Việc kinh doanh phế liệu trong đô thị, khu dân cư tập trung đã bị UBND tỉnh Đồng Nai hạn chế từ năm 2005. Tuy nhiên, trong thực tế các điểm thu mua phế liệu vẫn mọc lên nhan nhản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Nhiều người dân phản ánh rằng, từ tuyến đường chính giữa trung tâm TP Biên Hòa đến các con đường nhỏ liên phường, xã và cả những con hẻm trong tổ dân phố… bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành điểm thu mua phế liệu. Phế liệu chất đầy nhà, tràn cả ra lề đường làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Phế liệu chen giữa hàng quán và khu dân cư
Đường Phạm Văn Khoai dẫn vào sân vận động Đồng Nai nằm trên địa bàn phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa chỉ dài chừng 500m nhưng có đến hai điểm thu mua phế liệu. Tại đây, vỉa hè bị các chủ vựa chiếm dụng làm nơi phân loại phế liệu, trong đó có cả rác thải công nghiệp trước khi đem bán, trông rất nhếch nhác.
Còn vựa phế liệu trên đường Trần Quốc Toản, phường Bình Đa, TP Biên Hòa rộng chỉ vài trăm mét vuông nhưng phế liệu chất cao thành núi, bao bì, nhựa, bọc nylon... ngổn ngang khắp nơi. Vựa này được xây tạm bợ, chủ yếu là thưng tôn, nằm lọt thỏm giữa nhiều quán sá và nhà dân. Chỉ đứng quan sát khoảng 10 phút nhưng chúng tôi cảm thấy nhức đầu, khó thở vì mùi hôi khó chịu bay ra từ đây.
Và theo thống kê của UBND TP Biên Hòa, hiện trên địa bàn TP có hơn 300 vựa phế liệu. Trong số này chỉ có vài chục điểm được cấp phép, còn lại đều hoạt động trái phép.
Nguyễn Nhâm