Hôm mê vì cắt lể
Cho rằng để cải thiện tình trạng hay khóc đêm của đứa cháu, bà N.T.H. (60 tuổi), ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh vì tin lời người dân bàn tán về biệt tài cắt lể của một thầy lang miệt vườn nên đã đưa cháu là P.V.H. (25 ngày tuổi), đến cắt lể để cháu hết khóc đêm. Sau khi đưa cháu đến, thầy lang dùng dao lam cắt những vết sau lưng cho bé, nặn máu độc ra với mong muốn để giải thoát tình trạng khóc đêm cho bé thì vô tình gặp phải diễn biến khó lường, bà đã làm hại cho cháu. Chuyện khóc đêm không những không được cải thiện mà còn làm cho cháu bà thêm khóc nhiều vì đau, nhiễm trùng do vết thương bị cắt ở lưng.
Người nhà đã đưa bé H. lên bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh điều trị. Do vết thương nguy hiểm nên các bác sỹ đã tiến hành làm thủ tục chuyển bé lên bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM để tiếp tục điều trị. Tại đây bé H. được nhập viện trong tình trạng máu chảy ở lưng không cầm được, người lơ mơ, mệt mỏi, có nhiều vết cắt sau lưng, cơ thể bị thiếu máu.
Để cứu tính mạng cho bé H., các bác sỹ phải tiến hành truyền máu, truyền chất đông máu cho bé. Sau khi tiến hành chụp CT scan để chẩn đoán bệnh cho bé, các bác sỹ chẩn đoán bé H. bị thiếu vitamin K dẫn đến xuất huyết não. Sau khi nhận định và chẩn đoán đúng bệnh lý của bệnh nhân, các bác sỹ khẳng định bé H bị thiếu máu do vết cắt lể, đồng thời bé bị nhiễm trùng nặng do dụng cụ cắt lể không hợp vệ sinh, bé được tích cực điều trị chống nhiễm trùng và tiếp tục truyền máu.
Không chỉ trẻ sơ sinh mới có hiện tượng cắt lể, dường như trong quan niệm dân gian, cắt lể như một phương pháp chữa bệnh hiệu quả không cần nhiều tiền và công sức. Mới đây, bệnh viện Nhi Đồng 2, vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam tên Đ.P.T. (14 tuổi), quê tỉnh Bình Thuận trong tình trạng nguy kịch do nhiễm trùng sau khi cắt lể.
Theo người nhà bệnh nhân kể lại, em T. đi chăn bò về kêu mệt và đau đùi trái. Thấy vậy người nhà đưa T. đi cắt lể bằng lưỡi lam quanh đùi với mong muốn những máu dơ trong đùi nhanh chóng thoát ra qua những vết cắt. Lúc đó tình trạng đau đùi sẽ hết.
Một em bé 13 tháng chuẩn bị được cắt lể.
Một ngày sau, thấy tình hình đùi trái của T. vẫn đau và sưng to, căng bóng. Cơ thể mệt mỏi không ăn uống được gì. Lúc này người nhà đã đưa em T. nhập viện Nhi Đồng 2, TP.HCM để điều trị. Theo các bác sỹ, nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, với các biểu hiện: Sốt cao, huyết áp và mạch không đo được, chân trên sưng căng cứng, các ngón chân tím đen, không thể cử động được.
Một lúc sau khi nhập viện, T. nằm hôn mê bất tỉnh. Các bác sỹ tiến hành khám và điều trị cho T.. Vì vết thương bị nhiễm trùng nặng, T. phải trải qua 5 lần mổ cắt lọc và thoát dịch mủ ở đùi phải và các bác sỹ cũng tiến hành cắt hết các đốt chân bị hoại tử của T..
Quan niệm quá ấu trĩ
Sốc nhiễm trùng điển hình Các bác sỹ bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trường hợp em Đ.P.T. (14 tuổi), vừa được cứu sống vì bị biến chứng do cắt lể tại bệnh viện Nhi Đồng 2 là một bằng chứng cho thấy quan niệm cổ hủ, lạc hậu của một số người dân khi chữa bệnh bằng phương pháp cắt lể. Khi cắt lể người dân sử dụng các dụng cụ chưa vô trùng, họ đã vô tình mang vi trùng từ bên ngoài vào đường máu của bệnh nhân, làm cho bệnh nhân phải tự rước họa vào thân. Vi trùng trực tiếp lây nhiễm vào đường máu gây tình trạng nhiễm trùng huyết, từ đó tạo thành sốc nhiễm trùng dẫn đến hậu quả hôn mê, sốt cao, tắc mạch gây hoại tử đầu chi, có nguy cơ tử vong. |
Các bác sỹ bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, việc người lớn tự ý cắt lể cho trẻ là không nên, việc này rất dễ dẫn đến nhiễm trùng và mất máu cho trẻ. Trường hợp trẻ sau khi đã cắt lể mà có biểu hiện lơ mơ, không kèm theo sốt có thể là do đã bị xuất huyết não vì thiếu vitamin K.
Thông thường những trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi vitamin K rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bởi vì vitamin K rất cần cho sự tạo thành prothrombin trong gan có vai trò thiết yếu đông máu và điều hòa sự tổng hợp các yếu tố đông máu khác. Các biểu hiện thường gặp cho trường hợp trẻ sơ sinh thiếu vitamin K là chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc, mũi miệng...
Ngoài ra trẻ có thể bỏ bú, khóc nhiều, nôn trớ, da xanh xao, co giật, li bì... Trẻ bị xuất huyết não, nếu không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng như nặng thì bị tử vong, còn nhẹ thì có thể gặp những di chứng khác. Bên cạnh đó, tỷ lệ di chứng não rất cao lên đến 82,9% trong nhóm di chứng. Những di chứng gây hậu quả trầm trọng có thể kéo dài cho trẻ đó là trẻ có thể bị liệt tứ chi, liệt nửa người, liệt hai chi dưới, chậm phát triển...
Thạc sỹ, bác sỹ, Uông Sĩ Trường, chuyên khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Mỹ Đức, TP.HCM cho biết: "Ngày nay, nếu vẫn xuất hiện chuyện người lớn bàn tán với nhau cắt lể để mong con trẻ mau ăn chóng lớn, hay để giảm chuyện khóc nhè... là một quan niệm sai lầm.
Ngày trước dân gian thường truyền tai nhau về phương pháp chữa bệnh này nhưng ngày nay chuyện đó trở nên lạc hậu lỗi thời. Do trình độ người dân đã phát triển nên những quan niệm đó đã được đẩy lùi, nhất là người dân tại TP.HCM. Tuy nhiên các bệnh viện tại TP.HCM vẫn thường tiếp nhận những bệnh nhân ở những vùng quê khác đến điều trị biến chứng sau khi cắt lể. Hầu hết những bệnh nhân gặp biến chứng sau khi cắt lể thường đến bệnh viện Nhi Đồng 1 hoặc bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị".
Cũng theo bác sỹ Trường, những người dân tự ý điều trị bệnh cho con cháu mình theo phương pháp cổ điển của dân gian như cắt lể là không còn thích hợp trong điều kiện y học phát triển như ngày nay. Bên cạnh không có tính khoa học, nó còn mang lại hậu quả lớn cho bệnh nhân như các biến chứng thường gặp là thiếu máu nhiễm trùng... Thậm chí nặng có thể bị tử vong. Do đó người dân không nên tự ý đưa con em mình đi cắt lể. Nếu trẻ có biểu hiện biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng, hay khóc đêm... thì người lớn có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám và được tư vấn kịp thời.
Mất mạng như chơi
Theo thạc sỹ, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng tổng hợp, Trưởng khoa Ngoại niệu bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trẻ gặp biến chứng nặng sau khi đi cắt lể. Số lượng bệnh nhân đến nhập viện thường được chuyển từ các bệnh viện tuyến tỉnh đổ về. Hầu hết các bệnh nhân này thường phải điều trị do vết thương bị nhiễm trùng nặng. Bởi do những dụng cụ khi cắt lể người dân dùng cho trẻ chưa được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng. Do đó chuyện viêm nhiễm đường máu là rất dễ gặp. Nếu không phát hiện kịp thời trẻ có thể tử vong. Đáng nói hiện tượng này không chỉ xảy ra ở tình trạng trẻ sơ sinh, mà ngày nay người dân còn áp dụng cho cả những trẻ dưới 15 tuổi, thậm chí còn xảy ra cả người lớn.
Cách đây hai năm, bệnh viện Nhi Đồng 2 có tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân biến chứng do cắt lể khi trẻ đã hơn 3 tuổi. Mới đây bệnh viện lại tiếp tục cứu sống một bệnh nhân 14 tuổi do biến chứng từ cắt lể. Từ những trường hợp này cho thấy quan niệm của người dân từ trước là chữa bệnh bằng phương pháp truyền thống này hoàn không còn hiệu quả. Đây là bài học cho những ai muốn tự ý chữa bệnh tại nhà theo cách này.
Ái Minh