Giải quyết vấn đề tranh chấp bằng hòa bình
Trước hành động gây quan ngại của Trung Quốc trên biển Đông, theo Chủ tịch, người dân nên thể hiện lòng yêu nước trong khuôn khổ pháp luật như thế nào để không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Trước những hành động của phía Trung Quốc trong những tháng gần đây, cụ thể là cuối tháng 5 và trong tháng 6/2011 tôi cho rằng những hành động của Trung Quốc trên biển Đông một lần nữa làm cho biển Đông lại "nổi sóng". Những hành động đó, rõ ràng phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam một cách nghiêm trọng.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh
Trước tình hình đó, tôi hết sức chia sẻ với sự bức xúc của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, vì thế họ có mối liên hệ với nhau một cách tự phát, tụ tập lại biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc. Theo tôi, đó là hành động bột phát, không thật chín chắn. Bởi những việc tranh chấp trên, nếu chỉ dùng những hành động bột phát sẽ gây ra những kích động với hậu quả không cần thiết, làm cho quan hệ của ta với Trung Quốc càng thêm khó khăn.
Kinh nghiệm cho thấy, những việc của phía Trung Quốc thì phải giải quyết từng bước một, đi từ việc dễ đến khó theo tinh thần thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Việt - Trung. Theo tinh thần đó nhất định chúng ta sẽ giải quyết tốt. Những hành động bột phát lại gây kích động, hằn thù với nhau thì lại càng khó giải quyết. Tôi cho rằng, những hành động tự phát đấy chúng ta cần chấm dứt. Mặc dầu, đó cũng là thể hiện tinh thần hăng hái yêu nước, nhưng dưới góc độ Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu về luật pháp, tôi cho rằng để đi đến sự đổ vỡ là không nên.
Vậy theo Chủ tịch, trong thời điểm này, người dân nên có những suy nghĩ và thể hiện ra sao cho phù hợp với khuôn khổ pháp luật mà vẫn thể hiện lòng yêu nước?
Theo tôi, trong thời điểm hiện nay, mỗi người dân phải hết sức bình tĩnh, tự kiềm chế và tin tưởng vào những biện pháp, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề với Trung Quốc nói chung và nói riêng trên biển Đông. Riêng hành động trên biển Đông, chúng ta tiếp tục có những hành động thẳng thắn với phía Trung Quốc khi họ có những vi phạm.
Ví dụ như hành động cản trở chúng ta thăm dò khai thác dầu khí trên biển Đông. Với hành động này, chúng ta phải thông qua con đường ngoại giao, thương lượng để lên án và gặp gỡ các cấp có thẩm quyền Trung Quốc, từ Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội cho đến các vị lãnh đạo cao của Trung Quốc để bàn thảo, xác lập những thỏa thuận. Không nên bằng những hành động biểu tình quá khích khác trên đường phố. Như thế, rất dễ bị các phần tử xấu và các thế lực thù địch lợi dụng gây rối, tạo nên những vấn đề gây mất trật tự an ninh trong xã hội.
Hà Nội là một thành phố vì hòa bình, vì thế khi giải quyết mọi vấn đề trong tranh chấp càng phải thể hiện thái độ của một công dân của một thủ đô vì hòa bình và tình hữu nghị. Kinh nghiệm cho tôi thấy, việc giải quyết với thái độ đúng mực vì hòa bình sẽ giải quyết tốt hơn rất nhiều so với các hành động bột phát đã diễn ra.
Cuộc đấu tranh chính nghĩa!
Thưa Chủ tịch, qua hai lần Hội Luật gia tổ chức hội thảo về biển Đông, vậy quan điểm và thông điệp của giới luật gia và học giả trên thế giới nhìn nhận sao về vấn đề này?
Qua hai lần hội thảo về vấn đề biển Đông, phải nói rằng, tất cả các học giả các nước đều đồng tình ủng hộ với thái độ và quan điểm của Việt Nam. Tôi có cảm tưởng sâu sắc rằng, hai cuộc hội thảo này đã có những kết quả đáng ghi nhận, các đại biểu quốc tế đã đưa ra những quan điểm khiến Trung Quốc phải rơi vào thế bí, không thể trả lời được hai vấn đề: Thứ nhất, cơ sở pháp lý của đường gấp khúc 9 đoạn (còn được gọi là đường lưỡi bò - PV) là gì? Thứ hai, cơ sở nào mà Trung Quốc lại nói lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở biển Đông.
Khi đưa vấn đề này ra bàn luận, các học giả Trung Quốc đã không trả lời thỏa đáng, rõ ràng trước các đại biểu quốc tế. Rõ ràng, cuộc đấu tranh của chúng ta ở biển Đông là chính nghĩa và đã được thực tế cuộc sống làm sáng tỏ.
Trước diễn biến tình hình biển Đông đang phức tạp, dưới góc độ luật pháp chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì, thưa Chủ tịch?
Trước diễn biến phức tạp của biển Đông do hành động quá khích, bá quyền của Trung Quốc, dưới góc độ luật pháp, tôi cho rằng, Hội Luật gia Việt Nam phải có một thái độ bình tĩnh, phân tích, làm rõ và tuyên truyền giải thích cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các tầng lớp thanh thiếu niên, trí thức, hiểu rõ rằng những hành động đó của Trung Quốc là sai phạm về mặt luật pháp, Công ước quốc tế về Luật biển 1982. Hành động vi phạm nghiêm trọng này đã chà đạp lên công lý quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phân tích cho mọi người thấy rõ rằng, Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm những thỏa thuận mà chính những người có thẩm quyền của Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN về cách ứng xử ở biển Đông (DOC) tại Indonexia vừa qua.
Ngoài ra, cũng phải cho mọi người thấy rằng, về mặt đạo lý, Trung Quốc đã sai phạm ở chỗ, khi lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận rằng, mọi tranh chấp phải được thương lượng và giải quyết ở cấp cao nhất có thẩm quyền của hai nước, nhưng họ đang đối xử với chúng ta theo kiểu luật "rừng", một thái độ không thể chấp nhận được.
Xin cám ơn Chủ tịch!
Vương Trần