Đột nhập lớp học đặc biệt của nữ võ sư Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

“Nhiều em không nhìn thấy được mặt cô, có em không nghe được thầy cô nói. Và bệnh tật làm cho trí não các em chỉ dừng lại ở một đứa trẻ lên ba. Thế nhưng tôi yêu thương các em ở niềm đam mê thể thao và sức vươn lên mãnh liệt ở những đứa trẻ không lành lặn.”

Đó là lời tâm tình của Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, người thầy của những trẻ thơ khuyết tật.

Võ sư Thanh Loan

Những võ sinh đặc biệt

Năm 1991, võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan Trưởng bộ môn Aikido (thuộc hội võ thuật Khiếm thị Tp HCM) về phụ trách bộ môn Aikido tại Trung tâm TDTT Hồ Xuân Hương (Q.3, Tp HCM). Trong suốt 20 năm, bà đã dành trọn trái tim của mình cho những đứa trẻ khuyết tật. Bà đặt cho lớp học một cái tên đúng như ý nghĩa của nó Thế giới là yêu thương. Thế giới ấy có đến hơn 100 đứa trẻ đang mang trong mình một phần khiếm khuyết của con người. Em bị khiếm thị, bị DOWN, bị câm, điếc... Tất cả hội tụ về Thế giới là yêu thương của võ sư Thanh Loan và chúng đều được cho đi và nhận lại một tình yêu thương chân thành.

Võ sư Thanh Loan kể: "Gần 50 năm gắn bó với võ thuật, dạy người bình thường đã khó nhưng dạy người khuyết tật lại càng khó gấp trăm ngàn lần. Hầu hết các em đều rất chậm và mau quên. Cô nói vừa dứt lời thì trò cũng quên ngay. Nhưng mình phải kiên trì, nhẫn nại. Dù sao đi nữa chúng cũng là những đứa trẻ sinh ra đã phải chịu nhiều thiệt thòi rồi. Gắn bó với các em nhiều, mình càng yêu thương chúng hơn và càng ngày mình càng phát hiện ra ở các em một sự khát khao vui chơi hòa nhập với cộng đồng. Không gì là không thể. Hãy gõ, cửa sẽ mở”.

Hiện nay võ sư Thanh Loan đang dạy thử nghiệm nhóm trẻ bị tự kỷ. Bà chưa dám chắc là sẽ thành công hay không nên chỉ dám nhận một vài em và phải yêu cầu phụ huynh đi cùng, theo dõi sát con họ. Võ sư Thanh Loan giải thích: Aikido (Hiệp khí đạo) có nguồn gốc từ Nhật Bản, được hình thành và phát triển bởi Morihei Ueshba hay người ta thường gọi là tổ sư O Sensei.

Aikido không tập trung sử dụng các đòn đấm hay đá mà dùng chính sức mạnh của đối phương để khống chế hay ném họ ra xa. Người tập môn võ này sẽ tìm kiếm được các kỹ thuật tự vệ hữu dụng. Sự khai mở tâm hồn, sự tăng cường về thể chất hay một tâm hồn thư thái, bình yên. Bà nhấn mạnh cái chính ở đây là Võ học của tình thương, lấy tình thương làm nền tảng. Tuyết đối không có thi đấu phân cấp.

Những đứa trẻ học võ ở đây là để rèn luyện sức khỏe, để trao dồi kiến thức và đặc biệt cho chúng hội nhập với cộng đồng. Bà kể có một học trò tên Nhật, bị hội chứng DOWN từ khi sinh ra. Mẹ mất sớm, ba đi làm tối ngày nên đã nhốt đứa con ở trong phòng suốt 4 năm trời. Thằng bé được ông nội dẫn tới lớp võ đường khi chân tay lúc nào cũng trong tư thế co quắp, rúm ró. Không đứng thẳng người lên được vì trong suốt 4 năm nó sống thu mình, co rúm trong phòng làm cho toàn thân tê liệt. Vậy mà chỉ trong vòng mấy tháng, bà đã huấn luyện và dạy cho Nhật biết tự đứng lên được. Các tư thế, hoạt động cơ thể nhanh nhẹn hẳn lên. Bây giờ cứ mỗi buổi lên lớp, Nhật lại chạy đến bên bà ôm chầm lấy rồi mới yên tâm về lại chỗ ngồi.

Thời gian đầu mới đảm nhận lớp học, võ sư Thanh Loan đã gặp phải không ít khó khăn. Hơn 100 học viên khuyết tật phải chia làm nhiều lớp với những buổi dạy khác nhau. Vì thấu hiểu được tâm hồn các em, sự thiếu thốn về tinh thần, niềm mong mỏi được sẻ chia giúp đỡ của các phụ huynh đưa con vào đây học nên bà Thanh Loan luôn đau đáu, trăn trở phải làm thế nào để cho các em có được một sức khỏe tốt cũng như một tinh thần thư thái hòa nhập với thế giới bên ngoài. Võ sư Thanh Loan một mình đảm nhiệm việc dạy cho các em khuyết tật, mặc dù bận trăm công nghìn việc. Vừa lo cho CLB được hoạt động thường xuyên vừa phải quán xuyến việc gia đình của một người vợ, người mẹ. Thế nhưng bà luôn dành một phần ưu ái đặc biệt cho những đứa trẻ bất hạnh trong Thế giới là yêu thương.

Mỗi tuần, bà lên lớp 3 buổi. Thường xuyên tiếp xúc với các em nên bà hiểu được tâm tính và suy nghĩ của chúng. Trường hợp em Thành bị hội chứng DOWN bẩm sinh. Mỗi khi rời sàn tập ra về, Thành bị chúng bạn chọc, Thành nổi giận đùng đùng, quay ra phản đối. Có lần cậu lấy đá ném bể kính nhà một đứa trẻ trêu chọc cậu. Võ sư Thanh Loan biết được đã nhẹ nhàng khuyên nhủ, dần dần Thành tiếp thu và làm theo. Chỉ trong thời gian ngắn, Thành không còn bị chúng bạn trêu đùa nữa.

Hằng ngày, được nhìn thấy những học trò khuyết tật của mình đi được những đường quyền, thực hiện được những màn nhào lộn, biết đấm, đá, biết phòng vệ, bà vui lắm. Võ sư Thanh Loan chia sẻ: Tôi thấy thật hạnh phúc và bất ngờ vì học trò của mình tiến bộ rõ rệt. Lúc đầu, tôi chỉ đưa ra mục tiêu là rèn luyện sức khỏe cho các em, giúp các em tìm thấy niềm vui trong cuộc sống là tôi vui lắm rồi.

Thế giới yêu thương

Không chỉ dạy võ, bà Thanh Loan còn dạy cho các em về lễ nghĩa, cách sống sao cho hòa hợp với đời. Phụ huynh của em Tất Thành, học viên lớp khuyết tật của Võ sư Thanh Loan kể cho tôi trong niềm vui khôn tả: "Từ khi đưa cháu vào học ở lớp cô Loan dạy, cháu tiến bộ lên rõ rệt. Cháu bị hội chứng DOWN phân liệt từ khi vừa sinh ra. Cháu luôn mặc cảm và sống khép mình với mọi người. Vậy mà chỉ trong vòng hơn một năm theo học ở đây, cháu được lên đai xanh hai vạch. Thầy cô định tăng đai cho cháu nhưng tôi bảo ở nhà cháu lười lắm, không chịu làm việc nhà giúp đỡ mẹ nên thầy cô lại hoãn lần sau để thử thách cháu”.

Các học viên lớp Aikido

Chị cho biết thêm: "Cô Loan rất tốt với học trò, cô dạy hoàn toàn miễn phí nhưng cánh phụ huynh chúng tôi bàn với nhau mỗi người góp một chút phụ cô chi phí sân tập, nước non cho các em.

Được biết, ngoài dạy võ miễn phí cho các trẻ em khuyết tật, võ sư Thanh Loan bỏ tiền túi ra đưa đón những em ở chùa Kỳ Quan hoặc các em ở các quận xa không có điều kiện tới võ đường học. Cùng với đó, bà thường xuyên tổ chức những buổi dã ngoại để các em có một cái nhìn thiết thực hơn với thế giới bên ngoài. Mang trong mình tinh thần võ sĩ đạo Aikido, lấy tình thương làm nền tảng, hiện nay nỗi lo lớn nhất của võ sư Thanh Loan là có một môi trường thật tốt để cho các em tập luyện và ngày càng nhiều những đứa trẻ khuyết tật được tiếp cận với môi trường bên ngoài, được học tập và vui chơi như những trẻ em bình thường.

Bà trăn trở: "Càng ở gần bọn trẻ, tôi càng phát hiện ra những điều tiềm ẩn trong con người chúng. Chỉ có điều, tôi là người dạy võ, tôi không có chuyên môn trong lĩnh vực y khoa. Giá như một ai đó có một công trình khoa học nghiên cứu về tâm sinh lý của những trẻ em khuyết tật thì biết đâu sẽ có một giải pháp mở cửa cuộc đời chúng.

Đam mê học võ từ nhỏ, năm 20 tuổi, Thanh Loan vinh dự trở thành một trong hai phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đạt tới đẳng Shodan (tức huyền đai quốc tế Aikikai). Bà bộc bạch: "Tôi có một tình yêu đặc biệt với những trẻ em nơi đây. Tôi sẽ tiếp tục công việc này vì bên cạnh tôi luôn có chồng và các con ủng hộ hết mình. Tôi có một niềm tin mãnh liệt ở những học trò của mình. Cho dù chúng là những đứa trẻ khuyết tật.

Hoa Nguyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.