Chị K.D, nhân viên của HTX rau an toàn Đạo Đức (Đông Anh, HN) cho biết: “Với những loại rau quả thông thường, hợp tác xã có thể cung cấp với số lượng lớn và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, với những mặt hàng “độc” như ngó sen thì cơ sở không có điều kiện sản xuất ra mà buộc phải nhập từ Sài Gòn về để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn”.
Ngó sen trắng muốt nhờ ngâm tẩm
Qua tìm hiểu được biết, loại hóa chất pha kèm nước thực chất là phoóc môn (dùng để ướp xác). Chị D nói nhỏ: “Tẩm hóa chất phoóc môn xong, ngó sen giữ được cả tháng mà không thối hỏng, không đổi màu”. Một chủ đầu bếp ở khách sạn có tiếng trong Hà Nội (đề nghị giấu tên) tiết lộ: “Việc hoa chuối hay ngó sen ngâm chất tẩy đường nhằm đánh lừa thị giác thực khách. Nếu làm ngó sen “xịn” và sạch thì màu đúng của ngó sen phải là màu nhờ nhờ đen. Tuy nhiên, phía thực khách chắc chắn sẽ phàn nàn, nghĩ ngó sen bẩn”.
Cũng theo anh đầu bếp này, hiện các nhà hàng, khách sạn chủ yếu nhập ngó sen từ Trung Quốc, không cho hóa chất thì không bao giờ để được lâu. Món hoa chuối chỉ tẩy trắng một lần với hóa chất nhưng với ngó sen, công đoạn này nhiều gấp ba, bốn lần. Phải dùng hóa chất bảo quản từ Trung Quốc rồi lại một lần nữa dùng hóa chất để “phù phép” thêm thì mới có thể bảo quản đến người dùng làm hàng, cuối cùng, phía hàng ăn lại phải dùng hóa chất bảo quản trước khi chế biến thành món ăn.
Không chỉ riêng hoa chuối, ngó sen, món thịt bò cũng được dùng soda trộn vào cho mềm hơn; món sách bò nếu thiếu nước gio của Trung Quốc thì không bao giờ trắng tinh, giòn dai được. Cũng theo người đầu bếp này, sau khi được ngâm, tẩm các loại hóa chất, thực phẩm có thể để khoảng 10 ngày, riêng thịt bò đã ngâm có thể giữ tươi hàng tháng.
Đồng quan điểm, anh Ngọc Bình, bếp trưởng của một nhà hàng trên đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình, Hà Nội) nói: “Những cửa hàng nhỏ, hoa chuối, ngó sen bán ít và chậm nên chỉ cần dùng axit chanh để tẩy trắng. Tuy nhiên, muốn giữ hàng tươi lâu, đặc biệt với số lượng lớn, các mối hàng, hàng ăn sẽ sử dụng thuốc tẩy đường, một loại hóa chất được dùng để tẩy trắng quần áo để “phù phép”. Chất tẩy này còn được sử dụng để làm trắng tai lợn phục vụ cho món nộm ngó sen tai lợn”.
Cùng trao đổi với PV Người đưa tin, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Đề tài đánh giá tồn dư hóa chất một đơn vị trực thuộc Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) thực hiện trong 4 tháng cuối năm 2011 đã kết luận: 10/30 mẫu thịt (chiếm 33%) có tồn dư Beta-agonist (chất dùng kích nạc cho heo). Chất Beta-agonist đã bị các nước trên thế giới cấm từ nhiều năm nay. Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã cấm dùng trong chăn nuôi từ 2005”.
Chị Thu Hà (trú phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) đến giờ vẫn thấy lợm giọng khi nghĩ đến món nộm gà hoa chuối đượm mùi hóa chất còn sót vừa thưởng thức ở tiệc cưới một người bạn. “Ban đầu, nhìn đĩa nộm rất bắt mắt, lúc ăn vẫn đảm bảo độ giòn nhưng khi nuốt vị đắng còn để lại trong cổ họng kèm thêm mùi hắc”, chị Hà hãi hùng kể. |
P.V