Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 12/2013, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng và Quốc hội, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân từng thành viên Chính phủ trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2013 là sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, công tác chỉ đạo, điều hành còn có mặt hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong công tác xây dựng thể chế và thực hiện chương trình công tác.
Các hạn chế cũng tồn tại ở tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công vụ, công chức, cải cách hành chính; kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với thanh tra, kiểm tra; thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách.
Tinh giảm công chức "cắp ô"
Trong cuộc họp vừa rồi, Chính phủ đã thống nhất về việc sắp xếp biên chế cán bộ hiện có theo vị trí việc làm và phương án xử lý cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
Đây là nội dung đã được thảo luận và tranh luận khá sôi nổi trong thời gian vừa qua cũng như tại hai ngày họp giữa Chính phủ và các địa phương cuối tháng 12. Nếu như theo phản ánh của dư luận thì có tới 30% công chức "cắp ô" (chỉ đến cơ quan rồi về, làm việc ít thậm chí không làm việc) thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình ngày 20/11 cho biết, tỷ lệ này chỉ 1%.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, với tỷ lệ 30% công chức "cắp ô" tức tương ứng với khoảng 70.000 người, và nếu giảm được số lượng công chức, viên chức không làm được việc thì sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng cho ngân sách.
Tại cuộc họp Chính phủ và các địa phương vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải nhanh chóng làm rõ và khắc phục tình trạng gây bức xúc này. Đồng thời yêu cầu phải ban hành bộ tiêu chí để đánh giá các công chức hoàn thành nhiệm vụ. Nếu nhiệm vụ không rõ, chức danh, vị trí việc làm không rõ thì không đánh giá được.
Theo Nghị quyết Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trình Thủ tướng trong quý III/2014.
Trước đó, tại Kết luận Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), về nội dung xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Bộ Chính trị đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch, sau đó giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của Trung ương cân nhắc, quyết định chính thức.
Bộ Nội vụ cũng sẽ cùng với Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành báo cáo về công tác cải cách hành chính năm 2013, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2013. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiến nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong năm 2014.
Theo
Bích Diệp
(Dân trí)