Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, bắt đầu từ ngày 6 - 9/9, nhiều lồng cá của người dân tại khu vực đảo Ngọc, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bất ngờ bị chết hàng loạt. Các loại cá bị chết phần lớn là cá: Vược, vú, giò, hồng đỏ… Hiện tượng này, sau đó cũng xuất hiện tại xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia.
Theo thống kê ban đầu, có 23 hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng số cá chết khoảng 47.6 tấn, ước tính thiệt hại gần 8 tỷ đồng. Trước tình hình đó, chính quyền xã Nghi Sơn đã kịp thời báo cáo sự việc lên UBND huyện Tĩnh Gia và các cơ quan chức năng, đề nghị tìm nguyên nhân.
Số lượng lớn cá bất ngờ chết khiến người dân rất lo lắng
Ngay sau khi nhận được thông tin hiện tượng cá chết hàng loạt ở 2 xã (Nghi Sơn và Tĩnh Hải) của huyện Tĩnh Gia, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND huyện Tĩnh Gia, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế tại khu vực xảy ra hiện tượng cá chết.
Không lâu sau, ngày 10/9, UBND tỉnh Thanh Hóa 'hỏa tốc' gửi báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ, kết luận về nguyên nhân cá chết. Văn bản ghi rõ: “Bước đầu có thể xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên và cá nuôi lồng bị chết là do tác động của loài tảo Hairoi – Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao, ở quy mô rộng hay còn gọi là tảo nở hoa”. Tuy nhiên, việc kết luận cá chết do thủy triều đỏ (tảo nở hoa), khi các nhà chuyên môn chưa vào cuộc, dư luận cho rằng, UBND tỉnh đã quá vội vàng, thiếu cân nhắc.
Liên quan đến số lượng cá bị chết, theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, phần lớn số cá này, bằng cách nào đó, ngư dân đã tìm cách bán cho các thương lái, rồi mang ra thị trường tiêu thụ. Số ít còn lại, họ dùng để ăn. Lý do được người dân đưa ra là, không cơ quan chức năng nào cấm họ ăn cá và bán cá.
Anh Đ. V