Đã không ít người phải thốt lên rằng, gã Nguyên “khùng” thật, suốt ngày cắm cúi nghiên cứu, hí hoáy rồi chế tạo ra chiếc máy “chẳng giống ai”. Thế nhưng, khi sản phẩm của gã được đem ra chạy thử, thì người ta mới ngỡ ngàng vì hiệu quả và tính ưu việt của chiếc máy xử lý rác ấy.
Anh Nguyên và sản phẩm tự sáng chế của mình.
Ý tưởng “điên rồ”
Về xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hỏi tên người nông dân tự chế tạo ra chiếc máy xử lý rác thải không khó. Ngôi nhà hai tầng và vườn cây cảnh ở đầu làng Liên Hưng được anh nông dân Ngô Thái Nguyên bài trí khá bắt mắt. Sinh năm Bính Ngọ (1966), trong một gia đình nghèo sống bằng nghề chài lưới ven biển. Sau khi học hết cấp ba, Ngô Thái Nguyên thi đậu vào trường Trung cấp Y Thanh Hóa. Nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, nên anh đành gác lại những mơ ước để ở nhà lập gia đình theo ý nguyện của cha. Anh thay đổi nhiều nghề từ may và cho đế sửa chữa tàu thuyền, buôn bán đồ điện dân dụng... Vài năm sau, khi việc buôn bán không còn thuận buồm, xuôi gió, gã nông dân này chuyển sang làm nghề buôn bán nội ngoại thất, hoa viên cây cảnh.
Cuộc sống ở vùng ven biển Hải Bình ngày càng khắc nghiệt bởi nạn ô nhiễm môi trường. Mỗi khi bước chân ra khỏi nhà, từ đường làng, ngõ xóm đến bờ biển, đâu đâu cũng thấy rác. Rác ngập ngụa, bốc mùi hôi thối và khốn khổ nhất là túi nilon… Gã nghĩ: Hàng ngày người ta thu gom rác thải thì cũng chỉ là bốc chỗ này đổ nơi khác. Gã muốn làm một điều gì đó để có thể xử lý triệt để những đống rác bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu đen kia. Làm sao để môi trường xung quanh nhà gã và làng xóm xanh - sạch - đẹp trở lại như xưa.
Từ những suy nghĩ, trăn trở ấy hằng đêm, khi vợ con và mọi người đã chìm vào giấc ngủ, gã thắp đèn lên, một mình cặm cụi với bản vẽ. Khi lao vào công việc, anh Nguyên quên đi thời gian, suốt ngày loay hoay với những thanh sắt, những viên gạch... Có lúc chỉ vì một chi tiết nhỏ của một bộ phận máy, anh mất cả tháng trời để làm cho chính xác.
Và cũng chính vì những điều đó mà có người đã mỉa mai là Nguyên “khùng”, là gã “hâm”. Cái “hâm” trong gã là dám gác lại những công việc của một chủ gia đình đang nuôi 4 đứa con ăn học, để lao vào công việc không phải của mình. Để thực hiện ý tưởng “điên rồ” của mình, suốt 2 năm ròng rã, gã cặm cụi nghiên cứu, rồi chế tạo ra chiếc máy mang ý nghĩa to lớn cho cuộc sống.
Kết quả ngoài sức tưởng tượng
Chiếc máy xử lý rác thải của gã được thiết kế theo mô hình xử lý rác tổng hợp. Rác được đưa vào bồn chứa nước có lắp mô tơ khuấy trộn rác. Những loại rác nhẹ như túi nilon, giấy, bao bì… khi khuấy trong bồn nước, chúng sẽ nổi lên và được hất lên băng chuyền tải về máy. Các loại rác nặng, như: gạch, đá, sắt, thép… sẽ lắng xuống đáy bồn và trượt theo máng đi ra mặt sàng. Còn những loại rác như: củ, quả, phân trâu, bò…lắng lại dưới đáy bồn, sẽ được đẩy về hầm biôga. Khi hệ thống máy hoạt động, rác từ bồn nước đưa theo băng chuyền tải về thùng máy. Chúng được băm bằng một hệ thống dao cắt thô, sau đó đẩy sang buồng dao cắt tinh rồi đùn ra ngoài. Sau khi qua hai hệ thống dao hỗn hợp tất cả các loại rác vô cơ sẽ được băm vụn rồi trộn với đất, ủ làm phân để trồng cây. Thậm chí, gã cũng đã dùng rác đã xử lý trộn với xi măng, đá mạt rồi ép làm gạch xây dựng.
Thời điểm chiếc máy hoàn thành các chi tiết và đưa vào vận hành thử với công suất 1,5KW, chạy bằng đường điện dân sinh đã phân loại, băm nhỏ được rác thải nhưng không khả thi vì điện yếu và máy thường xảy ra trục trặc. Không lùi bước, gã quyết định đầu tư và nâng công suất máy lên 4,5 KW, với nguồn điện 3 pha. Theo tính toán của gã thì chiếc máy hoạt động một ngày 6 giờ đồng hồ, nó sẽ xử lý được khoảng 10m3 rác tổng hợp. Sau khi số rác ấy đã được máy xử lý, còn lại 1/4 khối lượng rác vụn hữu ích.
Sau khi nâng cấp và điều chỉnh một số chi tiết máy, gã đưa vào chạy thử nghiệm trước chứng kiến của đông đảo người dân địa phương. Thật không ai có thể ngờ rằng máy chạy rất tốt, hoạt động như một cỗ máy chuyên nghiệp. Mọi người mong muốn đến một ngày cỗ máy của gã sẽ được nhân rộng mô hình để phục vụ cho cuộc sống.
Tâm sự về ý nguyện của mình, Nguyên “khùng”, bảo: “Tôi chỉ hy vọng khi mô hình máy xử lý rác này phát huy hiệu quả của nó, sẽ giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải ở quê tôi và các địa phương khác cũng có thể áp dụng được. Khi đó vùng biển quê tôi sẽ xanh - sạch - đẹp như thưở nào. Còn vấn đề mặt bằng và diện tích đất để xây dựng xưởng xử lý rác, chỉ cần vài trăm mét vuông đất là có thể làm được”.
Mong muốn mô hình được mở rộng Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hải Bình, khẳng định: Mô hình máy xử lý rác của anh Ngô Thái Nguyên được chính quyền địa phương và bà con đánh giá cao về tính ưu việt của nó. Sau khi tham quan mô hình và chứng kiến lần chạy thử nghiệm, ông chủ tịch xã này đã quyết định ưu tiên đầu tư cho anh Nguyên một nguồn điện 3 pha để dành riêng cho máy hoạt động. “Hiện nay, chúng tôi đã làm văn bản gửi lên UBND huyện về mô hình sáng chế của anh Nguyên. Đồng thời, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng có thẩm quyền về tham quan và thẩm định mô hình này. Nếu mô hình này phát huy được hiệu quả, chúng tôi hy vọng có thể nhân rộng ra nhiều địa phương để xử lý rác thải”- ông Tuấn nói. |
Lâm Đức Dương