Đường từ cỏ siêu ngọt có thể thay thế đường mía?

Đường từ cỏ siêu ngọt có thể thay thế đường mía?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Thông tin về loại cỏ siêu ngọt (Stevia) có thể chiết xuất ra một loại đường không năng lượng, an toàn với bệnh nhân mắc các bệnh đái tháo đường, béo phì, tim mạch đang thu hút sự quan tâm của không ít người dân Việt Nam.

Theo thống kê năm 2011 của Viện Đái tháo Đường và Rối loạn Chuyển hóa - Trường Đại học Y Hà Nội, tại Việt Nam, số lượng người mắc bệnh tiểu đường chiếm tỷ lệ 5,7%. Con số này có nguy cơ tăng tăng cao hơn khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực và thói quen sử dụng thực phẩm chứa nhiều calo, đường và chất béo không được hạn chế.

Xã hội - Đường từ cỏ siêu ngọt có thể thay thế đường mía?

Bộ NN & PTNT khẳng định, cỏ ngọt là loại cây có nhiều công dụng quý và có giá trị kinh tế cao

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chế độ ăn uống quá nhiều đường sẽ tạo ra căng thẳng sinh hóa cho cơ thể. Nó có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Chính vì thế thông tin loại đường chiết xuất từ cỏ siêu ngọt (Stevia) không năng lượng, chứa ít calo và lành tính với những người phải kiêng dùng đường Saccarozo đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân, nhà khoa học và các công ty trong lĩnh vực liên quan.

Được biết, cỏ ngọt vào Việt Nam từ khá lâu, nhưng bị bỏ quên do không có thì trường tiêu thụ, không có công nghệ chế biến và các cơ quan chức năng cũng chưa có điều kiện nghiên cứu về công dụng, hiệu quả kinh tế của nó...Tuy nhiên, thời gian gần đây, cây cỏ ngọt bỗng trở thành tâm điểm chú ý của giới chuyên gia, đặc biệt là những người nông dân trồng trọt sau khi có nhiều hộ gia đình phất lên nhờ loại cây này.

Một số công ty đã mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu để trồng cỏ ngọt tại các tỉnh như Bắc Giang, Thái Bình, Sơn Tây, Hòa Bình, Hưng Yên... Sản phẩm được thu hoạch, chủ yếu xuất đi nước ngoài. Trước thế mạnh của cây cỏ ngọt, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Đề án nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ cỏ ngọt theo hướng công nghệ cao tại Việt Nam. Bộ NN & PTNT khẳng định, cỏ ngọt là loại cây trồng không tranh chấp với đất trồng lúa, có nhiều công dụng quý.

Thứ trưởng Bộ NN &PTNT Bùi Bá Bổng cũng đăng đàn nói về cây cỏ ngọt như sau: “Cỏ ngọt phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của nhiều vùng sinh thái tại Việt Nam. Loại cây này cho năng suất bình quân từ 6 - 9 tấn lá khô/ha. Đề án nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ cỏ ngọt được thực hiện bài bản sẽ phát huy được lợi thế sẵn có của nhiều vùng đất, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người nông dân”.

Nhiều ý kiến tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng loại đường được chế biến từ cỏ siêu ngọt có thể thay thế đường từ mía. Không ít các nhà hoạch định nông nghiệp hy vọng vào tiềm năng phát triển và cơ hội thoát nghèo cho người dân từ việc trồng loại cỏ này. Tuy nhiên, không ít người lại tỏ ra hoài nghi cho rằng, từ trước đến này chỉ nghe người ta đồn thổi về tác dụng chữa bệnh của loại cỏ nêu trên chứ chưa biết đến thông tin về các chế phẩm từ loại cỏ này ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, chuyên viên văn phòng Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Nhiều người suy luận, cỏ ngọt và mía đều là thực vật nên có thể cho ra loại đường giống nhau. Tuy nhiên, theo tôi, cỏ ngọt có những tác dụng nhất định trong cuộc sống hàng ngày như làm chất phụ gia, dùng pha nước uống cho mát... Còn nếu dùng để thay thế hoàn toàn đường mía là điều khó có thể xảy ra. Người dân Việt Nam thường dùng đồ ăn, uống, đường theo thói quen. Và đường mía từ lâu đã hiện hữu như một thói quen trong văn hóa ăn uống của người Việt”.

Nhà giáo Đỗ Thị Giao Cầm, Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Thực tế, ai cũng lo lắng nguy cơ mắc bệnh do dùng nhiều đường kính. Nếu loại đường làm từ cỏ ngọt được các nhà khoa học chứng minh là tốt cho cơ thể và tránh những nguy cơ bệnh tật, tôi nghĩ sẽ có nhiều người dân sử dụng. Nhưng thực sự, đến thời điểm này, thông tin về các sản phẩm liên quan đến cỏ ngọt được cộng đồng biết đến không nhiều. Chúng tôi mới chỉ biết đến nó như một loại trà dùng thường ngày. Cùng với đó là công dụng chữa bệnh thần kỳ thông qua lời đồn thổi của các cửa hàng dược liệu”.

Tại cuộc Hội thảo đánh giá về triển vọng phát triển cỏ ngọt, GS - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Cây trồng Việt Nam cho biết: “Cỏ ngọt có hàm lượng steviozid (một glucozid) lớn nên có vị ngọt gấp 250-300 lần đường kính. Chất ngọt cóá khoảng 1,5% trong cành và 6-7% trong lá của loại cây này. Năm 2008, Mỹ và cộng đồng Châu Âu chính thức khuyến khích sử dụng rộng rãi và thu mua cỏ ngọt thay thế đường. Tuy nhiên, công dụng mà cây cỏ ngọt mang lại không phải ai cũng biết. Có thể coi đây là một loại đường không năng lượng, không chứa calo, dễ bảo quản do tính kháng khuẩn cao”.

Ông Lê Đăng Khoa, giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Toàn cầu Stevia cho biết: “Loại cỏ siêu ngọt (Stevia) và đường từ loại cỏ này còn xa lạ với khá nhiều người. Thực tế cỏ ngọt vào Việt Nam từ năm 1988, song phải đến năm 2008, khi các nước châu Âu và Mỹ khuyến khích những người mắc bệnh tiểu đường dùng các sản phẩm chiết xuất từ cỏ Stevia thì người dân Việt Nam mới bắt đầu biết đến nó. Các nước như Nhật Bản cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sử dụng loại đường này. Thị trường đường của Nhật Bản hiện này có khoảng 50% là đường chiết xuất từ cỏ siêu ngọt. Mặt khác, việc dùng loại đường này làm nguyên liệu sản xuất cho các sản phẩm cần dùng đường cũng rẻ hơn so với đường mía. Đường từ cỏ ngọt hiện có giá là 1,5 triệu đồng/kg, đường mía có giá khoảng 20.000 đồng/kg. Song với độ ngọt gấp 330 lần đường mía, thì chi phí sản xuất khi sử dụng đường cỏ ngọt sẽ giúp tiết kiệm hơn nhiều lần”.

Theo PGS.TS Đặng Minh Nhật, chuyên ngành công nghệ hóa thực phẩm, Khoa Hóa, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, công nghiệp sản xuất đường trên thế giới chủ yếu dùng nguyên liệu củ cải đường và mía. Loại đường chủ yếu là đường Saccarozo. Hàm lượng đường Saccarozo ít có trong cây cỏ có nhiều chất xơ. PGS.TS Đặng Minh Nhật cũng thẳng thắn chia sẻ, ông chưa hề biết đến loại cỏá có độ ngọt cao hơn đường thông thường 300 lần

BS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện K cho biết: “Cỏ ngọt và đường cỏ ngọt không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ là chất tạo vị ngọt (không năng lượng). Các bác sỹ thường khuyên người mắc các bệnh như tiểu đường, phẫu thuật dạ dày, béo phì…phải kiêng đường kính (saccharoza, glucozo) dùng loại cỏ này. Các trường hợp phải kiêng dùng cam thảo như người mang thai, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, người đang dùng thuốc có Digitalis, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid... sử dụng loại cỏ này cũng rất tốt. Loại cỏ này chỉ có tác dụng giúp những người không dùng được vị đắng có thể sử dụng để tạo vị ngọt mà không ảnh hưởng đến đường huyết trong cơ thể”

Quế Ngân – Hoàng Mai