Người phụ nữ thiểu năng với chuỗi dài bất hạnh
Những ngày cuối tháng Năm, chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Hữu Ph. (SN 1950, tại Long Biên, Hà Nội), căn nhà ba tầng nhưng đã ngả màu của ông nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại Long Biên. Khi chúng tôi đến, ông đang đánh vật với đứa cháu ngoại tăng động, 10 tuổi không biết nói, phải buộc chân vào tường, đó cũng là con trai của chị Nguyễn Thị Đ. (SN 1978) người không may nhiễm HIV.
Kể về nỗi cay đắng đang phải gánh chịu cùng con gái và cháu ngoại đáng thương, ông Ph. rưng rưng nước mắt. Ông Ph. kể, ông sinh được ba người con thì người con thứ 2 là chị Nguyễn Thị Đ. không may bị thiểu năng. Từ nhỏ đã kém thông minh, chậm chạp, đặc biệt hơn không dám giao tiếp với mọi người xung quanh.
Xem video:
“Con gái tôi từ nhỏ đã phải chịu nhiều thiệt thòi, đi học mầm non thôi mà học 3 năm mới xong một lớp. Cháu như tự kỷ, đi học về là nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với ai. Nó ít nói, thành ra cô giáo hay cáu, đánh vào tay đỏ ửng mà có biết kêu đâu. Thương con không thể hòa nhập được với bạn bè nên vợ chồng tôi bàn nhau cho cháu ở nhà, hai vợ chồng sẽ thay nhau dạy bảo”, ông Ph. tâm sự.
Dù thiểu năng nhưng chị Đ. lại có một sức khỏe tốt, vì thế khi chị ngoài 20 tuổi ông bà bắt đầu cho con gái đi làm phụ hồ để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Chị Đ. làm chậm nhưng chịu khó, hơn nữa, ai bảo việc gì chị cũng làm nên được cả đoàn thợ xây quý mến.
Đến năm chị Đ. 30 tuổi, ông Ph. bắt đầu lo lắng cho tương lai của con gái mình, một ngày kia, khi ông bà mắt mờ chân chậm thì ai sẽ chăm sóc cho chị? Vì thế, biết trong đoàn thợ xây có một người đàn ông quê ở Vĩnh Phúc, SN 1975 quý mến chị Đ., ông Ph. mừng lắm, anh này đã ly hôn vợ và có 2 người con.
“Con gái tôi cũng nói có tình cảm với anh ta. Nhìn cách anh ta chăm sóc Đ., tôi cũng thấy yên tâm. Chúng tôi chấp nhận để 2 đứa qua lại với nhau, người đàn ông ấy còn về nhà tôi ở. Đến năm 2008, khi con gái tôi mang bầu thì anh ta nói gia đình có việc gấp phải về nhà ngay. Chờ 1- 2 tháng cũng không thấy quay lại, tôi mới nhờ người em của mình gọi cho anh ta để thông báo Đ. có em bé mà lại là con trai. Nghe xong anh ta liền tắt máy, từ đó chúng tôi không thể liên lạc được nữa. Hỏi Đ. thì nó nhớ nhớ, quên quên, cũng không biết địa chỉ chính xác của anh ta ở đâu để mà đi tìm”, ông Ph. kể.
Cuộc sống cứ trôi đi lặng lẽ, cho đến khi chị Đ. chuyển dạ sinh con thì số phận một lần nữa gieo rắc tai ương cho gia đình ông Ph.. Chị Đ. sinh bé nặng 2,2kg và sinh thường. Niềm vui có cháu ẵm bồng chưa kịp nhóm lên thì ông sững người khi nghe bác sĩ gọi lấy thêm một giấy kết quả nữa. Cầm tờ xét nghiệm trên tay, ông Ph. không tin vào mắt mình, mọi thứ dường như chỉ một màu đen, con gái ông dương tính với HIV. “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tại sao con gái tôi lại nhiễm HIV, nó nhiễm từ khi nào? Nhìn con gái thiểu năng nằm trên giường bệnh, tôi đau đớn. Sao cuộc đời lại bất công với nó đến vậy, quãng thời gian tiếp theo gia đình tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn”, ông Ph. nghẹn ngào. Cũng may cháu ngoại ông an toàn, không bị nhiễm H giống mẹ.
Tương lai không mảng sáng
Nói đến đây, ánh mắt ông Ph. đượm buồn. Có lẽ, hơn chục năm qua vợ chồng ông cũng gánh nỗi đau mà con gái mình đang phải chịu đựng. Chị Đ. không hiểu thế nào là HIV, căn bệnh thế kỷ đó đáng sợ ra sao. Vì thế, vợ chồng ông Ph. phải canh chừng, dặn dò con gái từng tí một, nếu tay chân bị đứt, tuyệt đối không được đụng đến người khác, uống thuốc đúng giờ.
“Dặn con uống thuốc nhưng lúc nhớ lúc quên, thành ra 3 năm nay nó không được viên thuốc nào vào người. 3 năm nay con gái tôi đã bỏ thuốc hỗ trợ. Khi tôi hỏi con chẳng nhớ mình đã uống chưa, lên phòng kiểm tra thì thấy lọ thuốc vẫn còn nguyên. Con trai Đ. từ khi sinh ra một tay vợ chồng tôi nuôi nấng. Nhưng bất hạnh thay, cháu ngoại tôi lớn lên không thể nói chuyện, phá hết mọi đồ đạc trong nhà. Tôi đưa cháu đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị thiểu năng, tăng động. Nay đã gần 10 tuổi nhưng không nói được, đưa cho thứ gì phá thứ ấy”, ông Ph. nghẹn lòng.
Ông Ph. đang nói chuyện với chúng tôi thì chị Nguyễn Thị Đ. đi làm về. Nhìn người đàn bà nhỏ thó chừng 34kg, chân tay trơ xương, mệt mỏi, rầu rĩ, hỏi gì nói đấy khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Chị bảo: “Con trai gần 10 tuổi rồi, cháu hay bắt nạt bà ngoại, bắt bà đưa đi khắp nơi dù nắng hay mưa. Tôi thương bố mẹ đã vất vả lo cho mẹ con tôi”.
Bà Nguyễn Thị L. (mẹ chị Đ.) ôm đứa cháu ngoại vào lòng nghẹn ngào: “Ước gì cháu tôi khỏe mạnh như những đứa trẻ khác để mai sau thay ông bà phụng dưỡng mẹ nó. Chứ như thế này chúng tôi nhắm mắt xuôi tay cũng không yên lòng”.
Nghe mẹ nói vậy, chị Đ. quay đi, gạt vội giọt nước mắt. Có lẽ, chính chị cũng hiểu chị đã làm khổ bố mẹ nhưng không thể nói nên lời và cũng chẳng thay đổi được số phận.
Chia tay gia đình ông Ph. khi đã xế chiều, hình ảnh người bà dắt đứa cháu tăng động đi dạo khắp xóm cứ in đậm trong trí nhớ chúng tôi. Không biết rồi tương lai của mẹ con chị Đ. sẽ như thế nào?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Đ., luật sư Bùi Hoài Thanh (trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế, HIV/AIDS) cho biết: “Đ. sinh hoạt tại nhóm Tự lực sống chung với HIV, nhóm này đã liên lạc với trung tâm của chúng tôi đề nghị luật sư giúp đỡ trợ giúp pháp lý cho Đ.. Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng nắm được bệnh nhân này mắc chứng thiểu năng về trí tuệ, bố mẹ lại già yếu nên không thể đưa đi thăm khám thường xuyên. Sau thời gian bỏ điều trị HIV/AIDS 3 năm, cùng sự trợ giúp pháp lý của chúng tôi đến khoảng tháng Sáu tới chị Đ. sẽ được đưa vào chương trình điều trị. Tuy nhiên, vì chị Đ. chưa có thẻ bảo hiểm y tế nên việc chi trả miễn phí có phần khó khăn. Trước hoàn cảnh éo le phải nuôi con nhỏ bị tăng động của chị, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự trợ giúp của cộng đồng cho hoàn cảnh này”.
Xem thêm:
Chuyện nghề 26: Cám dỗ phía sau ánh đèn và giá phải trả của nữ DJ
M.Hằng – H.Bích