“Đảo quốc sư tử” trong lịch sử vẫn được biết đến là đất nước có quan hệ chặt chẽ với cả hai cường quốc nói trên: Một đồng minh ở châu Á của Washington trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và một trong những đối tác đầu tiên của Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Trong những năm qua Singapore đã rất giỏi trong việc chọn "con đường trung lập" giữa hai siêu cường. Trong đó, chính quyền của Thủ tướng Lý Hiểu Long đã cân bằng các mối quan hệ tích cực với cả Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng khi những chính sách của Tổng thống Donald Trump gây ra những xáo trộn mới và vị thế của Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ dưới nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Singapore thấy mình ở một vị trí khá mong manh.
"Nếu tìm một quốc gia nào có được sự cân bằng này, chỉ có thể là Singapore", Kerry Brown, người đứng đầu viện Lau China thuộc đại học King (Anh), nói với CNN. "Nếu Singapore không thể, chẳng ai có thể", học giả này đánh giá.
Nếu nhìn về 7 năm trước đây, có vẻ như con đường mà Singapore chọn là một hướng đi ổn định và an toàn.
"Chúng tôi đang ở khu vực châu Á mà châu Á lại đang bùng nổ", Thủ tướng Lý Hiển Long nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010.
"Trung Quốc là một câu chuyện lớn và là đối tác thương mại lớn đối với chúng tôi, nhưng Trung Quốc không phải là toàn bộ câu chuyện ... Mỹ đóng một vai trò ở châu Á mà Trung Quốc không thể thay thế và không ai có thể thay thế".
Vị thế của Singapore
Nằm ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có thể chế chính trị và vị trí địa lý độc đáo.
Đảo quốc này là hiện là nơi sinh sống đông đảo của cộng đồng người Hoa và là nước duy nhất trên thế giới sử dụng tiếng Anh và tiếng Quan Thoại như ngôn ngữ chính thức.
Với dân số 5 triệu người, thành phố được coi là sạch sẽ nhất thế giới này cũng là một trung tâm tài chính quốc tế và một thị trường thương mại quy mô lớn.
Trong khi các nước láng giềng ngắc ngoải trước những cơn sóng khủng hoảng chính trị và tài chính liên tiếp, Singapore vẫn thịnh vượng và ổn định.
"Quốc gia này là một cầu nối giữa phương Tây và phương Đông", Wang Yiwei, giáo sư tại trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân (Trung Quốc) cho biết.
Singapore nằm trên một trong những tuyến đường thương mại có giá trị nhất trên thế giới - Eo biển Malacca – nơi lưu lượng vận chuyển dầu lớn nhất châu Á chảy qua mỗi ngày.
Cựu thuộc địa của Anh hiện nay là một trong những những nước giàu nhất trên thế giới, tính theo GDP bình quân đầu người .
Trong năm 2015, hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đi qua Singapore, biến nơi đây trở thành cảng nhộn nhịp thứ hai trên thế giới chỉ sau Thượng Hải.
Singapore có quan hệ lịch sử và quân sự gần gũi với Mỹ từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hiện tại vẫn là nơi ra vào của hải quân và không quân Mỹ trong các nhiệm vụ hậu cần, sửa chữa.
Singapore cũng nhanh chóng nắm lấy cơ hội làm bạn với Trung Quốc khi quốc gia này mở cửa kinh tế vào những năm 1980 dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.
"Singapore nắm lấy cơ hội để làm việc với người Trung Quốc và tình bạn giữa cả hai nảy nở rất nhanh chóng, không chỉ vì những cơ hội kinh tế mà còn nhờ những tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa", Chong Ja Ian, học giả từ đại học Quốc gia Singapore, nói.
Nhưng trong năm qua, tình hình không còn đơn giản với đảo quốc này như trước. "Trung Quốc coi Singapore là quá gần gũi với Mỹ và cảm giác đó là đúng", Michael Barr, chuyên gia về Quan hệ Quốc tế tại đại học Flinders Adelaide nêu quan điểm.
Tiến thoái lưỡng nan
Chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi không biết làm cách nào để quan hệ với Mỹ (dưới thời Trump) gần gũi trở lại, trong khi Singapore biết rõ rằng về lâu dài họ phải có định hướng mới đối với Trung Quốc.
Quan hệ Singapore-Trung Quốc đột ngột giảm sâu sau khi nước này lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực về vấn đề Biển Đông.
Tháng 11/ 2016, 9 xe bọc thép của Singapore bị tạm giữ ở Hồng Kông trên đường trở về từ Đài Loan. Một động thái được cho là phản ứng công khai của Bắc Kinh đối với quốc gia này.
"Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn mà họ cảm thấy rằng họ có thể ra lệnh cho các quốc gia nhỏ hơn”, chuyên gia Barr nói. "Nó giống như việc phải sống với một con gấu cáu kỉnh trong một hang động nhỏ".
Bất ngờ hơn, Thủ tướng Lý cũng vắng mặt trong diễn đàn Vành đai Con đường của Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, mặc dù ông từng là người ủng hộ đầu tiên của sáng kiến.
Trong quá khứ, liên minh mạnh mẽ của Singapore với Mỹ đã giúp tạo sự cân bằng với Trung Quốc. Nhưng hiện tại, cán cân từ phía Mỹ đã về 0, và không ai thực sự biết giới lãnh đạo ở Washington đang nghĩ điều gì, theo CNN.
Singapore từng nghĩ rằng họ có thể đi cùng với Mỹ trong mối quan hệ hàng chục năm sau vẫn không sứt mẻ. Nhưng cường quốc số một hiện tại giống như một “chàng trai dậy thì” và hành động rất khó lường.
Tổng thống mới của Mỹ đã không đến thăm Singapore, một biểu hiện xa lánh kỳ lạ nếu so với chính quyền của Tổng thống Barack Obama, bất chấp việc đảo quốc này chưa làm điều gì phật ý Washington (giống như Trung Quốc).
Điều này khiến cho giới quan sát cho rằng, chính quyền Lý Hiển Long dường như đang không còn kiên nhẫn với Tổng thống Trump.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của mối quan hệ gần gũi hơn giữa Singapore và Bắc Kinh là những thay đổi trong hoạt động diễn tập quân sự của đảo quốc này với Đài Loan, một chủ đề từng được coi là nhạy cảm giữa hai nước.
Dẫu vậy, có những ý kiến cho rằng một năm chưa phải là quá dài. Tổng thống Trump có thể dành 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông để lấy lại niềm tin từ đối tác Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu Quốc khánh Singapore năm 2016, Thủ tướng Lý từng một lần nữa khẳng định: Trung Quốc không bao giờ có thể thay thế Mỹ.
"Chúng tôi là bạn bè với cả Mỹ và Trung Quốc với ... Cả hai tin rằng Thái Bình Dương đủ rộng lớn để chứa cả hai cường quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây nói rằng Mỹ và Trung Quốc nên 'nuôi dưỡng vòng tròn của tình hữu nghị chung’, ông Lý diễn giải, đồng thời khẳng định: "Đó chính xác là những gì Singapore đang cố gắng làm".