung cấp công nghệ tên lửa cho Iran, hành động vi phạm lệnh cấm đối với Iran, Triều Tiên và Syria.
“Họ (Israel và Saudi Arabia) mong Mỹ sẽ thực hiện những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa với Iran. Nhưng điều này cũng không ngăn cản hai quốc gia này "gần gũi" với Trung Quốc”, ông Oded Eran nói.
Theo SCMP, Israel đã thực hiện một nước cờ rất “tỉnh táo” khi lường trước tương lai nếu tân Tổng thống Mỹ có các động thái cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề thương mại. Israel – Trung Quốc đã đàm phán một thỏa thuận thương mại khu vực tự do phòng trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thực sự nổ ra.
Ngoài phức tạp liên quan tới Iran, Trung Quốc và Israel cũng đối mặt với bất đồng trong vấn đề Palestine. Bắc Kinh liên tục bỏ phiếu chống lại Israel trong các cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc. Mặc dù giới quan sát lạc quan rằng, Trung Quốc sẽ trở thành “chuyên gia hòa giải”, kiến tạo hòa bình cho quan hệ Israel-Palestine, nhưng đây cũng là cản trở lớn nếu Tel Aviv muốn thân thiết hơn với Bắc Kinh.
Nhà ngoại giao Oded Eran thừa nhận rằng, dù có những lợi ích về kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Trung Đông, nhưng trên vấn đề chính trị, các nước này vẫn khó có thể tìm được tiếng nói chung.
Xem thêm >>> Mỹ: Triều Tiên tiếp tục thử động cơ tên lửa
Phương Anh