Theo đó, sau 8 năm triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà – Hà Tĩnh), những người dân địa phương đang phải gánh chịu những hệ lụy nặng nề từ việc dự án này bị “đắp chiếu”.
Có mặt tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tái sinh dự án này, người dân nơi đây ai cũng lắc đầu ngao ngán.
Chỉ tay về phía cánh đồng trước mặt, ông Nguyễn Văn Quảng (70 tuổi), trú thôn Tân Phúc, xã Thạch Khê cho biết, trước đây, toàn bộ cánh đồng này đều được trồng lúa và hoa màu, quanh năm xanh tốt. Thế nhưng, từ khi triển khai dự án, vùng này trở thành vùng đất 'chết': Đồng ruộng cạn khô, nguồn nước sinh hoạt không có, cây màu không thể sống do mạch nước ngầm cạn kiệt. Những hậu quả đó, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và kinh tế của những người dân nơi đây.
“Trước đây, dân vùng này chủ yếu sống nhờ vào trồng trọt. Những sản phẩm hoa màu của chúng tôi đủ cung cấp cho cả thành phố Hà Tĩnh. Thu nhập bình quân từ trồng trọt đạt 20 triệu đồng/mùa vụ, đời sống kinh tế bà con khá ổn định. Thế nhưng, sau khi triển khai dự án, toàn bộ mạch nước ngầm cạn kiệt, nên cây lúa và hoa màu không thể sống được. Cứ trồng là lại chết héo, ruộng đồng thì khô cằn. Dân chúng tôi khốn đốn bám trụ gần chục năm nay vì ở không được đi cũng chẳng xong”, bà Nguyễn Thị Hà (46 tuổi), trú thôn 9, xã Thạch Khê buồn rầu chia sẻ.
“Chúng tôi chỉ mong dự án này dừng lại, san lấp lại mặt bằng để khôi phục mạch nước ngầm. Chỉ có như thế, vùng đất này mới có thể hồi sinh trở lại”, ông Dương Văn Thục (71 tuổi), trú thôn 9, xã Thạch Khê bày tỏ quan điểm.
Theo ghi nhân, toàn bộ nguồn nước tại vùng đất nằm trong quy hoạch dự án mỏ sắt Thạch Khê đang bị ô nhiễm trầm trọng, các cánh đồng khô cằn, chỉ còn trơ lại cát. Để có nước sinh hoạt, bà con phải khoan từ 2- 3 chiếc giếng với độ sâu hàng chục mét.
Nhìn khung cảnh nơi đây, khiến chúng tôi liên tưởng như đang đi giữa hoang mạc chứ không phải trên một vùng đất giáp ranh với trung tâm thành phố Hà Tĩnh.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Việt Hà – Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất triển khai xây dựng các công trình hạ tầng cho bà con nhân dân. Quan điểm của chính quyền địa phương là dù dự án có làm hay không cũng phải xây dựng để ổn định đời sống cho bà con. Phải cho bà con tiếp tục sản xuất, khu vực nào chưa đền bù, vẫn nên để người dân canh tác".
Trước đó, vào chiều 16/12, tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiên Dũng với lãnh đạo cốt cán tỉnh Hà Tĩnh bàn về các vấn vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Hà Tĩnh triển khai trong năm 2016, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã nêu ý kiến nên hay không khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê, trong khi còn quá nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, việc tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê trong bối cảnh địa phương vừa trải qua sự cố môi trường biển là không phù hợp.
“Bây giờ Trung ương và tỉnh đang gồng mình khắc phục sự cố môi trường biển với nhiều khó khăn như vậy, nênviệc triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê lúc này cần phải hết sức bình tĩnh, không thể nóng vội được”, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), cổ đông giữ quyền chi phối đối với Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Thạch Hà – Hà Tĩnh). Trước đề xuất này, ngày 22/12/2016, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã phát đi bản thông cáo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này. Văn bản chỉ rõ những yếu kém của nhà đầu tư về vấn đề huy động nguồn vốn, vị trí khai thác mỏ sát biển; Các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường (tụt mực sa mạc hóa, hang caster, phòng chống bão, siêu bão, lũ, đổ thải lấn biển, bãi thải trên bờ, xử lí nước thải, chất thải, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác) còn quá sơ sài, đơn giản… Trước quá nhiều tồn tại chưa được giải quyết, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kiến nghị Trung ương chưa cho phép khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê. |
Ngân Hà – Thúy Nga