Tuy vậy, trước sự thật Hoa hậu Hàn Quốc 2012 đã từng phẫu thuật thẩm mỹ để từ một cô gái với khuôn mặt quá đỗi bình thường trở thành một mỹ nhân, dư luận nước này đã lên tiếng. Tranh luận vẫn chưa có hồi kết, nhưng có lẽ quy định trong các cuộc thi nhan sắc cũng cần phải xem lại để chúng không biến thành cuộc thi tay nghề của các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ.
Bài viết là tập hợp những câu chuyện và cảm nhận của phóng viên CNN Violet Kim khi tìm hiểu về ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc.
Hoa hậu Hàn Quốc 2012 Kim Yu Mi trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ
Dịch vụ "một cửa"
Khi tôi bước vào Phòng khám JK ở "vành đai sắc đẹp" của Seoul, khu vực tọa lạc của những phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ của khu vực Gangnam, một nhân viên lễ tân xinh đẹp chào đón tôi. Tôi không thể không nhìn vào ngoại hình xinh đẹp như búp bê của cô ấy và tự hỏi liệu cô ấy đã từng đụng đến dao kéo hay chưa. Theo một bài viết trên tờ The Economist Online, một cuộc khảo sát cho thấy 20% phụ nữ Hàn Quốc đã từng phẫu thuật thẩm mỹ. Trở lại căn phòng được bài trí trang trọng ở phòng khám JK, tôi được nói chuyện với Lucy - một nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục 27 tuổi tới từ Bắc Kinh. Chúng tôi trò chuyện với nhau thông qua một người phiên dịch của bệnh viện.
Được biết, Lucy tới đây để chỉnh sửa khuôn mặt nhưng cô ấy chưa chắc chắn về việc sẽ chỉnh sửa bộ phận nào. "Đôi mắt hay có thể là một số bộ phận khác" - cô nói. Nhưng tại sao lại là Hàn Quốc? "Ở Trung Quốc, chúng tôi cũng có bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng Hàn Quốc nổi tiếng là có những nơi tốt nhất". "Tôi thấy bạn bè tới Hàn Quốc phẫu thuật và họ trở nên xinh đẹp hơn. Tôi cũng muốn được như vậy", Lucy trả lời.
Trong khi quan điểm về phẫu thuật thẩm mỹ còn đang gây nhiều tranh cãi, thì ngành công nghiệp du lịch y tế của nước này đang háo hức chào đón khách quốc tế bằng những bệnh viện kiêm khách sạn đầy đủ tiện nghi hay dịch vụ hỗ trợ phiên dịch 24/24. Bệnh nhân người nước ngoài của phòng khám JK chiếm khoảng 40-50% tổng số bệnh nhân. Trong số đó, người Trung Quốc chiếm khoảng 70%. Những khách sạn như Ritz-Carlton Seoul đã hợp tác với các bệnh viện, spa vào tháng 12 năm 2011 và đưa ra "gói chống lão hóa" với giá 88.000 USD. Ngoài các phương pháp trị liệu spa thông thường như chăm sóc da, kiểm tra sức khỏe, gói làm đẹp này còn bao gồm trị liệu tế bào gốc và phẫu thuật thẩm mỹ.
Không kém cạnh, Trung tâm Y tế Sun ở Daejeon, một bệnh viện đa khoa có phòng cấp cứu và cấp cứu hồi sức, đang có "dịch vụ một cửa", nghĩa là họ chuyển bệnh nhân quốc tế trực tiếp từ sân bay quốc tế Incheon thẳng tới bệnh viện bằng tàu tốc hành. Vẫn là những bức tường trắng nhưng các phòng hồi sức có "view" đẹp, giống như những dãy phòng khách sạn vui vẻ, chứ không phải là nơi của những người bệnh tật ốm yếu.
Điểm chung là cả JK và Sun đều thuê phiên dịch viên tiếng Trung để hỗ trợ các bệnh nhân người Trung Quốc. Trong số 672 bệnh nhân ở Trung tâm Sun trong nửa đầu năm 2012, có 221 bệnh nhân là người Trung Quốc. Sun có đội ngũ nhân viên không chỉ nói được tiếng Trung, mà còn thành thạo tiếng Nga, Mông Cổ. Họ làm việc 24/24 để phiên dịch và trả lời các câu hỏi của khách hàng. "Chúng tôi quan niệm thuê nhân viên người Trung Quốc hơn là thuê người Hàn Quốc biết tiếng Trung. Không phải chỉ là vấn đề giao tiếp, mà là việc giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn" - bác sĩ Joo Kwon, giám đốc phòng khám JK cho hay.
Người Hàn Quốc ít coi trọng vẻ đẹp tự nhiên
Xu hướng bệnh nhân quốc tế đổ về Hàn Quốc mới chỉ xuất hiện vài năm gần đây, bắt đầu từ năm 2009, khi Bộ trưởng Y tế nước này lần đầu tiên chính thức cho phép các bệnh viện địa phương tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài. Người trong cuộc tin rằng hiện tượng này là do thực tế ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đang nằm trong số những quốc gia tốt nhất thế giới.
Theo ông Kwon Seung-taik, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện ĐH Quốc gia Seoul thì không có gì ngạc nhiên khi các bác sĩ Hàn Quốc giỏi về phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ Kwon đưa ra một số lý do như sau. Đầu tiên là nhờ tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc là khá cao, xuất phát từ thực tế người Hàn Quốc có một thái độ đặc biệt đối với cái đẹp. Với người Hàn Quốc, sắc đẹp là một thứ có thể đạt được nhờ làm việc chăm chỉ, cũng giống như những thứ khác. "Nó không phải chỉ là mong muốn. Tôi thích sử dụng từ “thách thức”. Người Hàn Quốc xem việc phẫu thuật thẩm mỹ và trở nên xinh đẹp như một thách thức". Theo bác sĩ Kwon, người Hàn Quốc ít coi trọng vẻ đẹp tự nhiên. Họ coi sắc đẹp là thứ đáng ghen tị nhưng là thứ có thể đạt được. "Nó giống như quan điểm "Nếu bạn xinh đẹp thì tôi cũng có thể" - ông giải thích.
Ngoài ra, nguyên do không kém phần quan trọng khiến Hàn Quốc trở thành lựa chọn lý tưởng của những người muốn phẫu thuật thẩm mỹ, đơn giản là vì chi phí phẫu thuật ở đây thật muôn hình vạn trạng. "Trung bình, phương pháp căng da mặt ở Mỹ tiêu tốn khoảng 10.000 USD. Nhưng ở Hàn Quốc, bạn có thể sử dụng dịch vụ này với giá 2.000- 3.000 USD".
Một số người thì cho rằng nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc tới người châu Á - những người muốn giống các diễn viên Hàn Quốc Han Ye-sul hay Kim Tae-hee. "Kim Tae-hee là một trong số những mẫu khuôn mặt được nhiều bệnh nhân yêu cầu phẫu thuật nhất" - bác sĩ Kwon tiết lộ.
Trong khi các nhà phê bình cho rằng người Hàn Quốc đang lấy cái đẹp của người phương Tây làm chuẩn mực thì cả bác sĩ Kwon và giám đốc Joo đều không đồng ý. Họ cho rằng những chuẩn mực về cái đẹp đều thống nhất ở mọi nơi. "Có 2 bức thư tình được viết cách đây 5.000 năm, một bức tới từ Trung Quốc, một bức tới từ Hy Lạp đều miêu tả người yêu của họ là những cô gái xinh đẹp với chiếc mũi thẳng và đôi mắt to" - bác sĩ Kwon đưa bằng chứng. "Chúng tôi có những bệnh nhân phương Tây tới đây để cắt gọt cho mũi của họ nhỏ hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc họ muốn giống người châu Á sao?". Giám đốc Joo cũng không đồng tình khi nói ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đang khiến những khuôn mặt châu Á trông "tây" hơn. "Tôi không nghĩ vậy. Đôi khi, một bác sĩ nước ngoài lại cho rằng người Hàn Quốc có xu hướng phẫu thuật cằm quá mỏng. Họ nghĩ rằng như thế trông rất kỳ cục".
Quay trở lại phòng khám JK, tôi đề nghị bác sĩ Joo đánh giá khuôn mặt mình. "- Đó không phải là cách mà một quá trình phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu" - ông nói. Trước tiên, ông muốn biết tôi muốn một vẻ đẹp như thế nào - ngây thơ hay chín chắn? Quan trọng là ở tôi. "Làm thế nào để tôi trông giống như diễn viên Shin Min-a?" - tôi hỏi. Ông nói vắn tắt cho tôi nghe, một cách chuyên nghiệp và bình thản: Đắp chất béo lên trán tôi, thu hẹp chóp mũi một chút và làm xương gò má cao hơn. Họ cũng cần chỉnh sửa đôi mắt. Có nhiều kiểu phẫu thuật mắt 2 mí. Tôi vô cùng ấn tượng. "- Tất cả điều đó đều có thể làm được chứ?". "Hoàn toàn có thể" - ông trả lời một cách thích thú.
Đánh bại 53 thí sinh khác trong vòng chung kết, cô gái Kim Yu Mi, 22 tuổi giành ngôi vị Hoa hậu Hàn Quốc 2012. Niềm vui chưa kịp lắng thì tân Hoa hậu đã khiến dư luận nước này náo động ngay sau khi những bức hình trước khi phẫu thuật thẩm mỹ của cô được tiết lộ. Người dân Hàn Quốc hoàn toàn bị "sốc" khi dung nhan của tân hoa hậu thời đi học quá đỗi bình thường. Đặc biệt hơn, Kim lên tiếng thừa nhận mình đã từng phẫu thuật thẩm mỹ "đôi chút". Cô cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Tôi chưa từng nói sắc đẹp của tôi là vẻ đẹp tự nhiên và cũng không có ý định giấu diếm sự thật đó". Một số người rộng lượng đánh giá cao hành động này nhưng hầu hết mọi người đều không hài lòng với Hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ. Những phản ứng tiêu cực từ phía người dân đặt ra câu hỏi liệu có nên xem xét lại những quy định của cuộc thi Hoa hậu. Trong khi vấn đề này vẫn đang được tranh luận sôi nổi thì Hoa hậu Kim đã được chọn là người sẽ đại diện cho Hàn Quốc trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013. Cô gái có khả năng chơi piano này hi vọng sẽ để lại ấn tượng với mọi người bằng vẻ đẹp bên trong chứ không phải chỉ bằng nhan sắc bề ngoài. |
> Đọc thêm: Cuộc đời cay đắng của diễn viên Việt Trinh
Thanh Xuân - Nguyễn Thảo