Đã có 38 chuyến bay bị hủy; hàng trăm phương tiện tàu thuyền; hàng ngàn cán bộ chiến sỹ công an, quân đội, bộ đội biên phòng... được huy động; hơn 271.000 người dân tại Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phải di dời khỏi nơi nguy hiểm trước chiều 30/7/2011. Nhưng cuối cùng, bão số 3 đã tan mà không vào đất liền.
Hôm qua, trẻ em huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) vẫn đùa vui trước biển. "Bão" là từ của cơ quan khí tượng.
Chính quyền chạy theo dự báo
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, vào lúc trưa, chiều 30/7, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh (sau này đổi lại là từ Thái Bình đến Hà Tĩnh) với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10, 11, 12 và giật cấp 13; kèm theo đó là mưa lớn, mưa to, có nơi mưa rất to và có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy...
Ngay từ chiều 29/7, đoàn công tác của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có mặt kiểm tra, đôn đốc tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng đã triển khai việc cấm biển từ sáng 30/7.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn đã khẳng định một lần nữa tại cuộc họp khẩn của Ủy ban Quốc gia TKCN. Bản tin bão khẩn trong ngày 30/7 cũng nhận định, mưa sẽ gây một đợt lũ quét lớn trên các sông suối ở các tỉnh Bắc Trung bộ, không loại trừ lũ lịch sử và khu vực Bắc bộ cũng dự kiến xuất hiện một đợt lũ nhỏ và vừa.
Đến 18h ngày 30/7, Vietnam Airlines cho biết, đã có tổng cộng 38 chuyến bay của hãng phải bị hủy do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Trong đó, có 8 chuyến bay đến/đi từ Hải Phòng, 10 chuyến bay đến/đi từ Đà Lạt, 8 chuyến bay đến/đi từ Vinh, 4 chuyến bay quốc tế...
Cùng thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh đã di dời cơ bản xong gần 5.000 hộ dân (với gần 18.000 người) dọc tuyến biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc…
Tại Hà Tĩnh, chính quyền 3 huyện ven cửa biển là Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên tổ chức sơ tán khẩn cấp được hơn 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.
Trước tin báo khẩn như vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã chỉ đạo di dời toàn bộ người dân từ ngoài đê vào bên trong đê tránh bão lũ.
Theo số liệu thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 12.634 hộ dân với 61.100 người trong phạm vi 200m và 17.168 hộ với 72.523 người trong phạm vi từ 200 - 500 phải sơ tán. Từ lúc 11h sáng 30/7, các địa phương đã tiến hành tổ chức sơ tán dân trong phạm vi 200m tính theo mép nước tại 13 xã với số lượng 6.239 hộ với 32.506 người.
Về phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các địa phương đã huy động một tàu công suất 74CV, 101 ca nô, xuồng máy; 188 ô tô tải; 219 ô tô beng; 60 máy xúc; 5 cần cẩu, 233 nhà bạt…
Tính đến 12h cùng ngày, theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, 271.404 người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 gồm: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã được di dời.
Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), mưa to nhưng "bão" là chuyện "thổi nấu" của cơ quan khí tượng.
Người dân chờ... bão
Suốt ngày 30/7, nhóm phóng viên chúng tôi được giao nhiệm vụ thường trực tại các địa phương bị ảnh hưởng để cập nhập thông tin. Đến 18h (khi phóng viên có mặt tại Cửa Lò), tại khu vực biển Cửa Lò vẫn bình thường, sức gió dao động từ cấp 2 đến cấp 3.
Đến cuối ngày, tại TP Vinh, chị Phùng Thị Nga ở phường Nghi Thu (Cửa Lò) cho biết qua điện thoại: “Không biết là có bão hay không nhưng cho đến thời điểm này (22h đêm 30/7 – PV), ở Cửa Lò gió rất nhẹ, mưa rả rích thôi”. Thậm chí, tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi được đánh giá là tâm bão cũng chỉ có gió mạnh đến cấp 4, cấp 5. Nhiều người dân tại Quỳnh Lưu cũng không biết là bão đã vào hay chưa. Có những vùng đến 21h đêm (bão đã tan thành áp thấp), người dân vẫn đang thu dọn đồ để di dời... tránh bão.
Sáng ngày 31/7, các phóng viên đã liên hệ với các Trạm Khí tượng đóng tại địa phương thì được biết: Đêm qua 30/7, các khu vực được xem là tâm bão cơ bản đã hết mưa, chỉ còn một vài điểm có lượng mưa nhỏ dưới 10mm. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh mưa giảm và từ 4h sáng trở đi đã hết mưa; lượng mưa từ 19 giờ ngày 30/7 đến 1h ngày 31/7 phổ biến từ 10 - 30mm, một số điểm mưa lớn hơn như: Đô Lương (là 70mm), Dừa (33mm), Cửa Hội (38mm) tại Nghệ An và Sơn Diệm (32mm), Cẩm Nhượng (33mm) tại Hà Tĩnh.
Với lượng mưa nhỏ giọt như vậy, cho thấy thực tế hoàn toàn trái ngược với thông báo trước đó của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia.
Ông Vũ Đặng Quyền, phó chủ tịch HĐND xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: “Sau khi nhận được công điện khẩn của chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo xã đã cử đoàn cán bộ đến tận cơ sở để đôn đốc chỉ đạo, tiến hành cho tàu thuyền cập cảng và di dời một số hộ dân ven biển vào nơi trú ẩn an toàn. Xã Diễn Ngọc có khoảng hơn 400 tàu thuyền nên cảng Lạch Vạn của xã không đủ để trú ẩn, chúng tôi đã phải cho một số tàu thuyền cập tại bến của xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Kỷ... Kinh phí vận chuyển, di dời tàu thuyền đều do người dân tự túc, không có kinh phí hỗ trợ.
Được biết, chi phí cho việc di dời một chiếc thuyền vào nơi an toàn có thể hơn 1 triệu đồng (gồm tiền dầu, tiền thuê công nhân…).
Anh Đậu Trọng Đạt, trú tại xóm Yên Quang (xã Diễn Ngọc) bức xúc: “Nhận được thông báo của cấp trên, toàn bộ anh em tại cảng Lạch Vạn đã khẩn trương di dời tàu thuyền, đồ đạc. Từ sáng 30/7 đến sáng 31/7 mới di dời xong. Thế nhưng, khi di dời xong thì chúng tôi nhận được tin là bão tan, làm mất bao nhiều công lao và tiền của. Chẳng hiểu họ dự báo kiểu gì ma hay thế”. (Còn nữa).
Kỳ 2: Người miền Trung biết không có bão!
Xuân Hồng