Thông tin gây sốc với người tiêu dùng khi chiều 30/11, đồng loạt nhiều công ty gas tại TP.HCM như Saigon Petro, Petrolimex, Gia Đình Gas, Pacific Gas... công bố mức tăng giá “khủng” 78.000-79.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, giá gas bán lẻ vọt lên, phổ biến ở mức 485.000-491.000 đồng/bình, phá tất cả kỷ lục đã lập trước đó. Trước đó, gas trong nước lập kỷ lục về giá hồi tháng 3-2012 cũng chỉ dao động ở mức 477.000-480.000 đồng/bình.
Nguyên nhân của đợt tăng giá khủng này được cho là do giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng 267,5 USD/tấn (lên mức 1.162,5 USD/tấn).
Ảnh minh họa
Trước đó, tháng 11 gas có đợt tăng giá được cho là mạnh với mức tăng 18.000 đồng/bình, nâng giá gas bán lẻ phổ biến khoảng 410.000 đồng/bình. Tuy nhiên, so với đợt tăng giá lần này thì đợt tăng giá của tháng 11 không có gì đáng kể.
Nói về việc giá gas tăng đột biến, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đáng lẽ Bộ Công thương cần phải xem xét lượng gas tồn thực tế hiện nay là bao nhiêu trước khi cho doanh nghiệp tăng giá. Việc doanh nghiệp còn tồn hàng, gas nhập theo giá mới chưa về VN mà đã tăng giá bán là không sòng phẳng với người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước đáng lẽ phải vào cuộc về vấn đề này.
Được biết, tháng 10/2013, lượng nhập khẩu gas vào khoảng 76.000 tấn. Tháng 11/2013, Tổng cục Thống kê cho biết lượng nhập ước khoảng 80.000 tấn. Trong khi đó, với thị phần gas sản xuất trong nước đang chiếm khoảng 57,68%, các doanh nghiệp có thể có tồn kho lượng lớn gas nhập khẩu. Tính trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 52.160 tấn gas nhập khẩu, tháng 10-2013 lượng tồn kho vào khoảng 23.840 tấn và tháng 11/2013 ước khoảng 27.840 tấn.
Chuyên gia kinh tế lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh: Giá gas trong nước hiện nay đang điều chỉnh theo giá thế giới cũng là hình thức không minh bạch. Bởi hiện nay gas sản xuất trong nước đã chiếm thị phần áp đảo. Theo quy luật kinh tế, đãng lẽ gas sản xuất trong nước phải giữ vai trò dẫn dắt thị trường.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Lê Đăng Doanh cho rằng: “Ở đây đang có biểu hiện của một mối liên kết thầm lặng mà pháp luật không kiểm soát đến. Đáng lẽ Cục Quản lý cạnh tranh cần vào cuộc xem có sự thống nhất cùng tăng một thời điểm hay không?”
Thậm chí, trước đó bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, phó giám đốc Công ty gas Petrolimex Sài Gòn cũng nhận định: “Chính chúng tôi cũng choáng váng khi giá gas nhập khẩu thế giới đột nhiên tăng mạnh. Thậm chí các chuyên gia nhận định về giá gas thế giới cũng bất ngờ do không có nhiều cơ sở thông tin để nhận định giá gas tăng. Bởi giá dầu thế giới hiện đang ở mức ổn định, thậm chí giảm nhẹ. Việc tăng giá đột biến này giống giai đoạn tháng 3/2012 với các dấu hiệu đầu cơ trên thị trường gas thế giới”.
Tuấn Khanh (tổng hợp)