Ông anh họ khệ nệ kéo va li quèn quẹt lên 5 tấng cầu thang, vừa diễn vẻ mặt thâm cung bí sử: hai đứa bay cẩn thận, tầng 5 khu nhà C này tập trung những người phụ nữ đáng sợ nhất Miền Bắc Việt Nam đấy, không chịu được thì tốt nhất là say goodbye sớm cho lành. Tôi phì cười vì cái kiểu nắn gân quá quắt ấy. Nhưng, 1 thời gian trôi qua, tôi nhận thấy anh mình đã sai, chính xác thì phải nói là: nơi đây, tập trung những người phụ nữ đáng sợ nhất Việt Nam, ít ra là sức chịu đựng của cá nhân tôi phát biểu như vậy. Hồi ấy tôi đi dạy thêm rất nhiều mặc dù học trò ở rất xa, chỉ để không phải chứng kiến cảnh cãi nhau, đánh nhau, mạt sát, sỉ vả nhau của những người phụ nữ đó, có khi chỉ là vì một chậu nước. Đến nỗi, về sau này, khi đã ổn định ở chỗ khác, tôi đã cho phép mình quên đi những ngày tháng sống ở đó, để giữ lại niềm tin bấy lâu nay rằng : phụ nữ dịu dàng như ánh trăng.
Câu chuyện về những người phụ nữ ấy, tôi sẽ dành để kể vào 1 ngày mưa gợi nhớ khác.
Còn hôm nay, khi mưa sang mùa rả rích, và khi tôi vô tình bật nghe "Tuổi đá buồn" tôi lại không nguôi nghĩ về chị - người đàn bà trên tầng năm nhà C hồi nọ.
Với 2 cô con gái lớn, lẽ ra tôi nên gọi người phụ nữ ấy bằng cô, nhưng tôi quen gọi những người phụ nữ xa lạ trong ký ức của mình bằng chị, và có lẽ còn vì, tôi không tin những người phụ nữ yêu nhạc Trịnh sẽ già đi.
Không ai ở tầng 5 khu tập thể hồi đó không sợ chị, chị đanh đá, dữ dằn, đáng sợ. Những người phụ nữ ở tấng này thường chia nhóm, tạo vây cánh, chị 1 mình một góc trời, không kết giao, không hội họp, không thỏa hiệp. Người ta không nhớ tên của chị, toàn dùng tên "văn chương", "điện ảnh" đặt cho chị: Đồ phù thủy, bà la sát, Étte, quỷ dạ xoa, mụ tú bà,... Khi những người phụ nữ mạt sát nhau, trí tưởng tượng và ngôn từ của họ trở nên phong phú "khôn lường", và lồng ngực dường như cũng căng rộng "khôn lường" để đẩy ra cái thứ "thuốc độc" kia. Sự nhọc nhằn với cơm áo gạo tiền, sự bấn loạn với gia đình nhà cửa, chồng con, sự ích kỉ, nhỏ nhen, và hình như cả một chút "khát máu" đã tạo nên "sự xa cách của những người đàn bà", không đo được khoảng cách ấy, nhưng có thể chỉ cần một chiều mưa, một bài hát, như "Tuổi đá buồn" chẳng hạn, định kiến biết đâu sẽ tan theo mây khói.
Hôm nay chị đã tạm đặt xuống những gánh nặng, gạt qua những đa đoan để làm một người phụ nữ "không oan uổng".
Đấy là về tận sau này tôi mới nghĩ được như vậy. Còn lúc ấy, tôi không ưa chị (thực ra là rất ghét) cũng như những người khác không ưa chị, tôi sợ phải chạm phải ánh mắt lạnh lẽo, đầy thù hằn của chị, nên trừ phi chị đi vắng, còn không thì dù rất quí 2 cô con gái của chị, và rất muốn được ngồi ngắm mãi những chậu cảnh nhỏ xinh, được chăm sóc tỉ mỉ trong nhà chị, tôi vẫn biến ngay khi nghe tiếng xe đạp lọc cọc ngoài hành lang. Chị không quý tôi, cũng như thờ ơ với tất cả những người ở khu tập thể này. Chị ít khi quát mắng con cái, nhưng nếu có, thì dù đã dong xe xuống tận tầng một, tôi vẫn giật bắn mình khi nghe tiếng chị đay nghiến, gào thét, chửi bới. Tôi nghĩ, mình đã rất tổn thương vào khoảng thời gian đó.
Rồi những ngày mưa đến, buổi chiều không đi dạy thêm được, tôi vơ vẩn tìm nhạc và chọn Khánh Ly. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu ngày ấy tôi chọn đĩa nhạc của ai khác không phải Trịnh Công Sơn, thì liệu hôm nay tôi có nhớ về chị những chiều mưa? Tôi vẫn còn giữ đĩa CD đó, cứ giữ thế thôi.
"Trời còn làm mưa, mưa rơi thênh thang, từng gót chân trần, em quên, em quên, đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai....."
Khi nhạc dừng và chuyển sang bài khác thì có tiếng gõ cửa. Tôi giật thót mình khi thấy người phụ nữ ấy đứng trước cửa, nhưng không phải ánh mắt dữ dằn, đáng sợ như mọi lần, chị len lén nhìn tôi và rụt rè đề nghị: cháu bật lại và vặn loa to hơn cho cô nghe bài vừa nãy được không? Tôi không trả lời mà chỉ gật đầu như cái máy. Đến khi đóng cửa lại, ngồi xuống tìm nút chọn bài mà tay tôi vẫn còn run run. Tôi đồ rằng cả tầng 5 chỉ có tôi và chị ở nhà, vì tôi bật loa hết cỡ mà không thấy có tiếng quát tháo, nạt nộ nào. Tôi bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu băn khoăn, bắt đầu tò mò, bắt đầu thích thú.... Tôi thấy mình như vừa khám phá ra một điều gì đó rất lớn lao, rất "đáng sợ". Rồi tôi lại tự hỏi, người phụ nữ ấy trông sẽ thế nào khi nghe bài hát này nhỉ?
Dù chỉ cách nhau có 1 căn hộ, nhưng đến nhà khi chị có nhà đối với tôi, khó khăn hơn cả đạp xe gần 20 cây số để đi dạy. Vấn đề ở chỗ, sự tò mò khiến tôi không đừng được, tôi khép cửa thật khẽ và nhón bước trên hành lang. Kể cả khi ở nhà, chị cũng đóng cửa rất kĩ, nên tôi chỉ dám hy vọng được thấy biểu cảm của khuôn mặt chị qua khe cửa le lói ánh sáng. Mồ hôi đầm đìa, tôi không biết mình đã đi lại bao nhiêu lần dọc hành lang tấng 5 hôm đó, cũng chẳng biết mình đang làm gì, đang cần gì, hay đang tìm kiếm điều gì. Thật khổ sở chỉ vì một bài hát, hay chỉ vì một người thích 1 bài hát.
Đột nhiên, chị mở tung cửa, và lần đầu tiên trong suốt 1 năm ở chốn này, tôi thấy chị cười. Có lẽ với những người phụ nữ khác, nụ cười đó hết sức bình thường, nhưng với chị, quả thật không-hề-dễ-dàng gì. Tôi sẽ không bao giờ quên được nụ cười của người phụ nữ ấy ngày hôm đó. Chị niềm nở đón tôi vào nhà và lịch sự: Cháu ngồi chơi đi, cô đang dở tay một chút. Tôi ngồi ngắm căn nhà của chị như lần đầu tiên (mặc dù tôi đã vào chơi với các con chị rất nhiều lần) bước vào một nơi như thế này vậy. Tôi ngắm chiếc máy khâu chị đang ngồi và bần thần khi nhìn thấy dòng chữ viết vào giấy và được dán cẩn thận lên cạnh gỗ của máy : "Em biết đâu, mùa sang......".
Tôi không để ý đến cái máy khâu trong những lần vào chơi với các con chị, vì chị để gọn ở một góc và phủ vải trắng cẩn thận từ trên xuống dưới. Cũng có lần tôi tò mò muốn được xem, nhưng hai cô bé bảo rằng, không ai được phép động vào nó ngoài chị. Đó là cần câu cơm của cả nhà chị. Tôi không đòi xem nữa vì nghĩ nó chỉ là cái máy khâu bình thường thôi mà. Nhưng vào cái ngày hôm đó, tôi nhận ra rằng: một cái máy khâu cũng sẽ rất đẹp, nếu ai đó trang trí cho nó, dù có thể chỉ là mấy chữ viết trên mảnh giấy nhỏ dán lên cạnh gỗ: "em biết đâu, mùa sang...."
Tôi ngồi ngắm chị. Ngắm khuôn mặt xương xương khắc khoải của chị nghiêng nghiêng trên chiếc máy, mái tóc dài chải thẳng và buộc lửng thả trên lưng như những thiếu nữ Hà thành khi xưa, váy hoa dài chấm gót rung rung theo nhịp nhấn của đôi chân thô, gầy. Và môi chị mấp máy theo lời bài hát "Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn, em mang, em mang, đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai.....". Bạn có tin rằng, khi người phụ nữ mấp máy môi hát theo một bài nhạc họ yêu thích, họ đẹp lạ thường và rất hiền!
Chị kể là hồi trẻ chị rất thích bài hát này, và đã rất lâu rồi không được nghe lại. Khi tôi ngỏ ý tặng đĩa CD cho chị, chị từ chối luôn, bảo rằng: cháu cứ giữ lại, khi nào rảnh mở cho cô nghe, cháu mà đưa đĩa cho cô, có khi cô bỏ vào thùng rác lúc nào không hay ấy chứ, với lại, có 2 người cùng nghe, đỡ buồn hơn. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về sức lay động của nhạc Trịnh Công Sơn, hay ít ra, trong hoàn cảnh này, ca khúc ấy đã đem lại cho tôi, cho chị "bình yên một thoáng cho tim mềm", để hiểu về nhau - một điều không quá khó nhưng chúng ta ít khi cố gắng để làm.
Tôi biết chị đã phải gồng mình trong cuộc sống "vắng chồng", với hai cô con gái lớn và quá nhiều mối lo toan. Tôi thấy khoan khoái khi nghĩ rằng, hôm nay chị đã tạm đặt xuống những gánh nặng, gạt qua những đa đoan để làm một người phụ nữ "không oan uổng".
Cảm ơn nhạc sĩ, cảm ơn bài hát, cảm ơn một chiều mưa như thế để tôi được chạm vào "cõi dịu dàng" vốn được trời ban, là bản năng không bao giờ mất đi của người phụ nữ mà chỉ bị che phủ bởi sự nghiệt ngã của đời sống mòn mỏi này.
Lương Hiền
Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng! |