Theo phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “ứng phó với BĐKH là vấn đề rất lớn, vấn đề chiến lược của mọi quốc gia, đặc biệt đối với nước ta. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những chủ trương, chính sách, biện pháp hữu hiệu nhằmứng phó có hiệu quả nhất đối với BĐKH ở Việt Nam và tham gia tích cực cùng cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này”.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết về hai nội dung về BĐKH rất quan trọng là tình hình thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam thời gian qua, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và Kịch bản BĐHK, nước biển dâng cho Việt Nam và những tác động của BĐKH, nước biển dâng đối với Việt Nam.
Nhân loại sẽ đối mặt với những diễn biến khó lường của BĐKH. Ảnh minh họa.
'Đây là những vấn đề lớn, thể hiện chủ trương, chính sách, nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH và bao trùm toàn bộ các hoạt động về biến đổi khí hậu của tất cả các Bộ, ngành, các địa phương ở nước ta hiện nay', bộ trưởng Quang nói.
Theo tính toán của Bộ TN&MT, đến cuối thế kỷ này, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m. Với kịch bản này, có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 11% diện tích đồng bằng sông Hồng cùng khoảng 3% diện tích các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập.
TP.HCM sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với con số dự báo ngập lên tới 20% diện tích, khoảng 10 –12% dân số ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Diệp Thanh