Mặc dù lâu nay người ta vẫn đồng ý nguyên nhân thảm kịch là do tàu đâm phải một tảng băng, nhưng tài liệu mới công bố của nhà báo Senan Molony cho rằng, có thể tàu chìm do một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra trên tàu trước khi nó đâm phải tảng băng trôi ở bắc Đại Tây Dương.
Ra đời năm 1912, Titanic là con tàu nổi lớn nhất thế giới ở thời điểm đó. Người ta còn bảo rằng, con tàu này không thể chìm. Thế nhưng vào đêm kinh hoàng ngày 14/4/1912, con tàu đã bị chìm sau khi đâm vào một tảng băng khiến khoảng 1.500 thiệt mạng, ước tính chỉ có 700 người sống sót.
Nếu như trong bộ phim huyền thoại Con tàu Titanic, con tàu này đã phải vật lộn với những con sóng hung dữ khi đang chìm. Song, theo nhiều tài liệu ghi chép, thời tiết xảy ra thảm họa khi đó vô cùng tĩnh lặng, không một cơn gió, rồi còn nhiều những bí ẩn khác khiến người ta vẫn đặt câu hỏi: Liệu con tàu Titanic bị chìm như thế nào?
Theo Independent (Anh), trong bộ phim tài liệu xuất hiện trên truyền hình Channel 4 của Anh dịp năm mới với tên gọi Titanic: Bằng chứng mới, nhà báo Senan Molony hé lộ bức ảnh được chụp trước khi tàu Titanic bắt đầu hành trình ngoài khơi. Bức ảnh của nhà báo Molony đã hướng đến giả thuyết cho rằng, hỏa hoạn chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa đắm tàu Titanic.
Trước đây, các chuyên gia từng ghi nhận thông tin về vụ cháy trên tàu Titanic xảy ra tại khu hầm chứa than của động cơ tàu. J. Dilley, kỹ sư làm việc tại khu vực lò chứa than sống sót sau thảm kịch từng kể lại: “Đây là một biến cố thực sự bất ngờ vì nếu tàu không bị chìm, hành khách cũng sẽ gặp một thảm kịch đáng sợ không kém đó chính là con tàu bị cháy”.
CNN dẫn lời nhà báo Molony cho hay: “Bức ảnh mà tôi công bố được chụp tại xưởng đóng tàu ở Belfast, Bắc Ailen 1 tuần trước khi tàu khởi hành. Do bị ảnh hưởng phía bên trong, nên hành khách không nhìn thấy những hư hại bởi vụ cháy”.
Theo nhà báo Molony, người đã dành ra hơn 30 năm để nghiên cứu vụ đắm tàu Titanic, ông xác minh được các vết đen dài 9 mét dọc theo phần bên tay phải phía trước của thân tàu chính là phần vỏ tàu bị tảng băng đâm thủng.
Các chuyên gia khẳng định, những dấu vết đó rất có thể đã phát sinh từ một đám cháy tại khu vực ở phía sau nồi hơi của tàu.
“Đám cháy có thể bắt nguồn từ hầm chứa than, đám cháy với nhiệt độ tăng lên tới 1.000 độ C khiến lớp vỏ thép của thân tàu lúc này đã bị giòn yếu đi. Sau đó khi Titanic lao vào tảng băng, thân tàu đã không chịu nổi va chạm dẫn đến con tàu chìm xuống đáy đại dương nhanh hơn khi đâm phải băng trôi. Con tàu xấu số đã không thể trụ được lâu cho đến khi đội cứu hộ có mặt”, Molony trình bày suy đoán của mình.
Cũng theo CNN, Bruce Ismay, chủ tịch tập đoàn đóng chiếc tàu Titanic khi đó yêu cầu những thủy thủ trên tàu không được đề cập tới sự cố hỏa hoạn này với bất cứ ai trong số 2500 hành khách. Chuyên gia Molony bày tỏ sự tiếc nuối: “Vụ hỏa hoạn đã được biết, nhưng đã bị che đậy. Đáng lẽ con tàu không bao giờ được đưa ra biển và sẽ không xảy ra thảm họa đáng tiếc đó”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với phát hiện mới được công bố của nhà báo Molony. David Hill, cựu thư ký của Hiệp hội Titanic Anh nói trên tờ The Times: “Đúng là có một vụ cháy đã xảy ra trước khi con tàu nhổ neo. Nhưng theo quan điểm của tôi, điều này không làm thay đổi nguyên nhân khiến tàu Titanic bị đắm”.
Trong một thông điệp gửi đến CNN, Nikki Allen, nhân viên thuộc Hiệp hội Titanic Anh nói đoạn phim tài liệu đã thổi bùng lên tranh luận trên khắp thế giới. “Chương trình và nội dung về phát hiện mới rõ ràng đáng được hoan nghênh. Điều quan trọng là vụ đắm tàu Titanic huyền thoại cách đây 105 năm vẫn còn được người ta thảo luận sôi nổi, sống động cho đến ngày nay. Đó là điều đáng trân trọng”, Allen nói.
Phương Anh