Bí quyết khiến gia súc lớn nhanh như thổi
Ngành chăn nuôi phát triển với số lượng gia súc, gia cầm tăng nhanh kéo theo ngành công nghiệp chế biến thức ăn gia tăng. Không chỉ những công ty liên doanh với nước ngoài, có nhà máy hiện đại đầu tư sản xuất lớn mà nhiều ông chủ nhỏ chỉ với cái máy nghiền, máy trộn cũng tham gia sản xuất thức ăn gia súc. Với những công ty lớn việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng đặt ra, tuy nhiên trong quá trình kiểm tra của các lực lượng chức năng, các cơ sở này vẫn còn nhiều sai phạm.
Đàn lợn nhà anh Tân được quay về nuôi theo kiểu truyền thống.
Chứng kiến những công ty, cơ sở sản xuất thức ăn gia súc theo kiểu thủ công đã khiến nhiều người phát hoảng. Nguyễn Văn Tân (Hải Hậu- Nam Định) vốn tốt nghiệp đại học Nông nghiệp chất chứa tham vọng làm giàu. Thấy cậu bạn làm trong công ty cổ phần CP sản xuất thức ăn chăn nuôi có lương cao vẫn tách ra lập công ty riêng tự sản xuất thu lợi nhuận lớn nên anh Tân cũng lao vào làm cám. Những công ty giám đốc kiêm luôn kế toán, kiêm cả công nhân… như của anh Tân trong lĩnh vực làm thức ăn chăn nuôi phát triển nở rộ. Sản phẩm của họ chất lượng không cao, nhưng giá rẻ hơn các công ty lớn, lại được đưa tận về vùng quê bán cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên vẫn tiêu thụ tốt. Theo anh Tân cho biết: "Để làm cám lợn tôi phải nhập khô đậu tương, bã cá và cho thêm những vi chất nữa bán theo giá thị trường hiện nay là 14 ngàn đồng/kg. Trừ mọi chi phí, 1kg tôi cũng có lãi 6.000 đồng. Vậy là mỗi tháng chỉ cần sản xuất vài tấn là cũng thu lãi kha khá rồi. Nhưng số tôi chưa phát. Vùng tôi bán cám, lợn của người nông dân nuôi bị dịch nên họ cứ nợ dài dài. Cuối cùng vốn cạn, tôi đành bỏ nghề".
Chẳng giấu giếm, anh Tân nói: "Muốn làm cám lãi thì phải bán được nhiều. Người nông dân thấy lợn nhanh lớn, giá cám rẻ là ưng ngay, vì thế phải có thủ thuật". Vì đã "giải nghệ" nên anh Tân vô tư tiết lộ: "Để lợn nhanh lớn thì nó phải ăn nhiều, tiêu hao năng lượng ít. Chính vì thế, những người làm cám đã cho hàm lượng thuốc B1, thuốc ngủ vừa đủ. Bên cạnh đó, để tạo sự lớn nhanh, lông thưa, da hồng mỡ màng, thịt lợn có màu đẹp, tôi cho hàm lượng đồng sun-phát. Loại chất này sẽ khiến cho lợn tích nước, tăng trọng ảo, lợn ăn vào ngủ ngáy như sấm, uống nước nhiều. Đây là thủ phạm khiến cho thịt lợn có mùi tanh nồng khi nấu và ngót nước nhiều. Thường thì những con lợn cơ thể còn dư lượng đồng sun-phát, khi nấu lên người tiêu dùng chỉ đổ đi chứ không thể ăn được vì mùi rất đặc trưng. Bên cạnh đó, để giảm chi phí đầu vào sản xuất cám, không ít nơi còn thu mua phân chim cút để nghiền ra trộn vào cám. Nếu trộn tỷ lệ phân chim cút nhiều, thịt lợn sẽ có mùi hôi. Bên cạnh đó, chất tạo thịt lợn siêu nạc được sử dụng như một cứu cánh để cách công ty nhỏ tăng sự cạnh tranh với cám của các "ông lớn".
Nguyên liệu cơ bản để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng vi chất cho thêm khó kiểm soát.
Người dân sợ thịt lợn nuôi công nghiệp
Nguy cơ bệnh tật khi ăn thịt lợn tồn dư kháng sinh Với nhóm chất kích thích tăng trọng lượng lợn còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, và có thể làm rối loạn giới tính đối với thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai. Đối với đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, giãn tĩnh mạch dịch hoàn, dung tích, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục, một trạng thái bệnh giống như đồng tính, hay các chứng bệnh về thần kinh, dễ chán nản, phiền muộn, hại tuyến yên, hại tuyến vú, suy yếu hệ thống kháng thể. |
Thường thì những công ty lớn, làm ăn uy tín họ có đội ngũ kỹ sư tạo ra công thức sản xuất nghiêm túc nhưng với những công ty "cò con" chỉ một công thức chế biến cho tất cả các giai đoạn tăng trưởng của vật nuôi. Chính vì lẽ đó mà dư lượng kháng sinh, thuốc tăng trưởng còn lại trong thịt ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Anh Tân cho biết, để tạo ra thịt lợn siêu nạc, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã cho vào cám chất Salbutamol và Clenbutarol. Loại này sẽ đốt cháy mỡ của lợn khiến thịt nạc nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thực tế, cục Thú y tại một số tỉnh phía Nam đã từng kiểm tra, giám sát về hoá chất tạo thịt siêu nạc cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu vật nuôi được lấy tại các trang trại chăn nuôi cho kết quả dương tính với nhóm -agonist, 26% mẫu thịt được lấy tại các lò mổ có chất cấm này. Đây là nỗi lo sức khoẻ của người tiêu dùng vì Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, việc sử dụng các loại -agonists bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Trong những chất thuộc nhóm agonists thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Trong các loại -agonist sử dụng trái phép trong chăn nuôi thì phổ biến hơn cả là Salbutamol.
PGS.TS. Dương Thanh Liêm (đại học Nông lâm) cho biết, các chất Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động tức thời với các triệu chứng ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Những chất này rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch.
Trước những thực tế đáng lo ngại về chất lượng thịt lợn nuôi bằng cám công nghiệp, nhiều người có điều kiện đã về quê thuê người nuôi lợn. Đơn giản, thịt lợn không thể thiếu trong bữa cơm của nhiều gia đình. Chính vì lẽ đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vì lợi nhuận không ít người chăn nuôi vẫn sử dụng chất cấm kéo theo các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (đặc biệt là những công ty nhỏ) vẫn đáp ứng nhu cầu. Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng phải kiểm tra nghiêm ngặt, nhất là đối với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo dạng thủ công.
Mai Nguyễn