Theo tiến sĩ Lưu Hồng Minh (Trưởng khoa Xã hội học - Học viện Báo chí Tuyên truyền), đây là một hiện tượng đã xuất hiện từ lâu, xã hội trước hay gọi hiện tượng này là "công tử Bạc Liêu". Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, xã hội phát triển nhiều người giầu có, con cái họ tiêu tiền một cách thoải mái hơn những người khác. Họ cố tìm cách thể hiện rằng, ta rất giàu, rất nhiều tiền, ta hơn người, đó là một sự "lệch chuẩn" mang ý nghĩa tiêu cực.
Dần dần, nếu mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ, không có những lý tưởng sống đích thực, sẽ bị cuốn theo và đánh mất dần đi bản thân. Đồng thời, đó là một xã hội mang tính bề nổi và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Hành vi đốt tiền không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức tối thiểu của xã hội nữa. Những đối tượng coi trọng đồng tiền, coi trọng những gì được thể hiện ra bên ngoài, cho chúng ta thấy được ở những chiếc xe siêu sang hàng chục tỷ, những đám cưới triệu USD...
TS Lưu Hồng Minh
Điều đặc biệt nguy hiểm, họ có được nhiều tiền từ những nguồn "không sạch". Họ cho con cháu mua sắm thật nhiều để lòe thiên hạ, rồi vay tiền của dân như những vụ vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Giới trẻ rất thích mới. Họ nghĩ đến việc làm mới mình bằng những việc "lệch chuẩn" hơn hẳn bình thường mà không để ý rằng sự "chơi trội" ấy có khi vi phạm đạo đức xã hội. Cần phải hiểu đúng giá trị đích thực của bản thân trong xã hội, những hiện tượng "chơi trội" gần đây ngày càng nhiều mà họ vẫn không sửa được.
Chưa có một nghiên cứu sâu sắc và cảnh báo toàn diện về những hành vi này tác động xấu như thế nào đối với xã hội. Để thay đổi ý thức hành vi "chơi chội" ngoài việc xã hội lên án còn phải có biện pháp giáo dục kịp thời, thậm chí nếu vi phạm pháp luật phải răn đe đủ mạnh. Phải có các sân chơi lành mạnh để quy tụ giới trẻ và giáo dục lối sống, lý tưởng cho lớp thanh niên mới. Đồng thời cũng không được bỏ rơi những đối tương này khi họ có sai phạm mà phải giúp họ sửa sai để hòa nhập với lối sống tích cực.
K.D