Năm nay, Cánh diều 2016 sẽ trao giải vào ngày 20/4 thay vì tổ chức vào ngày 15/3 (ngày thành lập Ngành Điện ảnh Việt Nam) giống như những năm trước. Lễ trao giải năm này được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Ban tổ chức cho biết, lý do thay đổi lịch vì có một hãng phim nhà nước cũng tổ chức lễ kỉ niệm trùng vào ngày 15/3 trong năm nay.
Cánh diều 2016 có sự tham gia của 18 phim điện ảnh, 14 phim hoạt hình, 24 phim truyền hình (16 phim dài tập, 8 phim ngắn tập), 37 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 33 phim ngắn và 6 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Cánh diều vàng 2016 sẽ là giải thưởng đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
Giải Cánh diều năm nay nói không với các bộ phim Việt hóa.
Mười tám bộ phim điện ảnh tham gia tranh giải Cánh diều năm nay vẫn là những cái tên đã quen thuộc: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Người trở về”, “Chuyện của Yến”… Nổi bật trong mùa giải Cánh diều lần này là sự tham gia hùng hậu của các hãng phim tư nhân, ước tính chiếm 2/3 trong danh sách phim dự giải như: “Quyên”, “Gái già lắm chiêu”, “Trúng số” , “49 ngày”, “Bộ ba rắc rối”, “Ngày nảy ngày nay”, “Ám ảnh”, “Siêu trộm”, “Trót yêu”, “Bảo mẫu siêu quậy”, “Cầu vồng không sắc”, “Mỹ nhân”, “Đời như ý”, “Ám ảnh”…
Mười tám bộ phim, con số này được coi là lớn đối với các giải thưởng điện ảnh trong nước. Bởi cả năm, lượng phim sản xuất cũng không vượt quá ngưỡng 20 phim. Trong khi xu hướng các nhà làm phim chọn kịch bản ngoại để sản xuất đang tăng lên thì giải thưởng Cánh diều lại nói không với thể loại phim này. Cụ thể như với “Em là bà nội của anh”, mặc dù doanh thu khủng, nhưng bộ phim kịch bản Hàn Quốc sẽ không xuất hiện trong cơ cấu giải Cánh diều.