Học nghề để báo hiếu
Thầy Trần Thế Hằng, SN 1958, tại Hà Tĩnh nhưng lớn lên tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Thầy Hằng nói: "Tôi cũng không ngờ mình lại đi theo cái nghề này. Có thể nói, đây là cái duyên. Khi còn nhỏ, nhìn thấy mẹ tôi suốt ngày ốm đau, bị căn bệnh thần kinh tọa hành hạ, tôi giận mình vì không thể làm gì giúp mẹ được. Lớn lên, tôi thi đỗ một trường đại học nổi tiếng tại TPHCM, chẳng liên quan gì đến nghề y. Tuy nhiên trời run rủi thế nào mà bây giờ tôi lại hành nghề chữa bệnh".
Thầy Trần Thế Hằng đang bấm huyệt chữa bệnh
Vì là người ngoại đạo trong ngành y nên lúc học nghề ông Hằng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi nản lòng định từ bỏ nhưng nghĩ đến người mẹ già trước đây luôn quằn quại trong những cơn đau vì bệnh tật nên thầy đã quyết tâm học bằng được. Điều đặc biệt là, cơ duyên để thầy Hằng đến với nghề chữa bệnh cứu người là vì trước đây ông cũng từng mắc phải căn bệnh thần kinh tọa, đã từng đi chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi.
Năm 1995, khi đang ở Vũng Tàu, một lần ông lên chùa Thượng Chiếu nói chuyện với sư Cả. Biết ông bị bệnh, vị thiền sư này đã dùng phương pháp nhân điện học chữa trị. Sau khi chữa lành bệnh, vị sư thầy này đã quyết định truyền nghề để ông Hằng đi chữa bệnh cứu người.
Kể về quãng thời gian 5 năm học nghề thuốc, ông Hằng cho biết: "Thời gian ăn học, làm việc tại chùa, tôi được sư Cả tận tình truyền dạy chỉ bảo cách khám bệnh và chữa trị. Sau đó tôi tiếp tục gặp được Đại Đức Thích Chỉ Định, hiện thầy đang đi học cao học bên Ấn Độ. Sau này, một trong những người thầy mà tôi ngưỡng mộ nhất là thầy Thanh Chí, chuyên chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu. Hiện thầy đang ở chùa Phước Lộc Thọ (Đồng Nai)".
Thầy thuốc năn nỉ bệnh nhân để được chữa bệnh
Thầy Hằng chia sẻ, người hành nghề chữa bệnh trước hết phải có tâm và có tài. Đây là hai yếu tố không thể nào tách rời nhau, đặc biệt trong môi trường y học. Cô Nguyễn Thị Huệ (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) bị bại não nằm liệt giường đã 5 năm. Sau một thời gian được thầy Hằng chữa trị, cô Huệ đã bắt đầu tự ngồi được dậy và đang tập đi.
Dân trong làng kể rằng, ngày đầu bà Phiến, mẹ cô Huệ được thầy Hằng dặn không bảo cho ai rằng thầy đang chữa bệnh cho cô Huệ vì thầy không ở ngoài Bắc được lâu dài, người này rồi người khác đến, là thầy thuốc, từ chối bệnh nhân thì không đành. Nhưng tiếng lành đồn xa, người này rồi người kia mách nhau, dân làng Ngọc Hồi đến nhà bà Phiến ngày một đông, thầy Hằng đã ở lại để chữa trị cho những người khác. Hiện nay thầy Hằng đang ở ngôi nhà nhỏ ở đường Kim Giang để tiện cho việc chữa bệnh.
Thầy Hằng bảo: "Những ai mình có thể giúp được mình sẽ giúp hết lòng. Đối với cô Huệ, tôi cũng làm từ thiện từ đầu đến cuối. Bởi vì người ta đã bị bệnh lâu năm, nghèo nên làm gì có tiền. Tôi nghĩ chẳng lẽ vì tiền mà tôi lại bỏ một người đã nằm liệt giường 5 năm, không cho người ta được cơ hội đi lại như người bình thường sao?".
Bệnh nhân tên Vân Ngọc ở làng Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) bị gai gót chân đã 2 năm. Sau khi được thầy Hằng chữa đợt đầu khoảng 20 ngày, bà đã khỏi được 60%. "Đợt 2, đang điều trị được 1 tuần thì do hoàn cảnh kinh tế nên bà ấy không chữa nữa. Biết chuyện tôi đã đến tận nhà thuyết phục để bà trở lại chữa bệnh miễn phí. Đến nay, bà Vân đang được chữa trị đợt 3 nhưng đã khỏi được hơn 80%"- Thầy Hằng cho biết.
Người dân làng Ngọc Hồi kể rằng, thời gian đầu, thầy Hằng xuống Ngọc Hồi trị khỏi bệnh cho một sư cụ trong chùa Yên Kiện (Ngọc Hồi). Sau đó nhiều người đến mời thầy về khám bệnh. Bệnh mà thầy đặc biệt giỏi là những bệnh thuộc về xương, khớp, cột sống và đau các dây thần kinh.
Sáng nào cũng vậy, từ Kim Giang (quận Thanh Xuân), thầy Hằng ngược về Ngọc Hồi và có mặt ở nhà bà Phiến đúng 6h30 để chữa bệnh. Mỗi lớp điều trị, thầy chỉ nhận khoảng chục người, người này khỏi kết thúc điều trị hoặc tạm dừng điều trị giữa các đợt thì mới nhận thêm người mới vào điều trị. Gương mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ của thầy đã quá quen thuộc và gần gũi với người dân nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hương, 43 tuổi, số nhà 33 ngõ Liên Việt (Đống Đa) cho biết: "Tôi bị bại liệt do tai biến mạch máu não đã 2 năm nay. Tôi cũng đi châm cứu, uống thuốc Tây, thuốc Bắc nhiều nơi nhưng cũng không ăn thua. Đi khám ở các bệnh viện nhiều bác sĩ cũng phải lắc đầu. Sau đó tôi gặp được thầy Hằng, nhờ thầy điều trị hết 3 đợt, hiện nay tôi đã khỏi được 80%. Ngày trước khi bắt đầu điều trị tôi thấy đau người, nhưng tiếp tục điều trị thì thấy bệnh thuyên giảm, người nhẹ nhõm và bớt đau đi nhiều...".
Cô Hương cũng cho biết thêm, nhiều người trong làng sau khi được thầy chữa trị thấy đỡ hẳn, nhưng đây là chữa bệnh bằng bấm huyệt nên đòi hỏi sự kiên trì, không thể có tác dụng ngay tức khắc và cũng tùy thuộc vào bệnh, vào cơ địa của từng người mà tiến độ thuyên giảm của mỗi người khác nhau.
Văn Chương