Trải qua một năm cầm quyền, Tổng thống Trump đã chứng kiến nền kinh tế Mỹ có những bước chuyển tích cực, GDP tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Do đó, ông quyết tâm xây dựng một quốc gia hùng mạnh với nòng cốt là mỗi gia đình, niềm tin, luật pháp, trật tự và quân đội.
“Đêm nay, tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy gạt qua một bên những khác biệt để tìm kiếm một nền tảng chung và tập hợp sự đoàn kết để phục vụ những người dân đã bầu cho mỗi người chúng ta ngồi ở đây”, Tổng thống Trump nói trước các nghị sĩ của hai phe Dân chủ và Cộng hòa.
Tuy nhiên, theo mô tả của tờ The Guardian, chính vị trí bục đứng phát biểu của Tổng thống Trump lại là điểm xuất phát cho sự chia rẽ rõ rệt giữa hai phe chủ chốt trong nội bộ chính trường Mỹ, báo hiệu những thách thức mà chính quyền phải tiếp tục đối mặt trong năm 2018.
Ở phía bên trái ông Trump là vị trí ngồi của các nghị sĩ Cộng hòa. Họ thi thoảng hò reo trước mỗi tuyên bố mới của Tổng thống.
Trong khi đó, ở phía bên phải, phe Dân chủ gần như ngồi lặng yên, với gương mặt không biến sắc, đôi khi không kiềm chế được những tiếng rì rầm phản đối, phản ánh sự giận dữ của hàng triệu con người tin rằng, ông Trump không phù hợp với cương vị Tổng thống Mỹ.
Khi bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc, những nghị sĩ Dân chủ vỗ tay và hô lớn “Nước Mỹ! Nước Mỹ” – thậm chí một người còn giương cao chiếc mũ đỏ với dòng chữ “Khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa”. Ngược lại, phe Dân chủ ùn ùn kéo nhau ra khỏi khán phòng.
Những phản ứng trái ngược nêu trên cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác so với những gì mà họ vừa được nghe: Đó là một năm Nhà Trắng trở nên “xáo động” với những ồn ào xung quanh lệnh hạn chế nhập cư, “cuộc chiến” giữa báo chí và chính quyền Donald Trump, cũng như những cáo buộc xung quanh mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump với Nga.
Trong bài phát biểu, ông Trump khẳng định năm đầu trong nhiệm sở đối với ông là một năm “đặc biệt thành công” và đưa ra tầm nhìn lạc quan hơn trong năm tới. “Đây là thời khắc Mỹ mới của chúng ta. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để bắt đầu giấc mơ Mỹ”, ông nói.
Trước đó, Nhà Trắng từng khẳng định thông điệp liên bang của Tổng thống Trump sẽ phát đi tín hiệu kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng nhưng theo giới quan sát, ông vẫn chưa đạt được mục tiêu đó trong bài phát biểu của mình.
Chính sách nhập cư chính là một trong những vấn đề nổi cộm gây chia rẽ nước Mỹ hiện nay. Để xoa dịu công luận, ông Trump đã đưa ra kế hoạch nhập cư với những chi tiết “thỏa hiệp công bằng” gồm 4 điểm lớn, đáng chú ý trong đó là lộ trình 12 năm để 1,8 triệu “dreamer” nhập tịch vào Mỹ. Đây là những người được đưa đến Mỹ trái phép từ nhỏ.
Nhưng những đề xuất trên tỏ ra không được lòng của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn đảng Cộng hòa lập luận rằng việc cho phép những “dreamer” nhập tịch là sự ân xá khó chấp nhận được. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Dân chủ phản đối công khai với tuyên bố của Tổng thống Trump về thiết lập “mức trần” cho hiện tượng di cư theo dây chuyền, tức người nhập cư hợp pháp tiếp tục bảo lãnh cho thân nhân vào Mỹ.
Khi tuyên bố đạo luật của người tiền nhiệm mang tên ObamaCare bị bãi bỏ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt, nhưng các thành viên của phe Dân chủ lại tỏ ra tức tối khi ai nấy đều ngồi yên với khuôn mặt tối sầm.
Theo đánh giá của các bình luận viên quốc tế, thông điệp liên bang lần này của Tổng thống Trump chưa thực sự lấy được tình cảm từ phe Dân chủ. Họ không cảm nhận được toàn bộ bài phát biểu của ông Trump.
Do đó, trong thời gian tới họ sẽ không có động lực để nhất trí với những đề xuất của Tổng thống, đặc biệt khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng Mười Một.
Có thể thấy, xuyên suốt trong bài phát biểu của Tổng thống Trump là những thành tựu kinh tế của nước Mỹ trong một năm qua, đồng thời ông kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng và tuyên bố đảo ngược chính sách của ông Obama, cũng như nỗ lực xử lý khủng hoảng Triều Tiên của Washington.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người kỳ vọng ông sẽ nhắc tới đó là cuộc điều tra can thiệp bầu cử Mỹ, lại không được nêu lên. Đây được coi là vấn đề có thể quyết định tới tương lai của ông Trump và quan trọng hơn bất kỳ một đề xuất lập pháp nào.
Dù nhiều nhà quan sát cho rằng thông điệp liên bang mà ông Trump thể hiện lần này chưa nêu lên được phương hướng hành động cho tương lai nước Mỹ cũng như không thành công trong việc thúc đẩy sự ủng hộ từ phe Dân chủ, nhưng nó mang ý nghĩa tinh thần cho nhiều người, giúp họ đặt niềm tin vào nước Mỹ.
Trên mạng xã hội Twitter, nhà cố vấn chính trị Frank Luntz viết: “Đêm nay, tôi nợ ông Trump một lời xin lỗi. Tôi thực sự cảm thấy xúc động và được truyền cảm hứng. Tôi đã lấy lại niềm tin và hy vọng với nước Mỹ”.
Trong khi đó, bình luận viên chính trị Steve Cortes của tờ CNN cũng gửi lời cảm ơn tới vị Tổng thống thứ 45 vì đã đưa nước Mỹ vượt qua “thời kỳ thất bại về kinh tế”.
Cũng trên Twitter, người dẫn chương trình phát thanh Mỹ tin tưởng ở ông Trump: “Rõ ràng mục tiêu của ông ấy là mang tất cả mọi người xích lại gần nhau hơn”.