Câu chuyện hơn 40 năm về trước…
Sau hành trình hơn 100km từ Hà Nội lên tỉnh Bắc Giang giữa tiết trời lạnh giá, PV báo Điện tử Người Đưa Tin tìm đến gia đình bà Vi Thị Cú (người vợ thứ hai của cụ Sường) ở thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Gia đình bà vừa được Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức công khai xin lỗi, giải oan cho ông Mưu Quý Sường mang tội danh Giết vợ sau hơn 40 năm.
Tiếp chuyện chúng tôi bằng một giọng nói khản đặc, bà Cú cho rơm rớm nước mắt biết: “Gia đình chúng tôi rất vui mừng vì chồng đã được minh oan, nhưng cũng có chút nuối tiếc vì ông Sường chỉ bỏ được cái tiếng giết vợ khi ông đã khuất núi, giá như ông được minh oan khi ông còn sống thì chắc ông sẽ rất hạnh phúc”.
Kể lại bi kịch cuộc đời của người chồng quá cố, bà Cú như đắm chìm vào trong những hoài niệm từ xa xưa. Bà Cú kể,ông Sường mồ côi cha mẹ từ năm lên 4 tuổi, ông phải đi làm con nuôi một ông chú cùng họ Mưu. Sau này, khi ông trưởng thành thì ông được người bố nuôi làm đám cưới cho ông nên duyên với bà Hoàng Thị Múi, cũng chính là người vợ đầu của ông.
Tròn 18 tuổi, ông Sường lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho đất nước. Ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay khi còn trong quân ngũ.
Sau khi giải phóng đất nước, vì sức khỏe yếu nên đến tháng 11/1975, ông Sường phục viên về với gia đình. Sau khi xuất ngũ, là một Đảng viên, ông Sường đã được UBND, bà con trong khu vực tín nhiệm giao trách nhiệm làm Phó chủ nhiệm kế hoạch hợp tác xã Nội Thành.
Cũng kể từ đây, tai họa đã ập đến đối với người đàn ông này…
Án oan “Giết vợ”
Sau khi kết hôn, ông Sường và bà Múi có với nhau hai mặt con. Vào thời điểm xảy ra vụ án oan thì người con gái lớn của ông Sường lên 5 tuổi, cậu con trai thứ mới được 6 tháng tuổi.
Theo tài liệu, tháng 11/1977, khi đó ông Sường đang cùng các xã viên đi đắp đập ngăn nước ở đầu nguồn. Buổi chiều khi đi làm về đến nhà, không thấy vợ là bà Hoàng Thị Múi đâu nên ông Sường đi tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện vợ tử vong ở con suối gần ngay nhà chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, ông Sường cùng gia đình mang thi thể vợ về nhà để lo hậu sự.
Trong lúc ông cùng người thân đang chuẩn bị làm đám tang cho bà Múi thì bất ngờ công an ập đến, đọc lệnh bắt ông vì nghi là thủ phạm sát hại bà Múi, mang xác xuống suối gần nhà dựng hiện trường giả.
Ngày 2/11/1977, ông Sường bị Công an huyện Lục Ngạn (ty Hà Bắc cũ) khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội danh Giết người, ông bị bắt và giam giữ tại trại giam Kế, tỉnh Hà Bắc cũ.
Sau 7 năm 4 tháng giam giữ, vụ án của ông Sường vẫn không có kết luận điều tra. Điều đó có nghĩa là không có một phiên tòa nào được mở để xét xử ông này về tội Giết người.
Trong thời gian ông Sường bị tam giam, các cơ quan tố tụng không có bằng chứng nào khẳng định ông Sường đã giết vợ.
Bảy năm 4 tháng ở trại giam Kế, ông Sường được cán bộ trại giam phân công làm buồng trưởng buồng F3. Khi ông được cán bộ trại giam cử ông và một người nữa ra ngoài làm kinh tế, thì ở buồng giam F3 xảy ra vụ phạm nhân đánh nhau. Vì ông là buồng trưởng nên bị quy trách nhiệm liên đới và bị TAND tỉnh Bắc Giang xử phạt 4 năm tù giam.
Việc ông Sường bị bắt khiến người thân vô cùng bàng hoàng. Cùng với việc bị giam giữ suốt 7 năm mà không có án, không ai tin là ông vô tội…
Còn tiếp...