Theo ông Khương, khi chờ ở sân bay Đà Nẵng, ông đã đề nghị chuyển sang chuyến bay khác và được tiếp viên trưởng đồng ý và đã đưa cuống vé cho nhân viên để làm thủ tục xuống tàu bay. Tuy nhiên, máy bay sau đó tiếp tục khởi hành và ông Khương đề nghị tiếp viên đưa lại vé nhưng tiếp viên trưởng nói rằng vé máy bay của hành khách Khương bị mất.
Ông Khương nói, việc tìm ra nguyên nhân vụ việc này không quá khó vì đã có hộp đen ghi lại toàn bộ diễn biến.
Ông Khương khẳng định, sẽ kiện đến cùng nếu Vietnam Airlines không nhìn nhận ra sai lầm của mình. Lý do mà ông Khương “kiện Vietnam Airlines đến cùng”, theo luật sư Trần Thu Nam (đại diện cho HLV Lê Minh Khương ) trả lời Nguoiduatin.vn, là “không phải vì tiền mà danh dự cá nhân của ông Khương bị xúc phạm".
Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh, phó cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, thì ông Khương “có nhiều dấu hiệu cho thấy hành khách đã vi phạm quy định của hàng không như ngồi không đúng chỗ”. Thậm chí, “khi nhân viên hàng không yêu cầu hành khách Khương về đúng chỗ ngồi quy định thì vị hành khách trên đã không tuân thủ”.
Ông Thanh khẳng định, do tính chất phức tạp của vụ việc, cũng như có quá nhiều quan điểm trái chiều nhau từ các nhân chứng nên Cục này đã quyết định rút toàn bộ hồ sơ vụ việc lên để trực tiếp điều tra, xử lý.
Vụ "hành xử quá dã man" của VNA đối với HLV Lê Minh Khương nhắc độc giả nhớ đến một việc tương tự. Trước đó, nữ doanh nhân nổi tiếng, tổng giám đốc Cty Bảo hiểm AAA Đỗ Thị Kim Liên đã có những phản ứng khá gay gắt về tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Hồng Viện của VNA.
Bà Liên cáo buộc bản thân mình và 2 con nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi) bị lực lượng an ninh sân bay tạm giữ tới 3 tiếng đồng hồ tại sân bay Tân Sơn Nhất mà không hề đưa ra được một lời giải thích thỏa đáng. Tường trình lại sự việc này, bà Liên đã bật khóc nói rằng: "Đã bị tiếp viên làm nhục, xúc phạm danh dự nghiêm trọng trước mặt con cái… Chúng tôi sẽ tiến hành khiếu nại và chính thức khởi kiện Nguyễn Thị Hồng Viện - tiếp viên của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) về hành vi này".
Bà Liên bật khóc khi nói rằng nhân viên VNA đã làm nhục và xúc phạm vợ chồng bà trên chuyến bay
Một bản tin trên Báo Công an Nhân dân loan tin, luật sư Phạm Ngọc Trung, đại diện pháp luật cho vợ chồng bà Liên cho biết: Tiếp viên làm như vậy là hoàn toàn sai quy định. Quyết định số 06/2007 của Bộ GTVT đã quy định rất rõ, chỉ những trường hợp hành khách "Đe dọa khủng bố hoặc tội phạm mới bị áp giải".
"Trước hết, chúng tôi sẽ tư vấn cho khách hàng của mình trong việc khiếu nại về việc quản lý nhân sự tới những người có trách nhiệm của Vietnam Airlines sau đó chúng tôi sẽ khởi kiện, yêu cầu tiếp viên Viện bồi thường danh dự cho bà Liên", luật sư Trung nói.
Hiện chưa rõ tiến độ giải quyết vụ này.
Còn nhớ, trong một kiến nghị trên Nguoiduatin.vn trong "chuyến bay bão táp" ngày 9/4/2011 với hơn 4 giờ liên tục ngồi chờ trong máy bay ở Tân Sơn Nhất, ông Võ Trọng Hải, đồn trưởng Đồn biên phòng Cầu Treo Hà Tĩnh, một khách VIP của VNA cho biết: “Chúng tôi bỏ ra tiền triệu để mua vé. Vậy mà, nhân viên ở đây họ xua đuổi tôi như những con trâu con bò vậy. Những người này đã đối xử với hành khách không được như các “cò xe” ở các bến xe chợ vậy”.
Thật khó hình dung những cáo buộc của những "nạn nhân" chúng tôi nêu trên về các hành xử, có lẽ là có vấn đề của VNA, đối với các thượng đế của mình.
Nhưng, nhiều người tin rằng, cách duy nhất để được bay với VNA là im lặng. Các đường bay nội địa đã bị "ông lớn" này bao phủ. "Đừng phản ứng thái quá, bạn sẽ bị đưa vào danh sách cấm bay", một khách hàng nói với Nguoiduatin.vn.
Việt Dũng