Mường Nhé, là huyện miền núi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Được thành lập năm 2002, Mường Nhé là huyện có xuất phát điểm rất thấp. Toàn huyện có 6 đơn vị hành chính, 100% các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hệ thống giao thông hoàn toàn là đường cấp phối và đường mòn dân sinh. Vào mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở, chia cắt, chỉ có 2 xã có đường ô tô vào đến trung tâm. Hệ thống thông tin liên lạc chưa được đầu tư; 100% bản chưa có điện lưới Quốc gia, cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung tự cấp dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá xã hội có mặt bằng phát triển rất hạn chế. Mường Nhé của những ngày đầu không khác gì một “ốc đảo” biệt lập giữa muôn trùng rừng núi.

Nhưng Mường Nhé của hơn 20 năm sau đã khác. Đến mảnh đất cực Tây của đất nước vào một chiều giữa tháng 3, đi trên con đường chạy qua trung tâm huyện rộng 4 làn xe, với nhà cửa hai bên mọc san sát, khiến chúng tôi cảm nhận ngay được sự đổi mới trong diện mạo thị trấn. Trò chuyện với ông Tạ Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, chúng tôi càng hiểu thêm về cuộc chuyển mình của mảnh đất này.

Ông Sơn cho biết, bức tranh phát triển của Mường Nhé đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của huyện tăng trưởng khá, lũy tiến hằng năm. Đến hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đến hết năm 2023 ước đạt 1.642 tỷ đồng. Thu nhập bình quân ước đạt 32,4 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 8 lần so với cách đây 10 năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng xác định, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản. Tổng diện tích thu hoạch cây lượng thực đạt gần 6.400ha với tổng sản lượng đạt trên 18.000 tấn.

Bên cạnh đó, từ khi hệ thống giao thông phát triển, Quốc lộ 4H được đầu tư nâng cấp; 95% số bản có đường ô tô, gần 90% gia đình được sử dụng điện Quốc gia đã tạo động lực làm đòn bẩy để thúc đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt ở các xã, bản được đầu tư để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh họat của Nhân dân; hạ tầng bưu chính, viễn thông, truyền thanh, truyền hình, thông tin, liên lạc phát triển, khoảng cách Mường Nhé với các địa phương vùng thấp đã gần hơn.

Đặc biệt, huyện tích cực triển khai Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 12/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã không còn tình trạng người dân di cư tự do.

Tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, huyện Mường Nhé đã kêu gọi thu hút đầu tư và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn. Đặc biệt việc thực hiện Chương trình Nông thôn mới đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay bình quân đã đạt 9,8 tiêu chí NTM/xã, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 47,3%. Cùng với phát triển kinh tế, các mặt văn hóa xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

“Những thành tựu trong phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, cái thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn cũng đã mở ra khát vọng, ước mơ làm giàu và đổi đời cho bao hộ gia đình. Từ chỗ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Mường Nhé đã từng bước chủ động trong việc thay đổi cuộc sống của chính mình”, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Tạ Văn Sơn phấn khởi chia sẻ.

Nhắc lại vụ tụ tập đông người tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè xảy ra hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé cho biết đây đã trở thành bài học “xương máu” với cấp ủy, chính quyền huyện trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân ở cơ sở nói riêng và nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an ninh biên giới quốc gia nói chung.

Từ sự việc Huổi Khon, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé luôn nhất quán phương châm chỉ đạo xuyên suốt là phải “sát cơ sở, nắm dân, vững địa bàn”, với yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang phải sâu sát, gắn bó, đồng hành với người dân các bản, làng. Trong đó, Công an huyện và lực lượng Bộ đội Biên phòng là đơn vị chủ công trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền phòng chống tà đạo và các quan điểm sai trái. Chính vì vậy, trong những năm qua, trên dọc tuyến biên giới của Mường Nhé đều giữ vững được sự bình yên cần có.

Nhưng sự đổi mới về kinh tế - xã hội của Mường Nhé dẫu vậy vẫn chỉ là khởi đầu, bởi Mường Nhé hôm nay vẫn nằm trong diện 74 huyện nghèo nhất nước. Để Mường Nhé thực sự phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bí thư huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải thắng thắn chia sẻ: “Là một trong huyện nghèo nhất nước, những năm vừa qua, Mường Nhé đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và đầu tư hiệu quả từ ngân sách Nhà nước, kinh phí từ các tổ chức xã hội. Đây là nguồn lực quan trọng để Mường Nhé có diện mạo như ngày nay.

Tuy nhiên, phát triển sẽ không có điểm dừng và để Mường Nhé có thể tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới, điều quan trọng là khơi dậy được nội lực phát triển của chính mảnh đất vùng biên này. Điều trăn trở của chúng tôi là sức bật, nội lực để tự đi lên của Mường Nhé đang còn yếu do đó phải làm thế nào để khơi dậy và phát huy được nội lực của huyện. Đó là một bài toán lâu dài và phải kiên trì thực hiện”.

Câu hỏi lớn nhất lúc này được đặt ra: Nội lực phát triển của Mường Nhé ở đâu? Cần làm gì để khơi dậy và phát huy nguồn nội lực này? Và Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đã trả lời cho câu hỏi trên: Lấy giáo dục, nâng cao dân trí là nền tảng, phát triển kinh tế là vấn đề trung tâm, đoàn kết nội bộ, đồng thuận của người dân và củng cố hệ thống chính trị là vấn đề thường xuyên.

“Chúng ta nói về ổn định và phát triển. Phải ổn định mới có thể phát triển nhưng ngược lại nếu không phát triển thì cũng không thể có ổn định. Khi dân trí được nâng lên, người dân sẽ có hiểu biết để phát triển kinh tế, không bị lôi kéo bởi những lợi dụ dỗ. Khi cuộc sống nâng lên, bà con sẽ xoá bỏ dần thói quen du canh, du cư, họ biết gìn giữ giá trị từng mảnh đất nơi mình sống, canh tác và càng có ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ an ninh biên giới. Ổn định và nâng cao đời sống, những yếu tố gây mê tín kiểu "thế lực siêu nhiên" sẽ bị loại trừ. Chính vì vậy, bảo vệ an ninh biên giới cũng chính là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân”, Bí thư Bùi Minh Hải nói.

Từ nhận thức trên, huyện Mường Nhé đã chủ động tìm kiếm các hướng đi để phát triển kinh tế địa phương, trong đó xác định trọng tâm là phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch.

Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát được trên 27.000 ha diện tích đất chưa có rừng để đầu tư trồng rừng, cây mắc ca, các cây công nghiệp, dược liệu có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn đã có Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Tây Bắc đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND xã Sín Thầu, Sen Thượng và xã Leng Su Sìn, thực hiện trồng 452,22 ha cây mắc ca, đạt 4,47% so với quy mô phê duyệt dự án. Hiện nay, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo mở rộng trồng cây dược liệu như sa nhân, ước đạt khoảng 127,4 ha; thảo quả 16,3ha; sả java 159,3ha, 70ha giổi lấy hạt, 100ha quế...

Để đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành hướng đi bền vững của địa phương, Mường Nhé đang nỗ lực để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, các hoạt động giao lưu văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc như ngày hội đoàn kết các dân tộc huyện Mường Nhé, Lễ Cúng bản, Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, Tết Hoa Mào gà của dân tộc Cống, Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La, chợ phiên lối mở A Pa Chải.

Huyện chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ ở phân khúc trung bình và bình dân. Quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng các bản văn hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, xác định Cột cờ A Pa Chải là một điểm trong chuỗi du lịch, do đó UBND huyện đang chủ động phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà tài trợ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án này đảm bảo đúng tiến độ. Cột cờ A Pa Chải được xây dựng với tổng diện tích quy hoạch 6.463m2 trên dãy núi Khoang La San, có độ cao 1.464m so với mực nước biển, thuộc Bản Tá Miếu, xã Sín Thầu.

Huyện Mường Nhé cũng đã phê duyệt ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) huyện Mường Nhé, bao gồm các sản phẩm: Cực Tây Hoa Hồng Trà, Bí Xanh Trà, Tô Mộc Trà, Hà Nhì Trà của Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất Nông nghiệp Hà Ân tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè; Cam Vinh do hợp tác xã Nông nghiệp Huấn Loan tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè... nhằm kết nối mạnh mẽ hơn việc phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch.

Con đường đi lên của Mường Nhé còn dài. Nhưng sự đầu tư và nỗ lực của chính Mường Nhé là niềm tin để huyện biên giới này chuyển mình thay đổi. Và đường dài cũng vì thế mà có thể ngắn hơn.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 16/05/2024 | 08:00